Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ là chủ trương nhất quán của Việt Nam

 

Thời gian gần đây, lợi dụng việc Nga tiến hành chiến dịch “Quân sự đặc biệt” vào Ukraine, nhiều người đã bày tỏ thái độ phê phán, xuyên tạc quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam và cách nhìn nhận, ứng xử của Việt Nam trước các vấn đề liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine. Đây là những ý kiến thiếu thiện chí, không thấy được tính đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của nước ta trong bối cảnh thế giới đương đại.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Có ý kiến cho rằng, trong xung đột giữa Nga và Ukraine, đường lối đối ngoại của Việt Nam là “phương cách đu dây giữa các cường quốc”. Tuy nhiên, nếu am tường về lịch sử ngoại giao nước nhà hẳn mọi người đều rõ trên con đường hội nhập và phát triển, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại trên tinh thần: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cho đến nay, Việt Nam đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Hiện nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; trong đó, 3 nước có “quan hệ đặc biệt”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện”. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như: Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO… Trong thực hiện đường lối đối ngoại, Việt Nam luôn tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Đối với những vấn đề phức tạp của các quốc gia, chúng ta luôn dương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, tích cực trao đổi, đàm phán, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Liên quan đến tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay, cần thống nhất nhận thức rằng: Trong quan hệ đối ngoại, Đảng và Nhà nước ta luôn kiên trì, nhất quán thực hiện chính sách “bốn không” trong quan hệ quốc tế đó là: Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Thấu hiểu những mất mát của chiến tranh, Việt Nam không muốn đất nước phải chịu cảnh chiến tranh và cũng không muốn chiến tranh xảy ra với các nước khác. Quan điểm của Việt Nam về vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine cũng rất rõ ràng. Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc trong phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 1/3 vừa qua đã khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là: Các bên cần giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc; đồng thời bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã tích cực kêu gọi và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường, đảm bảo an ninh an toàn của người dân cũng như các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế. Và thực tế, bên cạnh những phát ngôn chính thức, Đảng và Chính phủ đã có những hành động nhanh chóng, thiết thực nhằm bảo hộ và đưa công dân Việt Nam về nước, góp phần giảm thiểu mất mát, bảo vệ an toàn cho các công dân Việt Nam trong cuộc xung đột giữa hai quốc gia.

Trong suốt chiều dài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dân tộc ta luôn kiên trì đường lối đối ngoại giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa, vì hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Trong đường lối đối ngoại, chúng ta luôn học tập và làm theo tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh, đó là luôn luôn “phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ” để biết mình, biết người và luôn làm chủ tình thế; đồng thời, hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ giữa các nước lớn; khéo léo xử lý những quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng và những nước lớn; luôn phải “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” vì lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc. Đó cũng chính là cách ứng xử, hành xử khôn khéo, có lý có tình trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Đồng thời khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán của Việt Nam về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét