Thực tế cho thấy, có rất nhiều người đã hứa là làm, nếu không có khả năng làm được thì không hứa. Thế nhưng cũng có không ít người lại cứ hứa để lấy lòng người khác, để được tăng số phiếu bầu, tăng tỷ lệ tín nhiệm. Cũng có người hứa ban phát cho cấp dưới chức này, việc nọ để hưởng lợi trước mắt, một thời gian sau có hỏi thì nhận được câu trả lời: "Tôi đã cố gắng hết sức rồi, nhưng...". Họ thản nhiên xem lời hứa như một câu cửa miệng, hứa rồi chưa thực hiện, rồi lại hứa bởi lẽ “Lời hứa chẳng mất tiền mua/ Hứa trên, hứa dưới cho vừa lòng nhau”.

Cũng có những người hứa rồi quên ngay, “đánh trống bỏ dùi”. Khi được hỏi đến lời đã hứa thì họ đưa ra những lý do lý trấu, đùn đẩy lý do khách quan, thực tế là che đậy sự vô cảm, vô trách nhiệm, thiếu tự trọng, thậm chí là sự dối trá. Đã có khá nhiều câu chuyện "cười ra nước mắt" về hứa suông, hứa hão. Tại một cơ quan nọ, trước khi lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm cán bộ, người được dự kiến được đề nghị đã "chạy" hết các đảng ủy viên, ai cũng hứa "sẽ ủng hộ chú". Thế nhưng khi bỏ phiếu kín, người đó lại chẳng được phiếu nào. Ở một cơ quan khác, một ông cấp trưởng trước khi nghỉ hưu hứa sẽ bàn giao "ghế" cho hai ông cấp phó. Thế là hai ông đó đua nhau nịnh cấp trưởng và cạnh tranh lẫn nhau, gây mất đoàn kết trong cơ quan và thế là cả cấp trưởng và cấp phó đều bị xử lý kỷ luật và cùng nghỉ. 

Ai cũng biết rằng, để lời hứa thành hiện thực, có khi lại phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần có sự giúp đỡ, tạo điều kiện, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan. Thế nhưng trách nhiệm thực hiện lời hứa, trước hết vẫn thuộc về người hứa. Chúng ta đã có không ít những quy định về giám sát lời hứa, về trách nhiệm cá nhân của người hứa nhưng lại thiếu các chế tài xử lý những người hứa suông, hứa hão thành thử vẫn còn những “miền đất hứa” cho những người này. Chính vì lẽ đó, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri, để phòng, chống bệnh hứa hão cần có những loại vaccine và thuốc điều trị mới hữu hiệu hơn.

Vaccine mới phòng bệnh hứa hão là những quy định ràng buộc về trách nhiệm thực hiện lời hứa và cơ chế giám sát lời hứa. Có thể luật hóa việc thực hiện lời hứa hoặc bổ sung việc thực hiện lời hứa của cán bộ công chức vào một số văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Cán bộ công chức, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ... Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội và hội đồng nhân dân đã mang tính chất giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ, thành viên ủy ban nhân dân. Tuy nhiên, các nghị quyết này cần có thêm những điều khoản xử lý khi người đã hứa mà không thực hiện đúng lời hứa.

Các chương trình hành động của những người ứng cử vào các chức danh lãnh đạo cần công khai để quần chúng nhân dân giám sát việc thực hiện những lời hứa trong đó. Lời hứa và việc thực hiện lời hứa của các chức danh do dân bầu cũng cần được công khai để giúp cử tri biết được lời hứa của đại biểu đã thực hiện như thế nào; và ngược lại, đại biểu cũng có thể cho cử tri biết, lời hứa của mình đang vướng mắc ở đâu. Sau một thời gian cần thiết, nếu không thực hiện đúng lời hứa thì người hứa suông, hứa hão sẽ phải bị bãi nhiệm.


Liều thuốc đặc trị mới đối với căn bệnh hứa hão phải là lập lại kỷ cương trong công vụ của các cơ quan công quyền. Trong đó có kỷ cương về việc hứa và thực hiện lời hứa của cán bộ công chức. Phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta hiện nay đã và đang được thiết kế phiến diện, một chiều, tức là chỉ đưa ra những chế tài xử lý với người dân và các doanh nghiệp. Chế tài xử lý đối với các viên chức, công chức, quan chức nhà nước-bộ phận đặc biệt quan trọng trong việc thực thi pháp luật-lại không được đề cập hoặc chỉ đề cập một cách chung chung, mờ nhạt. Hiện tượng này đặc biệt rõ trong các luật, nghị định và thông tư hướng dẫn liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Ở đó, chúng ta có thể thấy những cụm từ: "Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm...", "Cơ sở kinh doanh có nghĩa vụ...", "Cơ sở kinh doanh phải..." xuất hiện với một tần suất khá lớn và khá chi tiết, còn cơ quan công quyền thì chỉ được nhắc đến với cụm từ "có quyền". Vì thế, để điều trị bệnh hứa hão, hứa suông của cán bộ công chức, cần có những quy định "sòng phẳng" hơn giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan công quyền trong việc thực thi pháp luật. Các văn bản luật, nghị định và thông tư hướng dẫn phải có những chế tài cho tất cả đối tượng liên quan, trong đó có chế tài xử lý cán bộ công chức. Làm được điều này, hiện tượng hứa suông, hứa hão của cán bộ công chức chắc chắn sẽ giảm.

Trên bình diện xã hội, cần phát động phong trào nói không với hứa suông, hứa hão, tố cáo những người hứa suông, hứa hão để mọi người đều phải có trách nhiệm với lời hứa của mình. Các cơ quan thông tin đại chúng nên đăng tải công khai những chuyện hứa suông hứa hão “điển hình” để những người khác lấy đó làm gương. Các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trong đó có việc giám sát thực hiện lời hứa của cán bộ, đảng viên để từ đó loại bỏ ngay khỏi hàng ngũ cán bộ, công chức, viên chức những phần tử đã thoái hóa, đã xuống cấp về đạo đức và nhân phẩm, trong đó có những người đã hứa suông, hứa hão. 

Cùng với việc phê phán những người hứa suông, hứa hão, cần tiếp tục tuyên truyền, biểu dương những người đã thực hiện tốt lời hứa của mình. Họ nhận thức lời hứa là danh dự, là trách nhiệm của mình. Khi đưa ra một lời hứa đồng nghĩa với việc họ nhận lại một niềm tin, hy vọng. Niềm tin ấy sẽ được nhân lên nếu nó được thực hiện trọn vẹn với lời hứa của chính mình. Ngược lại, một khi niềm tin đã mất thì rất khó tạo dựng lại.

Nhớ và thực hiện tốt lời mình đã hứa cũng là phẩm chất cao đẹp của người cán bộ, đảng viên.