Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

Bài học nhớ đời

Thoáng thấy bóng ông Tuyến đi về qua ngõ, ông Tính chạy ra gọi giật giọng:

- Ông Tuyến, vào đây tôi bảo cái này!

- Có chuyện gì thế?-ông Tuyến ngạc nhiên hỏi lại.

- À, hôm trước ông kể với tôi rằng Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) bắt giữ một ca sĩ đường phố người Nga trên địa bàn vì căng biểu ngữ phản đối cuộc chiến tại Ukraine, chuyện đó là sai sự thật ông nhé. Đấy chỉ là tin “phếch” thôi!

- Ông nói thế nào ấy chứ! Tôi đọc tin đó trên Facebook của một người có hàng trăm nghìn người theo dõi, bài viết được hàng nghìn lượt chia sẻ, sao có thể sai được?

- Ông tin trang cá nhân hơn tin báo chí chính thống nước nhà à? Đây, tôi cho ông xem, hôm nay hàng loạt trang báo uy tín trong nước đưa tin về vụ việc rồi nhé. Cơ quan công an khẳng định chỉ phối hợp với các lực lượng khác mời ca sĩ lên làm việc, yêu cầu người này chấp hành đúng các quy định liên quan tới việc gia hạn hộ chiếu, thị thực. Lý do thị thực, hộ chiếu của ca sĩ này đã hết hạn nhưng vẫn lưu trú tại các cơ sở trên địa bàn thành phố.

Nghe ông Tính nói vậy, ông Tuyến vội mượn chiếc điện thoại của bạn để xem thực hư câu chuyện. Vừa đọc thông tin từ các trang báo chính thống đăng tải đầy đủ, logic sự việc, ông Tuyến vừa lắc đầu, tỏ vẻ thất vọng: “Thế chẳng lẽ tài khoản Facebook đó lại đưa tin sai à?”. Nói rồi, ông vội vào lại tài khoản Facebook hôm trước đăng tải thông tin kia, nhưng lạ thay, không còn bài viết ấy nữa.

Lúc này, ông Tính mới động viên: “Thôi, ông không phải mất công làm gì, chắc chắn chủ nhân của nó đã xóa để phi tang rồi. Lúc ông kể, tôi đã không tin, nhưng vì đang bận nên chưa hỏi rõ được. Tôi thấy trên phương tiện thông tin đại chúng, người ta cảnh báo hiện tại có nhiều tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật lắm. Có trang đăng bài sai chỉ với mục đích "câu view", tăng tương tác để bán hàng trực tuyến, nhưng cũng không ít trang lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc tình hình trong nước, gây bất ổn xã hội, tạo tâm lý hoang mang, bất an, khiến người dân thiếu niềm tin vào Đảng, chính quyền các cấp. Khi bị phát hiện, lật tẩy, họ lập tức xóa bài viết, hình ảnh sai sự thật, xuyên tạc kia đi. Vì vậy, khi đọc tin trên mạng, chúng ta phải hết sức cảnh giác, đặc biệt là không nên chia sẻ, tuyên truyền rộng rãi kẻo lại vô tình tiếp tay cho kẻ xấu”.

Thấy bạn nói vậy, ông Tuyến tái mặt: “Thế mà tôi lại đi kể với mấy ông trong tổ thơ của xóm mình rồi. Để tôi gọi điện cho các ông ấy đính chính lại, kẻo nhỡ họ cả tin, đi tuyên truyền rộng rãi thì có khác gì tiếp tay cho kẻ xấu chống phá đất nước đâu. Đây quả là bài học nhớ đời của tôi khi tham gia mạng xã hội ông ạ!”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét