Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

GIÁO DỤC BẢN LĨNH, NHÂN CÁCH BỘ ĐỘI CỤ HỒ TỪ NHÀ TRƯỜNG

 

Từ xưa, các học giả nổi tiếng đều thừa nhận giáo dục là lợi khí đào tạo nhân tài. Giáo dục có thể được thực hiện qua nhiều cách khác nhau, nhưng văn học, với những cách thể hiện phong phú, đa dạng giúp con người bồi dưỡng tâm hồn về cái đẹp, cái cao cả cũng như lý tưởng sống chắc chắn là công cụ hữu hiệu nhất.

Khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với muôn vàn khó khăn, chúng ta đã thành công trong việc sử dụng văn học để nuôi dưỡng, bồi đắp đời sống tinh thần của người lính, làm cho họ biết rung động và đau xót trước cảnh nước mất nhà tan, biết phân biệt rõ chính nghĩa và gian tà, giữa thiện và ác... Vì thế, họ sẵn sàng xả thân đấu tranh cho lý tưởng và chấp nhận hy sinh nếu Tổ quốc cần. Hình ảnh đẹp đẽ của những người lính Cụ Hồ hiện lên qua những tác phẩm văn thơ trong kháng chiến và những năm sau hòa bình đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, có tác dụng tích cực trong việc hình thành nhân cách và phẩm chất cho một lớp người mới. Trong lớp người này, có không ít thanh niên sắp tốt nghiệp hay tốt nghiệp phổ thông đã trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này.


Theo mạch nguồn ấy, nhiều tác phẩm văn học phản ánh công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước sau này cũng có một vai trò rất lớn trong việc bồi đắp thêm về nhận thức và tư tưởng cho thế hệ người lính Cụ Hồ lớp trước, đồng thời hình thành nhân cách và phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ thế hệ tiếp theo. Đó là lớp thanh niên lớn lên sau khi miền Bắc được giải phóng. Nhiều tác phẩm văn học sáng tác trong giai đoạn này được cổ vũ và đưa vào chương trình dạy văn trong nhà trường có tác động trực tiếp đến cảm xúc và nhận thức của thanh niên về những nhiệm vụ to lớn của đất nước trong giai đoạn mới. 


Sau năm 1975, đặc biệt sau năm 1986, do những nhu cầu mới về lịch sử, chúng ta có dịp nhìn nhận, đánh giá lại các sáng tác văn học của hai giai đoạn kháng chiến đã qua để thấy được những thành tựu và hạn chế của nó. Về mặt lý luận, chúng ta đã có nhiều dịp bàn đến tính sơ lược, minh họa, hoặc tính nông cạn, giáo điều trong phương pháp sáng tác ở một số tác giả. Nhiều tác phẩm không còn thích hợp với thực tiễn, dần dần bị loại bỏ khỏi nhà trường. Thay vào đó, chúng ta đã mạnh dạn đưa vào nhiều tác phẩm văn học được sáng tác trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và thời kỳ đổi mới. Đồng thời, chúng ta cũng mạnh dạn đưa nhiều tác phẩm của Tự lực văn đoàn và Phong trào Thơ mới vào chương trình dạy văn. Điều này cũng dễ hiểu, vì khi đất nước mở cửa kinh tế thị trường thì các tác phẩm viết về xây dựng hợp tác xã thời quan liêu bao cấp trở nên lỗi thời. 


Việc thay thế và bổ sung một số tác phẩm văn học vào chương trình sách giáo khoa phổ thông là một hướng đi đúng nhằm đáp ứng nhu cầu mới về giáo dục, đặc biệt là giáo dục nhân cách, phẩm chất của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, khi thực hiện, chúng ta lại mắc một số sai lầm, khiến cho việc giảng dạy văn học trong nhà trường có phần tụt dốc và kém hiệu quả trong việc giáo dục nhân cách và phẩm chất của thế hệ trẻ nói chung. 


Trên đại thể, có thể nhận định rằng, trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, văn học nghệ thuật dù có những hạn chế nhất định nhưng đã hoàn thành sứ mạng cao cả của mình, góp phần xứng đáng vào việc hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Các giá trị đích thực của nó phải được nhìn nhận, phân tích khách quan, gắn với bối cảnh lịch sử cụ thể. Vẫn biết rằng, chất lượng nghệ thuật là yếu tố vô cùng quan trọng, nhưng một khi nó xa rời nội dung, thậm chí được đề cao một cách thái quá thì ngẫu nhiên, nó lại đánh mất đi chức năng quan trọng nhất của mình. Đó là chức năng giáo dục (hiểu theo nghĩa đầy đủ của từ này), một chức năng ngầm ẩn, giúp cho mỗi cá nhân tự nhận thức cuộc sống để hình thành nên nhân cách và phẩm chất của mình, với tư cách là một thành viên của cộng đồng xã hội.


Muốn có được sự khách quan, công bằng trong đánh giá tác phẩm văn học, trước hết đòi hỏi các nhà nghiên cứu, phê bình cần phải có bản lĩnh và trình độ chuyên môn thực sự chứ không phải chỉ vì chức danh hay học vị thuần túy. Mọi nhận định về tác giả hay tác phẩm văn học phải xuất phát từ khoa học chứ không thể từ cảm tính cá nhân. Rất đáng tiếc, có những người làm công tác lý luận đã không thực hiện nguyên tắc này. Không ít người có chức danh, chức vị khá cao nhưng vừa mới hôm qua còn ra rả ca ngợi các tác phẩm văn học viết về người lính, viết về chiến tranh, sau đổi mới quay ngoắt lại cho rằng cả nền văn học quá khứ là thứ văn học cần “ai điếu”. Nếu trước năm 1986, chúng ta có thái độ cực tả khi xem xét các hiện tượng văn học thì sau đổi mới, có người đã quay ngoắt 180 độ để chạy sang thái độ cực hữu. Cách nhìn cực tả đã từng gây ra tổn thất, mất mát cho cả nền văn học. Nó loại bỏ một số tác phẩm văn học có giá trị ra khỏi đời sống xã hội và sách giáo khoa (biểu hiện cụ thể như cách ứng xử với bài thơ “Tây Tiến” và một số tác phẩm của Tự lực văn đoàn và Phong trào Thơ mới). Ngược lại, cách nhìn cực hữu lại đề cao vô nguyên tắc một số tác giả, tác phẩm, dẫn đến tình trạng hỗn loạn về lý luận. Đây chính là điểm gây ra sự hoang mang, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và phẩm chất của lớp trẻ. Thái độ cực hữu khi đưa vào giảng dạy cho học sinh trung học phổ thông và làm đề thi tuyển sinh đại học trong rất nhiều năm, hậu quả là do những sai lầm trong phân tích tác phẩm dẫn đến việc học sinh viết những câu văn ngô nghê, kỳ quặc. 


Khi đổi mới để hội nhập với khu vực và thế giới, văn học cũng bị ngập tràn trong vô số khuynh hướng, quan điểm và lý luận khác nhau. Nếu không tỉnh táo, chúng ta sẽ làm cho lớp trẻ, đặc biệt là các thanh niên đang đứng trong hàng ngũ quân đội mất định hướng trong nhận thức. Chẳng hạn, có lúc, có người theo khuynh hướng đề cao các tác phẩm phê phán chiến tranh, coi chiến tranh là tội ác mà bất cứ bên nào tham gia cũng đều đáng phê phán. Họ coi các tác phẩm loại đó mới là các tác phẩm văn học thực sự có tầm cao và có giá trị. Nhưng quan niệm như thế thực ra rất phiến diện. Vì rằng trên thực tế, từ khi loài người ra đời cho đến nay, chiến tranh luôn là vấn đề nảy sinh liên tục trong mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc. Một quan điểm như thế sẽ dẫn đến việc xóa nhòa chính nghĩa và phi nghĩa, vô hình lại cổ vũ cho tư tưởng đầu hàng mỗi khi có họa ngoại xâm.


Chúng ta từng phê phán thứ văn học gọi là “ngợi ca”, nhưng lịch sử phát triển văn học lại cho chúng ta thấy rằng, nhiều tác phẩm ngợi ca vẫn là những tác phẩm bất hủ một khi nó đạt tới giá trị nghệ thuật thực sự. Cho nên, phê phán chiến tranh là đúng, nhưng phê phán như thế nào lại là tài năng của nhà văn. Ranh giới giữa giá trị vĩnh cửu và giá trị nhất thời của văn học là câu chuyện không đơn giản như một vài người vồ vập. Chính sự vồ vập thái quá với bất cứ hiện tượng nào cũng gây ra những bức tranh rối loạn. Đó là điều từng xảy ra trên một số diễn đàn văn học ở nước ta. 


Chúng tôi đưa ra vài dẫn chứng nêu trên chủ yếu nhằm chứng minh rằng, để đánh giá một hiện tượng văn học cần có thái độ điềm tĩnh, khách quan. Nếu chỉ dựa vào cảm hứng nhất thời thì khó tránh được những sai lầm đáng tiếc. Điều đó đặt ra yêu cầu về đội ngũ cán bộ tại các cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật sao cho đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; yêu cầu xây dựng một hệ thống lý luận mới mang tính tập trung, vừa kế thừa truyền thống vừa mang tính hiện đại để tránh tản mát, tùy tiện, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Đặc biệt, các cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật cần tham gia tích cực và có tiếng nói kịp thời với những hiện tượng tiêu cực, tùy tiện trong dạy văn và tiếng Việt hiện nay nhằm chấn chỉnh lại sách giáo khoa, lấy lại vị thế của văn học nghệ thuật trong việc giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất cho thanh niên. Đó cũng chính là cách tốt nhất góp phần phát huy hiệu quả của văn học nghệ thuật trong việc hình thành, bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất lớp trẻ nói chung, Bộ đội Cụ Hồ nói riêng trong thời đại mới./.

Nguồn: PGS, TS NGUYỄN HỮU ĐẠT 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét