Hứa suông, hứa hão, hứa hươu, hứa vượn... là
những từ đồng nghĩa để chỉ những người hứa điều biết là không thực tế và sẽ
không làm.
Đây là căn bệnh có từ ngàn xưa và ngày càng
gây nguy hiểm trong xã hội. Loạt bài viết này sẽ đề cập đến những diễn biến
phức tạp của căn bệnh này trong giai đoạn hiện nay, đề xuất các phương thức
phòng và điều trị.
“Nói lời phải giữ lấy lời/ Đừng như con bướm
đậu rồi lại bay”. Đó là căn dặn của ông cha ta từ ngày xưa về việc phải giữ lời
hứa. Ngày nay, “nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm
một nẻo” đã trở thành một trong những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” mà nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ.
Theo “Từ điển Tiếng Việt” thì hứa là “nhận lời
với ai đó một cách chắc chắn là sẽ làm việc gì đó”. Hứa suông, hứa hão là chỉ
những người hứa điều biết là không thực tế và sẽ không làm, không thực hiện.
Từ thủa xa xưa, ông cha ta đã trọng chữ tín,
nể những người giữ đúng và thực hiện đúng lời hứa. Tục ngữ, ca dao, dân ca đã
có những câu, từ rất hay để nhắc nhở mọi người giữ đúng lời hứa, khen những
người thực hiện tốt lời hứa. Ca dao có câu về chữ “hứa” trong tình yêu: “Một
lời đã hứa tào khang/ Trăm năm ghi tạc nghĩa chàng, chàng ơi!”. Hoặc mượn hình
ảnh của con bướm: “Nói lời phải giữ lấy lời/ Đừng như con bướm đậu rồi lại
bay”. Tục ngữ Việt Nam có những câu rất triết lý về việc thực hiện lời hứa:
“Một lần bất tín, vạn lần bất tin”, “Mười lần từ chối còn hơn một lần lỗi hẹn”...
Cũng từ xưa, ông cha ta đã phê phán kịch liệt
những người hứa suông, hứa hão. Những người này thường được gắn với con hươu,
con vượn, chú Cuội (nói dối như Cuội). Hứa hão, hứa suông còn gọi là “hứa hươu,
hứa vượn”, “hứa nhăng, hứa Cuội”, hứa “chạy làng”...
Hươu là tên một con vật chạy rất nhanh. Ban
ngày, hươu tìm nơi yên tĩnh, kín đáo và an toàn để ngủ, nghỉ đợi khi đêm xuống
chúng tìm kiếm thức ăn và những hoạt động khác. Còn vượn là loài linh trưởng có
hình dạng giống người, hót hay, đu chuyền trên cây cao rất nhanh. “Hứa hươu,
hứa vượn” là chỉ lời hứa hẹn, thề thốt nhiều nhưng không làm, không thực hiện.
Nó tương tự việc thoắt hiện, thoắt ẩn, khó lần ra dấu tích bởi sự nhanh nhẹn,
ma mãnh của con thú hoang hươu và vượn! Nó cũng có hàm ý “hót hay như vượn” khi
đem lời hứa làm vừa lòng người nghe, thuận miệng hứa hẹn rồi không thực hiện,
nói không giữ lời.
Phật giáo và Nho giáo ảnh hưởng sâu sắc đến
đạo đức, lối sống của người Việt xưa và nay. Trong Phật giáo, đức Phật dạy
rằng, lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau, tức nói những gì đã làm và làm
những gì đã hứa. Nho giáo chú trọng nhất đến sự phân loại con người theo tiêu
chuẩn đạo đức thành quân tử và tiểu nhân, trượng phu và thất phu. Trong Nho
giáo, quân tử là mẫu người lý tưởng, toàn thiện, toàn mỹ nhất. Mọi sự cố gắng
học tập, tu dưỡng đạo đức đều nhằm đạt đến danh hiệu cao quý ấy. Một trong
những đặc trưng của người quân tử là luôn giữ vững lập trường, đã nói là làm,
không hứa suông, hứa hão, “quân tử nhất ngôn” là vậy.
Xã hội càng phát triển thì việc giữ đúng lời
hứa càng quan trọng trong đối nhân xử thế, trong quan hệ kinh tế, chính trị,
ngoại giao. Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, việc giữ lời hứa được biểu
hiện bằng chữ “tín” với khách hàng. Triết lý kinh doanh luôn lấy chữ “tín” làm
trọng. Doanh nghiệp nào bị mất chữ “tín” là đồng nghĩa với việc phá sản.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đặc
biệt ghét thói hứa suông, hứa hão. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người luôn
thực hiện đúng lời hứa của mình.
Bà con ở bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà
Quảng (Cao Bằng) bây giờ vẫn thường xuyên nhắc đến câu chuyện giữ lời hứa của
Bác 80 năm trước. Ngày đó, được tin Bác Hồ đi công tác xa, một trong những em
bé thường ngày quấn quýt bên Bác ở Pác Bó, chạy đến bên Bác thưa:
- Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu
một chiếc vòng bạc nhé!
Bác cúi xuống xoa đầu, nhìn em bé âu yếm và
khẽ nói:
- Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn. Khi nào Bác về
Bác sẽ mua tặng cháu.
Hơn hai năm sau, Bác quay trở về. Ai cũng vui
mừng, xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng
Bác mở túi, lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh, trao tận tay em bé. Cô bé và
mọi người cảm động đến rơi nước mắt.
Bác nói:
- Cháu nó dặn mua tức là nó thích lắm. Mình là
người lớn, đã hứa thì phải làm được, đó là “chữ tín”. Chúng ta cần phải giữ
trọn niềm tin với mọi người.
Tiếc rằng, hiện nay, nhiều người, trong đó có
cả cán bộ, đảng viên lại nhanh quên lời hứa của mình, hoặc chỉ hứa những điều
viển vông, rồi không thực hiện, làm giảm niềm tin của nhân dân với những cán
bộ, đảng viên đó. Nguy hại hơn, việc hứa hão, hứa suông của một số cán bộ, đảng
viên đã ảnh hưởng không tốt đến uy tín của các tổ chức đảng và các cơ quan nhà
nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Chính vì lý do đó, trong Nghị quyết số
04-NQ/TW ngày 30-10-2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã chỉ rõ 27 biểu
hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng-chính trị, đạo đức-lối sống, và những biểu
hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó có việc “nói không
đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị
khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức
với lúc về nghỉ hưu”.
Chính vì vậy, việc phòng và chữa bệnh hứa hão
cũng là công việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ
Đảng ta hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét