Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác và hành động nhanh chóng để giải quyết vấn đề này.
Theo UN News, ngày 19-5, tại phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an LHQ về xung đột và an ninh lương thực do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh: “Khi chiến tranh nổ ra, mọi người sẽ đói”. Ông Guterres lưu ý, khoảng 60% người thiếu dinh dưỡng trên thế giới sống trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột. Người đứng đầu LHQ cũng bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh lương thực ở vùng Sừng châu Phi, nơi đang hứng chịu đợt hạn hán kéo dài nhất trong suốt 4 thập kỷ. Trong khi đó, xung đột và tình trạng mất an ninh tiếp diễn tại Ethiopia và Somalia khiến cuộc sống của người dân thêm khốn khó.
Ông Guterres đề xuất 4 bước để ngăn chặn xung đột và đói kém. Trước tiên, cần đầu tư cho các giải pháp chính trị nhằm chấm dứt xung đột, ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột mới và xây dựng nền hòa bình bền vững. Theo đó, điều quan trọng nhất hiện nay là chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Ông Guterres cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ nỗ lực hết sức để thúc đẩy đạt lệnh ngừng bắn ở Ukraine nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Thứ hai, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tiếp cận nhân đạo và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Liên quan tới vấn đề này, cần phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và truy cứu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm. Thứ ba, cần có sự phối hợp nhiều hơn nữa để giảm thiểu những nguy cơ dẫn tới mất an ninh lương thực, năng lượng và tài chính. Ông Guterres cho rằng, mọi giải pháp có ý nghĩa nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực đều phải bao gồm kết nối sản xuất nông nghiệp, thực phẩm của Ukraine và sản xuất phân bón của Nga, Belarus với thị trường toàn cầu. Cuối cùng, ông Guterres kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ cho hoạt động nhân đạo bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Về phần mình, Tổng giám đốc Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) Khuất Đông Ngọc nhận định, xung đột hiện là yếu tố lớn nhất dẫn tới tình trạng gia tăng đói nghèo trên toàn cầu. Ông Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh, cần tăng cường hoạt động sản xuất bền vững, đồng thời cho rằng, đầu tư cho các hệ thống lương thực, nông nghiệp đang là ưu tiên cấp bách hơn bao giờ hết.Tại phiên thảo luận mở, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley cho rằng, thế giới đang chứng kiến “một cơn bão hoàn chỉnh” gây ra nạn đói. Đó là xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Ông Beasley nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng sản lượng, mở lại các cảng biển ở Ukraine và giải phóng các kho trữ hàng tại nước này để ổn định thị trường cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Ông Beasley khẳng định: “An ninh lương thực rất quan trọng đối với hòa bình và ổn định trên toàn cầu. Hãy hành động khẩn cấp ngay hôm nay”.
Nga và Ukraine là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới. Xung đột khiến Ukraine phải đóng cửa các cảng biển, trong khi Nga gặp khó khăn trong việc xuất khẩu do các lệnh trừng phạt của Mỹ và một số nước khác. Sự gián đoạn nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp từ Nga và Ukraine đang tàn phá an ninh lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới. Tình trạng mất an ninh lương thực ở các nước nghèo có thể gây ra bất ổn xã hội và chính trị, thậm chí có thể thúc đẩy xung đột và bạo lực, dẫn tới những hệ lụy khó lường đối với an ninh chung của cả thế giới.
Việt Nam góp sức giải quyết các thách thức an ninh lương thực Phát biểu tại phiên thảo luận mở trên, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh: Việt Nam coi việc bảo đảm an ninh lương thực chính là nền tảng của hòa bình, ổn định và phát triển. Cần phải có những biện pháp bền vững nhằm tăng cường năng lực của các nước đang phát triển và các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột trong bảo đảm cung cấp lương thực, cũng như thúc đẩy giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột. Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh trách nhiệm của các bên xung đột trong việc bảo đảm tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, không sử dụng việc bỏ đói làm công cụ phục vụ mục đích quân sự. Việt Nam mong muốn trở thành một “trung tâm sáng tạo về lương thực” của khu vực và sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu. (TTXVN) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét