Giải pháp bảo vệ an ninh tư tưởng – văn
hóa trong kỷ nguyên số
Bảo vệ
an ninh tư tưởng - văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn
Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong đó, các cơ quan, tổ chức thuộc lĩnh vực tư
tưởng, văn hóa là nòng cốt trong tổ chức xây dựng nền văn hóa dân tộc, các cơ
quan an ninh là nòng cốt trong bảo vệ, chống lại sự phá hoại tư tưởng, văn hóa
của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
BẢO VỆ
NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG - VĂN HÓA CỦA CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
An ninh
tư tưởng - văn hóa là sự ổn định và phát triển bền vững của nền văn hóa, tư
tưởng đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, dựa trên nền tảng là chủ nghĩa
Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là
sự phát triển bền vững của văn hóa, tư tưởng xã hội chủ nghĩa và truyền thống,
bản sắc văn hóa dân tộc, không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố lạc hậu, lai căng.
Bảo vệ an ninh về tư tưởng và văn hóa là bảo vệ nền tư tưởng, văn hóa của chế
độ xã hội chủ nghĩa, cụ thể là bảo vệ sự phát triển ổn định về tư tưởng và văn
hóa đúng định hướng xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư
tưởng Hồ Chí Minh, bao gồm: bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí
Minh; bảo vệ truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ sự đồng thuận, nhất
trí về chính trị, tinh thần trong Nhân dân; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đấu tranh có hiệu quả với các trào lưu tư tưởng,
văn hóa phản động, độc hại…
Bảo vệ
an ninh tư tưởng - văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị,
của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong đó các cơ quan, tổ chức thuộc lĩnh
vực tư tưởng, văn hóa là nòng cốt trong tổ chức xây dựng nền văn hóa dân tộc,
các cơ quan an ninh là nòng cốt trong bảo vệ, chống lại sự phá hoại tư tưởng,
văn hóa của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
KỶ
NGUYÊN SỐ - THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI TRONG XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ AN NINH TƯ TƯỞNG
Trong
thời đại kỷ nguyên số, vấn đề xây dựng và bảo vệ được nền văn hóa tiên tiến,
mang bản sắc riêng biệt của dân tộc đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi
nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức khó giải
quyết, như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa
toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Sự tác động
của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực
văn hóa, tư tưởng cũng sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc Cách mạng công
nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... vừa đem lại những cơ
hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa”.
Hiện
nay, chúng ta đang trong thời kỳ của cách mạng công nghiệp 4.0 - giai đoạn phát
triển rực rỡ nhất cho đến nay trong thời đại kỹ thuật số. Rất nhiều lĩnh vực đã
và đang dần thay đổi phương thức tổ chức và hoạt động, trong đó có lĩnh vực tư
tưởng - văn hóa cũng như công tác bảo vệ tư tưởng - văn hóa.
Có thể
nói, kỷ nguyên số mang lại nhiều cơ hội trong xây dựng và bảo vệ an ninh tư
tưởng - văn hóa, cụ thể là:
Thứ
nhất, cơ hội để chúng ta có thể truyền tải
nhanh chóng những giá trị tư tưởng, văn hóa Việt đến công chúng.
Báo cáo
Digital 2022 ghi nhận tính đến tháng 2/2022, có 72,10 triệu
người Việt Nam dùng internet, tương ứng với tỷ lệ thâm nhập
là 73,2% dân số. Với số lượng người dùng internet tăng trưởng nhanh chóng,
không gian mạng đang tạo ra một xã hội ảo tồn tại song song với xã hội thực.
Hiện rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ - đối tượng có thể hấp thụ nhanh
chóng về công nghệ, mong muốn được tham gia và sử dụng internet hàng ngày để
không bị lạc hậu so với xã hội. Với đặc tính truyền tải nhanh và số lượng người
dùng internet đông đảo như vậy, nếu biết tận dụng cơ hội, chúng ta có thể nhanh
chóng truyền tải những giá trị tư tưởng, văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc, theo đúng định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước đến đông đảo quần chúng
nhân dân.
Thứ hai, cơ hội tận dụng khoa học công nghệ
để sản xuất những sản phẩm văn hóa lớn, tầm cỡ, có giá trị lịch sử cùng với
hiệu quả kinh tế cao. Với khoa học công nghệ hiện đại, chúng ta có thể thực
hiện được những việc mà con người với lao động thủ công không thể làm được để
sản xuất ra những sản phẩm tuyên truyền về tư tưởng, văn hóa, con người Việt
hấp dẫn người xem, người đọc. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để sản
xuất những sản phẩm với tốc độ nhanh và chất lượng cao ở tất cả các lĩnh vực
của đời sống trong đó có lĩnh vực văn hóa, tư tưởng.
Thứ ba, cơ hội để chúng ta có thể quảng bá
văn hóa Việt ra thế giới, kiều bào ta ở nước ngoài.
Trong
kỷ nguyên số, thế giới trở nên phẳng hơn, không gian mạng là không gian xuyên
biên giới, chúng ta có thể tăng cường tận dụng triệt để những mặt mạnh, phát
huy ưu thế, tính đến các hình thức hợp tác phù hợp để tuyên truyền, quảng bá
cho đất nước; quảng bá các sản phẩm văn hóa tuyên truyền về thành tựu của Việt
Nam sau hơn 36 năm đổi mới; sản phẩm tuyên truyền về chính trị, sự kiện lịch sử,
cách mạng; cung cấp, đăng tải, chia sẻ và tận dụng ưu thế của hạ tầng công nghệ
để quảng bá, cung cấp các sản phẩm văn hóa nhanh chóng đến đông đảo công chúng
không chỉ trong nước mà ra toàn thế giới, nếu chúng ta biết phát triển sản phẩm
văn hóa trên các nền tảng số. Chính vì vậy, trong thời đại kỷ nguyên số, cơ hội
để chúng ta tiếp cận, quảng bá văn hóa Việt, với đậm đà bản sắc dân tộc ra thế
giới, đặc biệt là kiều bào ta ở nước ngoài là rất to lớn.
Cùng
với những cơ hội mà kỷ nguyên số tạo ra, công tác bảo vệ an ninh tư tưởng - văn
hóa hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức cơ bản là:
Trước
hết, các thế lực thù địch, phản động, cơ
hội chính trị triệt để sử dụng thành tựu về khoa học, công nghệ để gia tăng các
hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; chúng kiên trì thực hiện âm
mưu, chiến lược thâm độc “diễn biến hòa bình”. Nội dung
chống phá trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh,
đối ngoại…, trong đó, chúng coi phá hoại về nền tảng tư
tưởng - văn hóa là mặt trận quan trọng. Cách thức chủ yếu là sử dụng các
phương thức liên lạc qua ứng dụng OTT tạo các hội, nhóm kín, móc nối, lôi
kéo thành viên; tổ chức các lớp học trực tuyến về “xã hội dân
sự”, “dân chủ nhân quyền”, phương pháp đấu tranh bất bạo động; tổ chức các
diễn đàn để tác động, chuyển hóa tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng
viên và quần chúng, nhân dân.
Thứ hai, nhiều nội dung chương trình, phim ảnh
của các dịch vụ OTT(1) nước ngoài tràn vào Việt Nam có những
nội dung phản cảm vi phạm quy định pháp luật, đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ
tục Việt Nam. Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu
độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu
sắc bén, tính chiến đấu chưa cao. Trong khi đó, việc hoàn thiện hệ thống
pháp luật tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ an ninh văn hóa còn gặp
nhiều khó khăn do sự can thiệp, tác động, hướng lái của các nước phát triển có
các nền tảng OTT lớn đang chiếm lĩnh thị phần chủ yếu trên thế giới. Một khó
khăn cơ bản là các máy chủ dịch vụ OTT xuyên biên giới vào Việt Nam đều được
đặt ở nước ngoài, nằm ngoài phạm vi kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà
nước; cơ sở hạ tầng số còn chậm phát triển hơn nhiều quốc gia trên thế
giới, nguồn lực tài chính phát triển còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực đáp
ứng yêu cầu trong kỷ nguyên số còn thấp. Các doanh nghiệp OTT nước ngoài
có kinh nghiệm và nguồn tài chính dồi dào, nhiều doanh nghiệp OTT nước ngoài
đầu tư cả chục tỷ đô la Mỹ đế đầu tư nội dung trên dịch vụ. Việc ứng dụng
công nghệ để cung cấp dịch vụ chưa bằng các OTT xuyên biên giới (doanh nghiệp
OTT nước ngoài sử dụng trí tuệ nhân tạo để đánh giá thói quen người xem, gợi ý
nội dung người xem căn cứ thói quen, sở thích,...) trong khi đó nhân
lực trình độ cao của Việt Nam còn thiếu và yếu hoặc số ít làm việc ở nước
ngoài, cho doanh nghiệp nước ngoài do chế độ đãi ngộ tốt hơn. Đặc biệt quan
trọng là năng lực, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ của cán bộ tuyên
truyền, sản xuất sản phẩm văn hóa còn chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Đồng
thời, thách thức cơ bản thuộc về nguyên nhân chủ quan là một bộ phận không nhỏ
cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân chưa có bản lĩnh chính trị vững vàng;
chưa thấm nhuần, hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp
luật của Nhà nước; truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; dễ dàng tin vào
những quan điểm sai trái thù địch, những thông tin xấu độc vô căn cứ, tiếp nhận
những quan điểm chính trị không phù hợp, văn hóa lai căng… Từ đó, vô tình trở
thành những “cánh tay nối dài” tuyên truyền những tư tưởng, văn hóa độc hại,
phá hoại an ninh tư tưởng - văn hóa mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng.
“Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp
với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi,
điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công
nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây
dựng thị trường văn hóa lành mạnh...” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng |
TRIỂN
KHAI MẠNH MẼ NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Nhận
thức được vai trò quan trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác bảo vệ an ninh
tư tưởng - văn hóa; đứng trước cơ hội và thách thức to lớn của kỷ nguyên số,
chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện để tranh thủ cơ hội và vượt
qua thách thức để bảo vệ nền tư tưởng, văn hóa xã hội chủ nghĩa gắn với truyền
thống và bản sắc dân tộc, với những giải pháp cơ bản sau:
Một là, các cơ quan Đảng, Nhà nước tăng
cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh tư tưởng - văn hóa
trong tình hình mới:
Tiếp
tục nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh và bản sắc văn hóa dân tộc dưới nhiều hình thức; nâng cao
nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong
đổi mới và phát triển bền vững đất nước; xác định phát triển văn hoá và xây
dựng con người là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ
thống chính trị. Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công
nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí, văn học, nghệ
thuật, xuất bản. Các đơn vị chuyên trách bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; các đơn vị
bảo vệ pháp luật phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng tác chiến, trao đổi thông tin,
kết hợp nhuẫn nhuyễn để nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ trong đấu tranh
với hoạt động chống phá trên không gian mạng. Tăng cường công tác nắm tình
hình, chủ động sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp để thu thập thông tin cần thiết
cho công tác nghiệp vụ. Xây dựng kế hoạch và phương án đấu tranh, vô hiệu hóa
âm mưu, hoạt động chống phá. Tăng cường quản lý các sản phẩm văn hóa, thông tin
nhất các nền tảng OTT xuyên biên giới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; kiên
quyết xử lý, yêu cầu gỡ bỏ ngay lập tức những nội dung, sản phẩm, thông tin vi
phạm; phê phán các sản phẩm văn hóa có nội dung lạc hậu, lai căng không phù hợp
với chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Việt
Nam đang xây dựng. Kiên quyết xử lý nghiêm trước pháp luật những đối tượng
trong nước có hành vi vi phạm pháp luật tạo sự răn đe và tăng tính nghiêm minh
của pháp luật
Nhanh
chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật làm hành lang pháp lý hữu hiệu cho công tác
bảo vệ an ninh tư tưởng, văn hóa. Quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật
có tính đến phương án chia sẻ dự thảo, trao đổi, thăm dò phản ứng của
các nước quan tâm, tránh tạo cớ cho các đối tác quan trọng của ta gây
sức ép, đặt điều kiện, tạo sự cản trở cho việc phát triển quan hệ song phương,
ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội.
Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút
các tập đoàn, công ty công nghệ tham gia phát triển hệ thống hạ tầng dịch
vụ OTT, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong việc
xây dựng, phát triển các sản phẩm số, quảng bá các phim, ảnh tuyên
truyền sự kiện chính trị, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, các sản
phẩm văn hóa trên nền tảng số. Tăng cường nguồn lực, nhân lực cho mục tiêu
tự chủ về an ninh mạng, xây dựng nền công nghiệp an ninh mạng để đảm bảo phục
vụ tuyên truyền chính trị và văn hóa trên không gian mạng ở nước ta. Tổ
chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng các chuyên gia phát triển sản phẩm văn hóa trên
các nền tảng số...
Hai là, nâng cao nhận thức của người dân,
nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng và bảo vệ nền tư tưởng
- văn hóa Việt Nam
Nâng
cao ý thức cảnh giác, tăng cường tiếp nhận thông tin tích cực, tạo “sức đề
kháng” trước những luận điệu, thông tin xấu độc vô căn cứ, tuyên truyền phá
hoại nền tảng tư tưởng, văn hóa Việt Nam, phá hoại đại đoàn kết dân tộc; góp
phần xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá
trị tích cực về thuần phong, mỹ tục trong gia đình và xã hội Việt Nam.
Các
doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp truyền thông, các đơn vị sản xuất các sản
phẩm văn hóa, văn nghệ trong nước tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ của
Nhà nước, các chính sách ưu đãi để đổi mới, sáng tạo, phát triển công nghệ, sản
xuất các chương trình, sản phẩm tuyên truyền, các tác phẩm văn hóa nghệ thuật
có giá trị, có tầm phản ánh được những giá trị lịch sử dân tộc, sự nghiệp đổi
mới gắn với việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước, nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam… tuyên truyền,
quảng bá trong nước và ra thế giới, tạo thành dòng tư tưởng - văn hóa tích cực,
chủ lưu dẫn dắt, định hướng người dân. Không tiếp tay cho các doanh nghiệp công
nghệ nước ngoài có các hành vi phá hoại an ninh tư tưởng - văn hóa Việt Nam.
Ba là, phát huy vai trò xung kích, đi đầu
của đoàn viên, thanh niên trong bảo vệ an ninh tư tưởng - văn hóa:
Tích
cực học tập nâng cao trình độ để có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận thức
được tầm quan trọng của an ninh tư tưởng - văn hóa và trách nhiệm của bản thân
trong bảo vệ an ninh tư tưởng - văn hóa. Đoàn viên, thanh niên phải là những
người xung kích trong việc phát hiện âm mưu, thủ đoạn, nội dung, phương thức
chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị và nắm vững
những luận cứ để trực tiếp và tổ chức đấu tranh phản bác lại những quan điểm
sai trái thù địch đó; phát huy vai trò xung kích, tinh thần hoạt động của Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, của tuổi trẻ Việt Nam để tuyên truyền cho nhân
dân hiểu, tạo “sức đề kháng” trước những âm mưu phá hoại an ninh tư tưởng - văn
hóa nước ta.
Nâng
cao trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và ứng dụng khoa học để đấu
tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phê phán văn hóa lạc hậu, ngoại lai
trên không gian mạng; xây dựng các phong trào thi đua, tích cực tham gia xây
dựng, phát triển nền tư tưởng, văn hóa đất nước cũng như bảo vệ an ninh tư
tưởng - văn trên không gian mạng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại
hội XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội
nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào
tháng 11/2021./.
Nguồn:TG
------------
(1) OTT
(Over The Top) là thuật ngữ dùng để chỉ việc tận dụng không gian rộng lớn
internet nhằm cung cấp cho người dùng các nội dung như hình ảnh, âm thanh, tin
nhắn, gọi điện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét