Một trong những biểu hiện nguy hại nhất của chủ nghĩa cá nhân cần phải chủ động phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi mà Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương đã chỉ rõ là “không quan tâm đến lợi ích chung”.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) cho rằng: Nếu lãnh đạo, chỉ huy không nêu cao tinh thần “dĩ công vi thượng”, rất dễ sa vào biểu hiện này mà không hay biết.
Phóng viên (PV): Từng có gần 40 năm trong quân ngũ, xin đồng chí cho biết suy nghĩ của mình về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ?
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu: Tôi rất tâm đắc với đúc kết phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ mà Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương đã xác định. Tôi liên hệ ngay đến 10 lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những lời thề thiêng liêng ra đời cùng với Quân đội ta, đã nêu bật bản chất chính trị, tinh thần cách mạng của Bộ đội Cụ Hồ, trở thành “vũ khí tinh thần” quan trọng để Quân đội ta lập nhiều chiến công hiển hách ghi vào sử xanh.
Thiếu tướng HỒ SỸ HẬU. Ảnh: TRẦN THƯỜNG |
Từng chiến đấu, công tác trong hai giai đoạn chiến tranh và hòa bình, tôi nghiệm ra giữa hai môi trường rất khác biệt. Tôi đồng tình với ý kiến của nhiều người cho rằng: Giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ hòa bình còn khó khăn hơn thời kỳ chiến tranh.
Người lính trong chiến tranh đồng cam cộng khổ về cái ăn, cái mặc, gặp hiểm nguy trước bom đạn kẻ thù, như các cụ xưa vẫn nói: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Trong thời kỳ hòa bình, những “viên đạn bọc đường” vô hình nhưng có thể khiến bất cứ ai không cẩn thận, không chú ý giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ sẽ gục ngã. Kẻ thù ngày nay mà quân nhân phải đối diện chính là những thói hư tật xấu ở bên trong bản thân mình.
Tác động của cơ chế thị trường ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của quân nhân liên quan đến đời sống vật chất, quyền lực. Môi trường mới thử thách ghê gớm bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, tôi nghĩ đa số quân nhân đều giữ gìn được bản chất cách mạng nhưng một số quân nhân thoái hóa biến chất, vi phạm quân kỷ, pháp luật Nhà nước.
Việc xác định 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân mà Nghị quyết 847 đã nêu ra là kim chỉ nam để Quân đội ta nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần cách mạng tiền phong, ngày càng trong sạch, vững mạnh, bảo đảm hoàn thành mọi trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
PV: Sau khi nghiên cứu nghị quyết, đồng chí quan tâm đến vấn đề nào nhất thuộc về biểu hiện chủ nghĩa cá nhân trong quân đội hiện nay?
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu: Tôi hiểu chủ nghĩa cá nhân là “bệnh” vị kỷ, vun vén lợi ích cho bản thân, không nghĩ đến lợi ích chung. Khi cố tình hay vô ý vi phạm nó, sẽ gây hậu quả xấu cho đơn vị, cho công việc.
Đặc thù của quân đội là tính kỷ luật, cấp dưới phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Đặc thù này gián tiếp tập trung quyền lực ở mức độ cao cho người đứng đầu. Tôi quan niệm trong thời bình, xét về góc độ hành chính thì người chỉ huy trong quân đội là một “công chức quân sự”, một khi nắm quyền lực trong tay thì sẽ va chạm những vấn đề “nhạy cảm”, nếu không tự đấu tranh tư tưởng, sẽ chỉ chú ý vào việc gì có lợi cho cá nhân.
Bản thân tôi chứng kiến một vài cán bộ, lúc còn là trợ lý, không chức sắc thì rất trong sáng, tốt đẹp, chuẩn mực, nhưng khi được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo, chỉ huy thì “lột xác” trở nên con người hoàn toàn khác, vi phạm nhiều điều trong 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân mà Nghị quyết 847 đã chỉ ra.
Chuyện vun vén lợi ích cho bản thân biểu hiện thấy rõ là tham nhũng của công, tham nhũng chính sách để hưởng lợi cho mình và những người cùng bè phái. “Quốc nạn” này thời nào cũng có; ngay như thời kỳ chống thực dân Pháp đã có vụ án Trần Dụ Châu.
Hậu quả của chủ nghĩa cá nhân không chỉ bản thân người chỉ huy mất uy tín, vật chất tiêu hao, thất thoát mà nguy hiểm nhất là cơ quan, đơn vị mất đoàn kết. Khi cấp dưới nhận thấy sự bất công thì sẽ xảy ra tâm lý chán nản, chỉ muốn làm cho xong việc, không nghĩ đến lợi ích chung.
Đúng như câu ca dao mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắc đến: “Người trên ở chẳng chính ngôi/ Khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào”.
PV: Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc một số quân nhân, nhất là một số ít cán bộ lãnh đạo chỉ huy có quyền lực sa vào chủ nghĩa cá nhân?
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu: Tôi nghĩ nguyên nhân chính vẫn là những yếu tố chủ quan, không thắng được "tham sân si" có trong bản thân, không giữ được phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thì việc thoái hóa, biến chất sớm muộn sẽ xảy ra.
Dưới góc độ tâm lý, tôi nghĩ chủ nghĩa cá nhân còn có nhiều biến tướng phức tạp rất khó nắm bắt. Chẳng hạn, người đứng đầu muốn cất nhắc, đề cử một ai đó, có thể không vì mục đích vụ lợi nhưng lại dựa vào sự yêu ghét của bản thân mà “quên” đánh giá người đó có đủ năng lực đảm nhiệm chức trách hay không. Rất nhiều người có tính cơ hội, tham vọng quyền lực nắm bắt điều này nên ra sức nịnh bợ, giúp đỡ việc riêng cho lãnh đạo để lấy lòng cấp trên.
Thấy cấp dưới “tử tế”, “tình cảm” như thế, lãnh đạo rất dễ xiêu lòng, lấy tình riêng tác động vào việc công. Tình cảm vô tư và tình cảm có chủ đích nhiều khi rất khó phân định rạch ròi. Người Việt Nam vốn duy tình nên cá nhân tôi lo ngại nhiều biểu hiện tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân len lỏi mà đôi khi người có quyền lực khó nhận diện để cảnh giác, đề phòng.
PV: Theo đồng chí, giải pháp nào là căn cốt nhất để đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân trong quân đội hiện nay?
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu: Theo tôi có hai giải pháp chính liên quan đến tư tưởng và tổ chức.
Về tư tưởng, nên thường xuyên, liên tục, kiên trì giáo dục tư tưởng để người quân nhân có nhận thức đúng, biết nhận diện và đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân. Với người đứng đầu càng phải ra sức rèn luyện tư tưởng, lối sống, nâng cao bản lĩnh chính trị, thực sự thấm nhuần lời dạy “dĩ công vi thượng” của Bác Hồ.
Phải luôn đặt việc công lên trên hết và lúc nào, ở đâu, làm việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của đất nước và nhân dân; nếu không rất dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên đi lợi ích chung.
Đảng ta đang rất chú trọng đến vấn đề kiểm soát quyền lực để người có quyền lực không dám, không thể, không cần, không muốn mưu cầu cho bản thân, tham nhũng, tha hóa. Vậy nên xây dựng tổ chức đảng phải thực chất, hướng tới trong sạch, vững mạnh là điều tiên quyết.
Không thể vi phạm nguyên tắc rường cột của Đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ, không thể để ý chí cá nhân áp đặt cho tập thể mà không qua bàn bạc, thảo luận và thống nhất chủ trương, đường lối.
Người lãnh đạo, chỉ huy dám nghĩ dám làm, luôn đặt việc công lên trên hết, luôn nghĩ về lợi ích chung thì bao giờ cũng được quần chúng, tổ chức đảng ủng hộ, tạo điều kiện để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét