Với đặc trưng của nghề “học đi đôi với hành”, những bạn trẻ theo đuổi đam mê nghệ thuật, khát khao thôi chưa đủ, mà tài năng nghệ thuật ấy phải được khẳng định bằng thực lực từ sự khổ luyện.
Để hỗ trợ quá trình khổ luyện, đi tới thành công, bên cạnh chính sách quan tâm đầu tư của Nhà nước, việc tổ chức các cuộc thi tài năng, tạo ra những “sân chơi” với sự góp sức của các tổ chức, cá nhân sẽ là yếu tố quan trọng "nâng bước" những tài năng nghệ thuật của nước nhà.
Thắp sáng tài năng âm nhạc
Nhiều năm trở lại đây, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đặng Thái Sơn về nước nhiều hơn. Một phần, như ông nói, tuổi càng cao thì càng muốn hướng về nguồn cội; một phần khác nữa là nỗi đau đáu với các tài năng của nghệ thuật âm nhạc cổ điển trong nước. Nghệ sĩ nhận định, các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam đang nỗ lực tìm ra những hướng tiếp cận mới để vun đắp cho tài năng nhạc cổ điển trẻ Việt Nam. Nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận thực tế là Việt Nam đang thụt lùi về lĩnh vực này. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã tiến nhanh và tiến rất xa. Tài năng của Việt Nam không thiếu. Ở các cuộc thi âm nhạc cổ điển mang tính quốc tế, những em nhỏ lứa tuổi 8-12 thường chinh phục giải thưởng cao, nhưng từ độ tuổi 14, các tài năng chững lại và dần “đi ngang”, trong khi đây là giai đoạn rất quan trọng để bứt lên từ tài năng thành nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Từ những trăn trở, NSND Đặng Thái Sơn trở về khi đảm nhiệm vai trò chủ tịch danh dự, khi là giám khảo của các cuộc thi tài năng âm nhạc, thông qua đó, nghệ sĩ có những buổi thỉnh giảng, trò chuyện định hướng cho các tài năng. “Quan điểm của tôi là nếu trong nước không làm được hãy đưa ra nước ngoài. Hiện nay, trong lớp học piano của tôi tại Đại học Montreal, Canada có một số em là học sinh Việt Nam. Tôi cũng nỗ lực để vận động các quỹ học bổng cho các em tài năng thực sự có cơ hội ra nước ngoài học tập ở những môi trường chuyên nghiệp và uy tín”, NSND Đặng Thái Sơn cho hay.
Thầy trò Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam biểu diễn trong buổi trao quỹ học bổng tài năng âm nhạc Toyota. Ảnh: MINH HỒNG |
Những tài năng âm nhạc cổ điển của Việt Nam đã được NSND Đặng Thái Sơn chắp cánh ước mơ và bước đầu đạt được thành quả, như: Nguyễn Việt Trung lọt vào vòng 2 của chung kết và J J Jun Li Bùi giành giải 6 Cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin lần thứ 18, tổ chức tại Ba Lan tháng 10-2021 (cuộc thi âm nhạc danh giá nhất thế giới mà hơn 40 năm về trước NSND Đặng Thái Sơn đã đoạt giải nhất); trung tuần tháng 5 vừa qua là tin vui cậu học trò Nguyễn Đăng Quang tốt nghiệp cao học bộ môn trình diễn piano và tiếp tục học Tiến sĩ ở chính ngôi trường mà NSND Đặng Thái Sơn đang làm việc; trước đó, Đăng Quang đã chinh phục nhiều hạng mục giải thưởng cao ở các cuộc thi âm nhạc quốc tế nổi tiếng tổ chức tại Ba Lan, Tây Ban Nha...
Quỹ “Thắp sáng tài năng âm nhạc” để nuôi dưỡng ước mơ cho các bạn trẻ có niềm đam mê âm nhạc trên khắp cả nước được Toyota và các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thực hiện đến nay đã bước sang năm thứ 13. Hằng năm, quỹ trao khoảng 90 suất học bổng (3.000.000 đồng/suất) cho các tài năng âm nhạc trẻ được lựa chọn từ các trường âm nhạc trên cả nước bao gồm: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Ngoài trao các suất học bổng, quỹ còn tạo điều kiện cho các em có cơ hội luyện tập và biểu diễn cùng những dàn nhạc chuyên nghiệp nổi tiếng tại các chương trình âm nhạc lớn, ví dụ năm 2019, những sinh viên xuất sắc đã có cơ hội đứng chung sân khấu với Dàn nhạc Thính phòng Vương quốc Anh biểu diễn trong Đêm nhạc cổ điển Toyota. Từ quỹ này, nhiều sinh viên đã trở thành những gương mặt tiêu biểu của âm nhạc cổ điển Việt Nam hiện nay, giành những giải thưởng cao trong nước và quốc tế, như: Tài năng trẻ piano Đỗ Hoàng Linh Chi, Phan Thiên Bạch Anh, Nguyễn Thế Vinh, Lưu Đức Anh; tài năng trẻ violin Hoàng Hồ Khánh Vân; tài năng hát opera Phạm Thị Duyên Huyền... và nhiều tài năng cũng đã nhận được các học bổng du học tại các quốc gia có nền âm nhạc tiên tiến như Áo, Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ...
Cần những điểm tựa vững chắc
Tin vui đến với điện ảnh Việt Nam, bộ phim hoạt hình “Giấc mơ gỏi cuốn” (Spring roll dream) của đạo diễn Mai Vũ (tên thật Vũ Thị Phương Mai) đã giành giải truyền cảm hứng “Light on women awards” trong hạng mục La Cinef (tìm kiếm các tài năng làm phim trên toàn thế giới) tại Liên hoan Phim Cannes 2022 kết thúc hôm 28-5 vừa qua tại Pháp. “Giấc mơ gỏi cuốn” thuộc thể loại hoạt hình tĩnh vật (stop motion) dài 9 phút với các nhân vật được nặn từ đất sét.
Mai Vũ thuộc thế hệ làm phim “9X”, từ năm 19 tuổi đã “săn tìm” các quỹ hỗ trợ điện ảnh, từng đạo diễn loạt phim stop motion dài hơn 70 tập mang tên “Xin chào bút chì” từ năm 2012 đến 2015, đoạt nhiều giải thưởng, được khán giả “nhí” trong nước mến mộ. Tuổi trẻ thôi thúc Mai Anh thực hiện mong muốn làm ra một bộ hoạt hình thật bài bản, chuyên nghiệp. “Giấc mơ gỏi cuốn” là dự án tốt nghiệp của cô gái trẻ được Trường Điện ảnh và truyền hình quốc gia Vương quốc Anh hỗ trợ kinh phí, cũng là “quả ngọt” Mai Vũ nuôi dưỡng lâu nay. Cô đã chinh phục thế giới với tác phẩm mang đậm dấu ấn Việt Nam. Chia sẻ sau khi nhận giải tại Liên hoan Phim Cannes, Mai Vũ cho biết sẽ đưa “Giấc mơ gỏi cuốn” tới Liên hoan Phim người Việt tại Mỹ; vào dịp Tết Nguyên đán sẽ đưa phim về Việt Nam công chiếu. Cô cũng đang ấp ủ một dự án phim tài liệu về cuộc sống người Việt định cư ở Anh.
NSƯT, đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Phó tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, việc bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng các tài năng trẻ, tạo điều kiện cho họ phát huy sự đam mê và cống hiến với văn hóa-nghệ thuật (VHNT) hết sức cần thiết, bởi đây chính là những nhân tố “giữ lửa”, quyết định sự tồn tại, phát triển của nghệ thuật nước nhà. Bên cạnh các đề án như Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực VHNT giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”,... việc kêu gọi, hình thành nên các quỹ cũng như nhiều "sân chơi" mở ra để tài năng tham dự, đạt được sẽ là những điểm tựa để họ đi được con đường dài với nghệ thuật.
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, quỹ hỗ trợ phát triển VHNT là mô hình khá phổ biến trên thế giới. Ngay cả Mỹ vốn theo đuổi mô hình “không can thiệp” trong chính sách quản lý văn hóa, tức là nhà nước không xây dựng bất cứ chiến lược hay chính sách văn hóa nào ở cấp quốc gia, không có bất cứ cơ quan quản lý văn hóa nào ở cấp liên bang... vẫn thành lập Quỹ Nghệ thuật quốc gia từ năm 1965. Việc hỗ trợ và phát triển VHNT ở nhiều quốc gia còn dựa rất nhiều vào các quỹ tư nhân, PGS, TS Bùi Hoài Sơn gợi ý. Theo đó, nên tạo ra một cơ chế hấp dẫn để khuyến khích sự đầu tư của xã hội, doanh nghiệp và những cá nhân quan tâm đến VHNT.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét