Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

HÀNG TRIỆU NGƯỜI NGÃ XUỐNG ĐỂ LÁ CỜ ĐƯỢC ĐỨNG LÊN!

 Lá cờ trong mỗi cuộc chiến là gì? Là danh dự Tổ Quốc, là hiện thân của Tổ Quốc, là máu của biết bao thế hệ, là mục tiêu, là chiến thắng, là những gì mà mỗi chiến sĩ phải giữ gìn và bảo vệ. Như liệt sĩ Trần Văn Phương trước khi hy sinh tại Gạc Ma đã nói: "Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo", hay như các liệt sĩ Sư đoàn 304 phải hy sinh nhiều người để cắm lá cờ to đẹp, toàn vẹn, vững chãi tại căn cứ Động Toàn, Quảng Trị. Hoặc như lá cờ tại cầu Quảng Trị, trải qua bao nhiêu đợt mưa bom, bão đạn nhưng vẫn đứng vững, lá cờ này bom quật hạ xuống, lá cờ khác lại được dựng lên…

Nếu các bạn tìm kiếm tư liệu từ phía ta và ngay cả phía địch, sẽ biết được rằng các chiến sĩ của chúng ta đã trân trọng lá cờ ra sao và tinh thần ấy thậm chí còn được phía địch tôn trọng. Nhiều người lính đối phương giữ gìn cẩn trọng những lá cờ ấy, trao lại cho phía ta trong đợt trao đổi tù binh, họ mang về nước giữ làm kỉ vật, nhiều cựu binh đối phương còn giữ những lá cờ của chúng ta đến tận ngày nay… Vậy mà nhiều người trong chúng ta, một lứa sinh ra trong hòa bình, chẳng biết được khói lửa chiến tranh, lại phỉ nhổ và thiếu tôn trọng điều ấy.
Lá cờ Tổ Quốc luôn được giữ gìn cẩn mật, được coi như là báu vật. Thế hệ đi trước đã dùng thân mình để bảo vệ và phất cao lá cờ ấy. Và mỗi thế hệ sau này khi nhìn lại lịch sử qua các thước phim hay bức ảnh cũ, sẽ biết được rằng dù khó khăn ra sao, Tổ Quốc vẫn ở vị trí cao nhất, toàn vẹn nhất!
Nhiều người biện minh rằng lá cờ rách nát mang tính “hiện thực”, vậy đặt câu hỏi ngược lại, các bạn tìm hộ tôi bức ảnh, thước phim nào mà các chiến sĩ của chúng ta xung phong, thúc giục khi cầm lá cờ nát bươm hộ cái? Còn riêng tôi, tôi đã mất hơn ngày liền để tìm kiếm hơn 200 bức ảnh, thước phim có hình ảnh các chiến sĩ của chúng ta cầm cờ, tất cả những gì mà tôi thấy được, là những lá cờ toàn vẹn, hình ảnh chiến sĩ cầm cờ ngã xuống lại có người khác đứng lên, là những lá cờ phất cao hùng dũng với ngôi sao vàng… Các vị nói hiện thực, vậy các vị vui lòng chưng ra cái hiện thực của các vị hộ tôi cái?
Nói thẳng ra, “hiện thực” ở đây là do các vị tưởng tượng ra dựa trên sự định kiến của các vị. Các vị nghĩ rằng bộ đội chúng ta chiến đấu trong khó khăn, đói ăn, rét mướt nên các vị cứ mặc nhiên dùng những hình ảnh bần nhầy nhất có thể để mô tả các anh. Các vị so sánh với các tác phẩm văn học hiện thực cách mạng đã mô tả những khung cảnh khốn cùng của nhân dân ta ngày ấy, nhưng các vị quên rằng, những tác giả ấy sống trong thời kỳ ấy, còn các vị thì không.
Một lứa hậu thế sinh sau đẻ muộn phán xét bằng con mắt chủ quan, các vị đánh đồng nghèo thì phải rách nát, chiến tranh thì phải sợ sệt hèn hạ, nhưng những chiến sĩ của chúng tôi thì không như vậy. Mà sợ hãi thì cũng có dăm ba loại, các cụ cũng sợ, nhưng là “sợ mất nước”, điều đó khác hẳn với sự sợ hãi hèn hạ.
Như câu nói mà người Việt ta ai cũng biết: “Giấy rách phải giữ lấy lề”, có thể các anh nghèo, có thể các anh không đầy đủ về nhiều mặt, các anh gầy, thiếu ăn và nhợt nhạt Nhưng riêng thần thái, ánh mắt và niềm tin của họ, toát lên một tâm thế không thể xem thường được và đến ngay chính kẻ thù cũng phải nể trọng. Cựu Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương Raoul Salan từng hết lời ca ngợi: "Quân đội Việt Minh là một lực lượng bộ binh xuất sắc… Lính bộ binh chính quy Việt Minh theo quan niệm của tôi, là địch thủ ghê gớm nhất mà Pháp đã gặp phải từ sau trận Verdun. Khí chất của họ thật không thể xem thường được”.
Chỉ huy đối phương khi đối đầu với quân giải phóng từng nói rằng: “Tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để có những người lính như họ”.
Nghệ thuật không phải là lời bào chữa, hay bức bình phong để dựa vào, để biện minh cho sự xuyên tạc, đổi trắng thay đen. Phóng tác nghệ thuật cũng phải dựa trên sự tôn trọng lịch sử, nhân vật và một nền tảng tư tưởng vững vàng. Đã nhân danh hiện thực thì vui lòng đi đúng theo điều đó, hiện thực không phải là suy diễn.
Có một bác cựu chiến binh nhắn tin với tôi rằng: “Chẳng lẽ có nhiều người sẵn sàng nhân danh nghệ thuật và lợi dụng nghệ thuật để sỉ nhục chúng tôi hay sao ?”
Rồi một ngày nào đó trong tương lai, những sự việc tương tự xảy ra, chúng ta biết ăn nói như thế nào với thế hệ cha ông?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét