Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

Những định hướng chủ yếu về thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội


Một là, thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội đều phải hướng tới vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân, là cơ sở để hình thành những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý, điều hành xã hội để hiện thực đường lối chính trị của Đảng, hành động vì quyền lợi của nhân dân, điều gì có lợi cho dân phải cố gắng làm, điều gì có hại cho dân phải hết sức tránh, chăm lo phát triển, bồi dưỡng và tiết kiệm sức dân, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Đây là điểm chung, thống nhất đối với cả thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội, là luận điểm quan trọng, xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; bởi lẽ, không có dân chủ thì chắc chắn là sẽ không có chủ nghĩa xã hội. 

Thấm nhuần và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, nền dân chủ ở nước ta vừa mang bản chất tiến bộ của dân chủ xã hội chủ nghĩa, vừa kế thừa những giá trị mang tính phổ quát của nhân loại trong lịch sử, đồng thời không ngừng gia tăng thêm những giá trị mới; qua đó, dân chủ trở thành giá trị phổ biến của xã hội, thâm nhập vào mọi quan hệ chính trị - xã hội, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra ngày càng nhiều hơn, đầy đủ hơn những điều kiện cho sự giải phóng mọi năng lực, tiềm năng sáng tạo vô tận của con người. Chính vì nhận thức được ngày càng sâu sắc vai trò đó của dân chủ, nhất là trong mối quan hệ biện chứng với công bằng, nên Đảng ta đã xác định và đưa dân chủ trở thành một trong những thành tố quan trọng, mang giá trị cốt lõi trong hệ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hai là, gắn quá trình tăng cường thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội với công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ vai trò của Nhà nước và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là thúc đẩy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mỗi công dân trong thực hành dân chủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước trong thực hành dân chủ: “Để thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng, Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Điều kiện có tính quyết định nhất để xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là Đảng phải lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân, phấn đấu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dân chủ trong Đảng quyết định dân chủ trong tổ chức hoạt động của Nhà nước, gắn liền với quá trình thực hành dân chủ trong xã hội. Bởi lẽ, trong các cơ quan nhà nước có tổ chức đảng thì cán bộ chủ chốt đều là đảng viên. Do vậy, Đảng phải thông qua bộ máy nhà nước, lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa các chủ trương, đường lối thành các chính sách, quy định, pháp luật; tăng cường quản lý, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Điều 28 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: 1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Ba là, thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội đều phải gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; giữ nghiêm kỷ luật Đảng và bảo đảm kỷ cương xã hội.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “dân chủ” luôn phải gắn với “kỷ cương”, thực hành dân chủ trong Đảng phải đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong mọi hoạt động của Đảng; vì vậy, Người cũng thẳng thắn chỉ rõ “căn bệnh” dân chủ tùy tiện, dân chủ quá trớn, dẫn tới coi thường kỷ luật đảng ở một số cán bộ, đảng viên: “Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt lờ kỷ luật và chính sách của Đảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình”. Kế thừa tư tưởng này, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh và yêu cầu thực hành dân chủ trong Đảng phải “gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, một xã hội không thể ổn định và phát triển nếu thiếu pháp luật và sự tuân thủ pháp luật của công dân; theo đó, thực hành dân chủ trong xã hội cũng không thể tách rời với quá trình tăng cường kỷ cương xã hội. Theo Người, xã hội dân chủ là một xã hội có trật tự, kỷ cương, bảo đảm cho mọi người cùng có quyền tự do, dân chủ như nhau. Do đó, thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để phát huy dân chủ và thực hành dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; yêu cầu “xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”. Qua tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận 35 năm đổi mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là mối quan hệ lớn thứ mười trong các mối quan hệ lớn, cần được chú trọng nắm vững và xử lý tốt trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và các giai đoạn tiếp theo.

Bốn là, gắn kết chặt chẽ, xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội là nhằm hướng tới, tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa để phát triển đất nước trong điều kiện mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nước ta là một nước dân chủ và đó là nền dân chủ mới, cần có quá trình phát triển, hoàn thiện lâu dài để đi lên chủ nghĩa xã hội. Kế thừa và kiên định vận dụng sáng tạo những luận điểm cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và thực hành dân chủ trong điều kiện mới; nhận thức rõ vai trò của dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh thực hành dân chủ, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tiễn cuộc sống ở mỗi cấp và tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm.

Đảng ta không chỉ xác định vai trò, vị thế chủ thể mọi quyền lực nhà nước của nhân dân, mà còn khẳng định bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là phải làm cho nhân dân được hưởng quyền làm chủ, có đủ năng lực làm chủ trên thực tế và khi đó, dân chủ trở thành động lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Theo đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh quan điểm phải thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Trước tình hình thế giới và trong nước biến động nhanh và khó lường như hiện nay, việc kiên định vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, kết hợp chặt chẽ giữa thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội, phát huy mạnh mẽ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa sẽ tạo ra động lực to lớn thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

HAIVAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét