Từ Đại hội VII (năm
1991) của Đảng, cùng với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính thức
được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho
hành động cách mạng của Đảng. Nhận thức mới của Đảng về tư tưởng Hồ Chí
Minh đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XI (năm 2011), đã được ghi
vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ
sung, phát triển năm 2011), trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân trang trọng kỷ
niệm Đại lễ nghìn năm Thăng Long.
“Tư tưởng Hồ Chí Minh
là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách
mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa
Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị
truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, là
tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi
đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
Dưới sự lãnh đạo đúng
đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam-Đảng cách mạng chân chính do Người
sáng lập và rèn luyện, dạn dày kinh nghiệm và bản lĩnh trong đấu tranh cách
mạng trước đây, trong đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta kiên định lý
tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thấm nhuần và thực
hành lời dạy của Người “dĩ bất biến ứng vạn biến”, nêu cao quyết tâm, tín tâm
và đồng tâm (chữ dùng của Hồ Chí Minh), cố kết sức mạnh “ý Đảng-lòng dân-phép
nước” để thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới và xây dựng thành công chủ
nghĩa xã hội nước ta: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đó cũng là tâm nguyện,
hoài bão và khát vọng phát triển của Người, được Người nêu rõ trong Di
chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước khi trở về với tổ
tiên, với Mác-Lênin ở cõi vĩnh hằng: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu,
xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và
giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh
gắn liền với đạo đức và phong cách của Người trong một hệ thống chỉnh thể, hữu
cơ không thể tách rời. Tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn thấm nhuần
trong toàn bộ hệ thống chỉnh thể ấy, thể hiện nhất quán trong cuộc đời và sự nghiệp
của Hồ Chí Minh, nhất quán giữa tư tưởng và hành động, lời nói đi đôi với việc
làm, suốt đời tranh đấu, hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, tự do cho dân tộc và
hạnh phúc của nhân dân.
Khoa học, cách mạng,
nhân văn là bản chất và đặc điểm nổi bật của tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện cả
trong lý luận và hoạt động thực tiễn của Người trên tư cách nhà tư tưởng mác
xít sáng tạo, nhà tổ chức thiên tài của cách mạng Việt Nam.
Giá trị tư tưởng Hồ
Chí Minh qua thử thách của thời gian trở thành những giá trị bền vững, được
chứng nghiệm qua lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta
trong thế kỷ 20 đã qua cũng như hiện nay và mai sau, là kim chỉ nam hành động
cho toàn Đảng, toàn dân trong đổi mới, hội nhập và phát triển.
Giá trị, sức sống và ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ được khẳng định ở trong nước mà còn có sức lan tỏa rộng lớn trong đời sống chính trị quốc tế, trong văn hóa của thế giới nhân loại. Việt Nam đến với thế giới và có mặt xứng đáng trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân là nhờ có Hồ Chí Minh-biểu tượng kiệt xuất cho cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì Độc lập-Tự do-Hạnh phúc của dân tộc và nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét