Giữ gìn văn hóa Bộ đội Cụ Hồ vừa là yêu cầu khách quan, vừa là mong mỏi, tình cảm, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.
Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là sự kết tinh những giá trị văn hóa-chính trị-đạo đức của thời
đại, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, do lớp
lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ bồi đắp, phát triển trong suốt quá trình xây dựng,
chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta, phản ánh trung thực bản chất và
truyền thống: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc
lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó
khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Giữ gìn văn hóa Bộ đội Cụ Hồ vừa là yêu cầu khách quan, vừa là
mong mỏi, tình cảm, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là thế hệ
trẻ hôm nay.
Lịch sử gần 80 năm truyền thống vẻ vang của quân đội, văn hóa Bộ
đội Cụ Hồ không ngừng được gìn giữ và phát huy. Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ không phải
là điều gì quá xa vời, trừu tượng mà luôn gắn liền và được biểu hiện thông qua
hoạt động cụ thể của mỗi quân nhân.
Nếu trong thời chiến, văn hóa Bộ đội Cụ Hồ thể hiện rõ nhất là
tinh thần và hành động sẵn sàng hy sinh xương máu, quên mình cho mục tiêu giải
phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đem lại hạnh phúc cho nhân dân thì trong
thời bình, được biểu hiện ở sức mạnh, niềm tin và là chỗ dựa vững vàng nhất cho
nhân dân, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang đẩy mạnh hội nhập
quốc tế, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, cũng tiềm ẩn không ít khó khăn,
thách thức, nhất là tác động mạnh mẽ từ mặt trái nền kinh tế thị trường và sự
chống phá của các thế lực thù địch, làm xuất hiện một số biểu hiện tiêu cực,
như: Giảm sút niềm tin, xa rời mục tiêu, lý tưởng; dao động, hoài nghi, thờ ơ
chính trị; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác, thiếu gương mẫu trong tu
dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng,
quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cục bộ, bè phái, vi phạm pháp luật Nhà nước...
Xuất phát từ thực trạng trên, gìn giữ văn hóa Bộ đội Cụ Hồ vừa
là yêu cầu khách quan, vừa là mong mỏi, tình cảm, trách nhiệm của mọi cán bộ,
chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay. Để phát
huy trách nhiệm tuổi trẻ quân đội, tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ
yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho tuổi trẻ quân đội về văn hóa Bộ
đội Cụ Hồ.
Nhằm phát huy trách nhiệm của tuổi trẻ quân đội trong gìn giữ
văn hóa Bộ đội Cụ Hồ đòi hỏi phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan
trọng, giá trị và những đặc trưng cơ bản của văn hóa Bộ đội Cụ Hồ. Muốn vậy,
cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp tiếp tục đẩy mạnh công
tác giáo dục, tuyên truyền làm cho thanh niên thấm nhuần sâu sắc giá trị phẩm
chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.
Tăng cường quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 855-CT/QUTW
ngày 12-8-2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận
động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời
kỳ mới gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị
về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, chương
trình, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng theo hướng cơ bản,
hệ thống, thống nhất, thiết thực, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tuổi trẻ quân
đội luôn thấm nhuần sâu sắc Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững
đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của
cách mạng, quân đội và đơn vị; nhất là 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội
Cụ Hồ được nêu rõ trong Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương về "Phát huy
phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình
mới".
Hai là, xây dựng môi trường văn hóa quân sự tích cực để tuổi trẻ
quân đội có điều kiện gìn giữ văn hóa Bộ đội Cụ Hồ.
Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ sẽ được gìn giữ nếu tuổi trẻ quân đội được
sống, học tập, công tác, cống hiến và rèn luyện trong môi trường thuận lợi, có
bầu không khí dân chủ, cởi mở, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ và trưởng thành.
Muốn vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần làm tốt công tác giáo dục,
xây dựng động cơ, ý thức, thái độ, trách nhiệm cho cán bộ, đoàn viên, thanh
niên (ĐVTN) trong thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các
hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị ở đơn vị.
Duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp xây dựng chính quy, rèn luyện
kỷ luật, bảo đảm đơn vị luôn ổn định và chấp hành nghiêm kỷ luật. Trong huấn
luyện và công tác cần đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao, đưa cán bộ, chiến sĩ
vào những trạng thái, điều kiện, hoàn cảnh ngày càng khó khăn, phức tạp để bồi
dưỡng, rèn luyện.
Trong cuộc sống sinh hoạt, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ
trì, người đứng đầu phải tiên phong, gương mẫu về cả lời nói và hành động để
ĐVTN học tập, noi theo. Trong quan hệ nội bộ, cán bộ, chiến sĩ luôn đoàn kết,
thống nhất, trên dưới một lòng, tôn trọng, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Trong
quan hệ với nhân dân, luôn giữ gìn phẩm chất, chuẩn mực, thực hiện đúng 10 lời
thề danh dự của quân nhân, 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị tích cực tham gia đấu tranh hiệu
quả với mọi âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh
vực tư tưởng, văn hóa, nhất là âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội; chủ động
phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kịp thời phát hiện,
ngăn chặn những nhận thức, hành vi lệch lạc, tiêu cực, vi phạm kỷ luật, pháp
luật trong đơn vị, góp phần xây dựng quân đội luôn xứng đáng là lực lượng chính
trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Ba là, tuổi trẻ quân đội tích cực đẩy mạnh việc học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh hiện nay được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, thiết
thực để gìn giữ văn hóa Bộ đội Cụ Hồ của tuổi trẻ quân đội.
Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên
truyền, giáo dục, cụ thể hóa các hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị và phù hợp với
từng đối tượng.
Việc học tập và làm theo phải tiếp tục được quán triệt trong các
nghị quyết, chương trình, kế hoạch của đơn vị; đưa việc học tập và làm theo
thực sự trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên ở mỗi đơn vị. Mỗi cán bộ đoàn cần
phát huy vai trò nêu gương trong học tập và làm theo; luôn nêu cao tinh thần tự
phê bình và phê bình; phấn đấu mỗi hành động và việc làm của người cán bộ đoàn
phải thực sự là những điển hình, mẫu mực cho ĐVTN học tập, noi theo.
Mỗi cán bộ, ĐVTN cần ghi nhớ, thấm nhuần và luôn tích cực, tự giác
học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bốn là, nêu cao tinh thần tích cực, tự giác của tuổi trẻ quân
đội trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.
Những tác động của hoạt động giáo dục, huấn luyện, công tác, môi
trường văn hóa chỉ thật sự phát huy tác dụng và mang lại chất lượng, hiệu quả
khi mỗi ĐVTN tích cực, chủ động trong tự giáo dục, học tập, tu dưỡng và rèn
luyện xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.
Trước hết, mỗi người cần nhận thức sâu sắc về vị trí, ý nghĩa
của việc tự giáo dục, tự tu dưỡng, rèn luyện trong quá trình hoàn thiện phẩm
chất, nhân cách của người quân nhân cách mạng; biết tự đánh giá về những điểm
mạnh, yếu so với yêu cầu đặt ra và xác định phương hướng, biện pháp tự giáo
dục, tu dưỡng để hoàn thiện theo 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Mỗi nhân cách phải tiêu biểu về ý chí phấn đấu, luôn đặt ra
những yêu cầu, đòi hỏi cao; khép mình vào kỷ luật quân đội, trọng danh dự cá
nhân, rèn luyện ý chí bền bỉ; hình thành động cơ, thái độ rèn luyện đúng đắn,
từ đó tạo ra khả năng “tự miễn dịch” với những tác động tiêu cực trong đời sống
xã hội. Mỗi cá nhân thường xuyên lấy biểu tượng Bộ đội Cụ Hồ làm động lực tinh
thần cổ vũ, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là khi đứng trước khó khăn, thử
thách.
Đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng với những biểu hiện dao
động, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác, những biểu hiện cơ hội, thực
dụng, chủ nghĩa cá nhân, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, suy
thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống làm phai nhạt hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.
Gìn giữ văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là trách nhiệm của mọi quân nhân,
trong đó tuổi trẻ quân đội giữ vị trí, vai trò là lực lượng xung kích, đi đầu.
Đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng trực tiếp góp phần xây dựng
quân đội vững mạnh về chính trị, tạo cơ sở xây dựng quân đội theo hướng cách
mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Gìn giữ văn hóa Bộ đội Cụ Hồ còn góp phần tăng cường sức đề
kháng cho quân đội trước những đòn tiến công chính trị của các thế lực thù
địch, bảo đảm cho quân đội có đủ sức mạnh vượt qua mọi khó khăn thử thách và
hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét