Anh bảo: “Thủ trưởng mà chẳng quan tâm đến tư tưởng, tình cảm của cấp dưới và nhân viên thì ắt sẽ mất dần tình cảm mà tập thể dành cho”.

Chẳng biết câu chuyện nội bộ ở cơ quan anh thế nào, thế nhưng với trách nhiệm của một đảng viên, tôi buộc phải đấu lý: “Thế anh em cấp dưới ở cơ quan anh đã bao giờ thật sự quan tâm và chăm lo cho cấp trên chưa?”.

Không chủ ý trả lời câu hỏi đấy, anh cán bộ cho rằng nguyên tắc bất biến là cấp trên phải quan tâm đến cấp dưới cả trong công việc lẫn đời tư. Người xưa từng răn dạy “Thần thiêng vì bộ hạ”, bao nhiêu thành quả của cơ quan là bởi công sức của cấp dưới tạo lập, nên cấp trên phải biết ơn cấp dưới, từ đó mà quan tâm, chăm lo đến cấp dưới. Trong khi đó, không ít vị “sếp” tỏ ra quan cách, thiếu gần gũi với cấp dưới. Họ chỉ biết giao việc, đặt ra yêu cầu cao mà không chú ý nhiều đến điều kiện hoàn thành; cũng chẳng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên thì âu khó bề mà tụ hội được sức mạnh đoàn kết và trí tuệ tập thể.

Cấp dưới chăm lo cấp trên
Ảnh minh họa / Vov.vn 

Những thủ trưởng như vậy thì quả là đáng trách, nhưng cũng cần thấy rằng: Ở mỗi cơ quan thường có đến hàng chục, hàng trăm cán bộ, nhân viên, làm sao mà một vài thủ trưởng có thể chiều lòng hết thảy; cũng không thể đủ sức bao quát, quán xuyến đời tư, công việc từng thành viên. Có chăng, sự quan tâm ở đây cần nhìn ở nghĩa là cấp trên luôn sẵn sàng dấn thân vì nhiệm vụ chung, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của bản thân. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cấp trên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Sự quan tâm còn thể hiện ở chuẩn mực đời sống sạch sẽ thanh liêm; giải quyết, ứng xử các mối quan hệ công bằng, dân chủ với mọi người... Sự quan tâm cần phải được hiểu ở nghĩa đó thì mới đúng và đầy đủ!

Quả đúng vậy, ít có thủ trưởng nào có thể “nắm tay cả ngày”, chăm chút đến từng chi tiết nhỏ nhặt của cấp dưới. Tập thể cũng cần tường rõ, cấp trên luôn có những nỗi khổ riêng, vì áp lực của “cấp trên của cấp trên” đặt ra; vì khối lượng công việc ngồn ngộn và áp lực hoàn thành với yêu cầu cao; rồi còn giải quyết các mối quan hệ với những cơ quan khác mà cấp trên là “sứ giả” của tập thể... Bởi thế, dù ở bất kỳ tổ chức nào thì cũng rất cần sự quan tâm của cấp dưới dành cho cán bộ chủ trì, chủ chốt, nhất là người đứng đầu.

Tất nhiên, sự quan tâm của cấp dưới ở đây là tình cảm, thái độ và mức độ am hiểu nhân phẩm, tính cách cá nhân và đặc thù công việc của cấp trên; nắm rõ chức năng, nhiệm vụ trên cương vị công tác của thủ trưởng để chia sẻ, hỗ trợ bằng cả lời nói lẫn việc làm; nhất là việc tham mưu đúng, tổ chức thực hiện hiệu quả những mệnh lệnh, quyết định, nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Ở đây, sự quan tâm hoàn toàn không phải sự xu nịnh, hầu hạ thủ trưởng để lấy lòng; càng không phải chuyện nịnh hót, xoa tay, cúi đầu, không dám nêu lên chính kiến của mình với cấp trên; cũng không phải chuyện quà cáp, biếu xén để thể hiện sự quan tâm của mình dành cho cấp trên.

Để hiện thực sự quan tâm của cấp dưới đối với cấp trên, từng cán bộ, đảng viên phải tự soi lại mình, cảm nhận cho đúng, đủ về sự quan tâm của cấp trên dành cho tập thể và từng thành viên. Không thể có chuyện thông qua một vài biểu hiện bức xúc của những thành phần cá biệt, rồi xới lên, gây bức xúc trong dư luận tập thể. Không thể có chuyện khi thực hiện nhiệm vụ thì thụ động, ỷ lại cấp trên, mong chờ lời chỉ đạo hoặc sự “cầm tay chỉ việc”, nhưng khi có được tí công trạng thì đặt điều kiện về lợi ích, ép buộc thủ trưởng phải “trả ơn” bằng các yêu sách quá đáng hoặc không chính đáng. Đó thực sự là những biểu hiện tâm lý tập thể tiêu cực, cần được nhận diện, đẩy lùi. Thay vì chờ cấp trên quan tâm theo ý thích của riêng mình, tại sao cấp dưới không chủ động tìm hiểu lý do và bày tỏ, thể hiện sự quan tâm của mình bằng trách nhiệm trong công việc, chuẩn chỉ trong ứng xử quan hệ và lối sống với những người đang gánh trách nhiệm “đứng mũi, chịu sào”.

Trong khi đó, những người đứng đầu, cán bộ chủ trì, chủ chốt cũng rất cần chú tâm nhiều hơn đến trách nhiệm bản thân trong thực hành nêu gương; thường xuyên rèn luyện đạo đức và tác phong quần chúng; gắn bó nhiều hơn với cấp dưới và nhân viên để thực sự là hạt nhân đoàn kết trong cơ quan, tập thể. Tuyệt nhiên, không nên áp đặt cấp dưới sợ mình mà hãy làm cho họ nể mình.

Nguồn: QĐND.