Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
không được né tránh, cầm chừng, không “ngừng”, không “nghỉ”, không kể đó là ai,
không có vùng cấm.
Từ thực tế gần 10 năm sau khi cơ cấu lại tổ
chức, nhiệm vụ và chức năng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham
nhũng, tiêu cực, công tác này đã đạt rất nhiều kết quả, khẳng định sự quyết
liệt của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần
công khai, minh bạch, nghiêm minh. Những vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã thể hiện
rõ quan điểm, chủ trương rõ đến đâu xử đến đó, không có vùng cấm, không có
ngoại lệ, không chịu bất cứ sự can thiệp nào, qua đó củng cố lòng tin của đảng
viên, các tầng lớp nhân dân.
Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khoá XIII, Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương
thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là
việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
“Trên Dưới đồng lòng, Dọc Ngang thông suốt”
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thống nhất
rất cao và 100% địa phương đồng ý lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham
nhũng, tiêu cực.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nghiêm túc
tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nêu trong Đề án
thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chắc chắn sẽ
góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng
bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa,
hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần: "Trên Dưới đồng
lòng, Dọc Ngang thông suốt".
Tại cuộc tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Đống
Đa, Hai Bà Trưng (Hà Nội) ngày 12/5 mới đây, Tổng Bí thư cho biết, việc bao nhiêu
người đi tù và bị xử lý trước đây chỉ có ở trên Trung ương, hiện nay mở rộng
ra, lập Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, việc này để
cảnh tỉnh lãnh đạo các tỉnh phải chú ý, không ai có thể đứng ngoài pháp luật
được.
Tổng Bí thư thông tin, sắp tới sẽ có hướng dẫn
và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp
tỉnh, nhất là việc chọn nhân sự.
“Cán bộ vào đây chống tham nhũng mà lại tư
túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Cán bộ nào vướng vào đây tôi xử
trước, xin nói thẳng là như thế”, Tổng Bí thư lưu ý.
“Cưa một cành mọt, sâu, để cứu cả cái cây”
Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội, Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định, chống tham nhũng là phải vừa kiên
quyết, quyết liệt nhưng phải rất nhân văn.
Cũng theo Tổng Bí thư, phải chống nhiều thứ
như lợi ích nhóm, cục bộ, suy thoái và cả tham nhũng nhỏ.
Tổng Bí thư nhấn mạnh “Phải bình tĩnh, tỉnh
táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi,
đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình
hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định”.
Tổng Bí thư cũng cho hay, tham nhũng là “khuyết
tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của
chế độ ta. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không được chủ quan,
nóng vội, thoả mãn; không được né tránh, cầm chừng, không “ngừng”, không “nghỉ”,
không kể đó là ai, không có vùng cấm.
Nhắc lại câu nói của Bác Hồ “cưa một cành cây
mọt, sâu, để cứu cả cái cây”, Tổng Bí thư cho biết, xử một vài người để răn đe,
giáo dục, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm, để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe,
ngăn ngừa là chính, không phải cốt xử cho nhiều, xử cho nặng mới là nghiêm.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan
nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào
ngày 15/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: Mỗi cán bộ, chiến sĩ,
công chức cơ quan nội chính phải thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản thân để
“thanh bảo kiếm” luôn rắn rỏi và sắc bén, dám vung kiếm và vung kiếm đúng lúc,
chém đúng đối tượng, không bị sứt mẻ; để “lá chắn” luôn vững vàng, chắc chắn,
không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi
tên “bọc đường”.
“Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một
bên cho người khác làm! Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý
nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm
sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng
liêng, cao quý nhất”, Tổng Bí thư nói.
Những vụ án không vùng cấm, bất kể đó là ai
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, có nhiệm vụ là
chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên,
công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ
chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước.
Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc
tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội
quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm
trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ,
đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với
Đảng, Nhà nước và chế độ…
Đến nay, đã có hàng loạt vụ án được Ban Chỉ
đạo đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo, mới đây nhất như: Vụ án “Đưa hối lộ, nhận
hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan liên quan; Vụ
án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC;
Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch
vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi
hành công vụ; nhận hối lộ” xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát
biển Việt Nam và Bộ đội biên phòng; Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu
quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong
khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương…
Các vụ án được đưa ra xét xử như: Vụ án “Vi
phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, vi
phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước
giải khát Sài Gòn (Sabeco), Quận 1, TP.HCM, Bộ Công Thương và một số đơn vị có
liên quan; Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả
nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất
thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 -
Công ty Gang thép Thái Nguyên; Vụ án “Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây
hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên
quan; Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; buôn bán hàng giả là
thuốc chữa bệnh; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra
tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và một số cơ quan, đơn vị có
liên quan…
Chỉ trong năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương,
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên
quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính
trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020).
Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan tố tụng
cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị
can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ
(trong đó, khởi tố mới 125 vụ án, 259 bị can về tội tham nhũng).
Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo
dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 4 vụ án/23 bị can, khởi tố mới 7 bị can trong 3 vụ
án, khởi tố bổ sung tội danh 4 bị can trong 2 vụ án; kết thúc điều tra, điều
tra bổ sung 5 vụ án/134 bị can; truy tố 3 vụ án/34 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ
án/14 bị cáo, xét xử phúc thẩm 1 vụ án/4 bị cáo.
Cũng từ đầu năm 2022 đến nay đã khởi tố 8 cán
bộ diện Trung ương quản lý (1 thứ trưởng; 1 nguyên thứ trưởng; 1 nguyên chủ
tịch UBND tỉnh; 5 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
Ngoài ra, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay,
đã xử lý hình sự 40 cán bộ cấp giám đốc sở, vụ trưởng trở lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét