Đất nước thống nhất, trở về quê hương ông lại vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật trở thành tấm gương điển hình trên “mặt trận” phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Với những “chiến công” trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, đặc biệt từ bản lĩnh người lính ông đã dám đương đầu với khó khăn, hồi sinh “vùng đất chết” Hộc Đồng Eo trở thành mô hình trang trại, vườn-ao-chuồng được nhiều người dân đến tham quan học tập.

Những ngày trung tuần tháng Tư khu trang trại của gia đình cựu chiến binh Khương Hữu Niên có rất nhiều người đến tham quan và nhiều bạn trẻ đến để nghe ông kể lại những câu chuyện trong những năm tháng chiến đấu giải phóng đất nước. Hòa mình vào dòng bạn trẻ Trường Phổ thông Trung học Đông Tân, chúng tôi được nghe những câu chuyện bi hùng về những năm tháng trên các chiến trường của cựu chiến binh Khương Hữu Niên.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê Đông Tân, năm 1966, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai 19 tuổi Khương Hữu Niên lên đường nhập ngũ và trực tiếp chiến đấu tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Giữa năm 1968, trong khi tham gia trận đánh tại dốc Miếu thuộc xã Gio Phong, huyện Gio Linh, người lính trẻ Khương Hữu Niên bị thương và được chuyển về điều trị tại Quân y viện C20. Sau khi phục hồi sức khỏe, Khương Hữu Niên được biên chế về Trung đoàn 14, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Cuối năm 1968, chiến sĩ Khương Hữu Niên được bổ sung vào Trung đội 1, Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 338 tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên. Sau đó ông được biên chế vào đội hình Sư đoàn 316 tham gia tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, chiến sĩ Khương Hữu Niên xuất ngũ trở về địa phương.

Cựu chiến binh hồi sinh Hộc Đồng Eo
 Cựu chiến binh Khương Hữu Niên theo dõi, chăm sóc vườn cây ăn quả.

Giống như nhiều đồng đội khác, hành trang của ông khi trở về quê hương không có gì ngoài chiếc ba lô với vài bộ quân phục đã bạc màu theo năm tháng, cùng nhiều vết thương trên thân thể. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên ông đã phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Năm 1984, ông tham gia vào Hợp tác xã (HTX) Đông Tân với mong muốn giúp gia đình có cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, sau 2 năm sản xuất ở HTX, “cái nghèo” vẫn cứ đeo bám gia đình ông.

Trăn trở, suy nghĩ tìm lối thoát nghèo cho gia đình, ông Niên đã thành lập tổ nuôi cá cho HTX. Qua 2 năm sản xuất, 3 hộ dân trong tổ nuôi cá lần lượt xin ra khỏi HTX, còn ông mang thêm khoản nợ HTX với 4 tạ lúa, 40kg cá. Lâm cảnh nợ nần, lại thêm chuyện người con trai thứ không may bị nhiễm chất độc da cam đã khiến ông Niên có phần dao động. Thế nhưng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông quyết tâm bám trụ với khu Hộc Đồng Eo. Cuộc đời dường như đã mỉm cười với gia đình ông, bởi cuối năm 2004, huyện Đông Sơn thực hiện giao đất cho các hộ gia đình khai hoang, phục hóa. Tiếp đó, ông được xã Đông Tân lúc bấy giờ mời lên giao gần 1,4ha đất khu Hộc Đồng Eo để xây dựng mô hình trang trại vườn-ao-chuồng.

Ông Niên kể: “Ngày xưa khu Hộc Đồng Eo được các cụ trong thôn đặt cho là mảnh đất “voi sa lầy, ngựa chết chẹt”, vì quá hoang hóa, rậm rạp, nhiều đất đá và cả đầm lầy”. Xác định hướng đi của mô hình là thế “3 chân” gồm cá – lúa – gia cầm, ông đã vào tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu, đưa giống lúa chuyên trồng ở vùng đầm lầy về sản xuất, đồng thời, hằng ngày miệt mài cải tạo đất hoang trồng cây bạch đàn, xoan. Chỉ trong vòng 6 tháng, từ mảnh đất hoang hóa, khu Hộc Đồng Eo đã thành mô hình trang trại vườn-ao-chuồng. Thành quả cũng dần đến sau nhiều nỗ lực không biết mệt mỏi của gia đình ông Niên. “Vụ lúa Đông Xuân 2004-2005, 7 sào lúa của gia đình tôi đã cho sản lượng hơn 2 tấn. Thấy trong thôn còn nhiều gia đình khó khăn hơn, tôi đã đem số lúa đó chia cho họ và chỉ giữ lại 500kg. Từ đây gia đình tôi cũng đã thoát được cảnh khó khăn, nghèo đói”, ông Niên nhớ lại.

Với sự nhạy bén của mình, ông Niên nhận thấy trồng cây ăn quả có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, năm 2008, ông mạnh dạn đưa cây bưởi Diễn vào trồng thử nghiệm trên một phần diện tích của trang trại. Thấy được hiệu quả, ông quyết định tận dụng hết diện tích đất của trang trại để trồng cây ăn quả và những thay đổi này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trang trại của gia đình ông Niên có hơn 500 cây ăn quả, 2 ao cá, nuôi hơn 700 con gà, vịt, mỗi năm cho doanh thu từ 200 đến 350 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi từ 100 đến 150 triệu đồng. Trang trại của ông Niên đã trở thành một mô hình điểm của hội cựu chiến binh địa phương.

Đánh giá về người đồng đội, ông Nguyễn Doãn Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Đông Tân, cho biết: “Mặc dù là bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam nhưng cựu chiến binh Khương Hữu Niên là tấm gương tiêu biểu về ý chí, nghị lực vượt lên khó khăn để thoát nghèo của người lính thời bình".

Trong Đại hội thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” của thành phố Thanh Hóa lần thứ VI, giai đoạn 2014-2019, ông được mời báo cáo điển hình tại đại hội. Không chỉ làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Khương Hữu Niên còn tạo việc làm thời vụ cho 20 đến 22 lao động địa phương, giúp đỡ các gia đình khác cùng vươn lên thoát nghèo”.