Để đấu
tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc,
phủ nhận bản chất GCCN của Đảng, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ
chức đảng cần quan tâm một số nội dung sau:
Thứ
nhất, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận
thức đầy đủ, sâu sắc về bản chất GCCN của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mỗi cán bộ,
đảng viên và nhân dân cần nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của GCCN Việt Nam
trong tiến trình lịch sử, nhất là trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ
tư. GCCN Việt Nam là lực lượng lãnh đạo xã hội đi đầu trong phát triển kinh tế
- xã hội, đóng góp ngân sách chủ yếu cho nhà nước, làm chủ khoa học- công nghệ.
Mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc bản chất
GCCN của Đảng ta. Đây là nền tảng quyết định bản chất cách mạng và khoa học, sự
trong sạch, vững mạnh của Đảng, quyết định đến vai trò lãnh đạo và năng lực cầm
quyền của Đảng ta. Giữ vững và tăng cường bản chất GCCN của Đảng là yếu tố nội
sinh để Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên “miễn dịch”, tự phòng, chống các quan
điểm sai trái, thù địch có hiệu quả.
Hơn lúc nào
hết mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nhận thức rõ âm mưu thủ đoạn, chiêu
trò gian xảo của các thế lực thù địch xuyên tạc sứ mệnh lịch sử của GCCN, bản
chất GCCN của Đảng để làm lung lay niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân
dân. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực
đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Phủ nhận bản chất GCCN
thực chất là phủ nhận Đảng từ bản chất, theo đó cũng đồng nghĩa phủ nhận vai
trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đây là mưu toan, kịch bản nham hiểm của các
thế lực thù địch cần nhận diện và chủ động đấu tranh phản bác kịp thời, có hiệu
quả.
Thứ hai,
tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về GCCN, bản chất GCCN của
Đảng.
Cần đi sâu
nghiên cứu tổng kết bổ sung phát triển lý luận về GCCN Việt Nam trong bối cảnh
mới hiện nay như xác định nội hàm, thành phần tham gia vào GCCN Việt Nam, nhất
là trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội
số, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng gia tăng. Do đó, số
lượng công nhân tham gia vào các doanh nghiệp này ngày càng nhiều. Hơn nữa,
quan điểm của Đảng ta xác định rõ trong hợp tác đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc
hai bên cùng có lợi. Trước sự vận động của thực tiễn, định nghĩa về GCCN Việt
Nam trong Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) đã có những điểm không còn phù hợp, do
đó cần bổ sung nội hàm để phù hợp với giai đoạn mới. Đồng thời, bổ sung làm sâu
sắc nội dung bản chất GCCN của Đảng ta như mối quan hệ giữa số lượng GCCN với
nền tảng tư tưởng của Đảng; giữa thành phần xuất thân của đội ngũ cán bộ, nhất
là đội ngũ trí thức với lập trường quan điểm, tư tưởng của GCCN. Có như vậy mới
góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nêu cao trách nhiệm trong
việc phát huy bản chất GCCN của Đảng; mặt khác, có luận cứ xác đáng để các chủ
thể tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có hiệu quả,
cũng như không tạo kẻ hở để các thế lực thù địch vin cớ lợi dụng xuyên tạc, phủ
nhận bản chất GCCN của Đảng ta.
Khi tổng kết
nghiên cứu về GCCN Việt Nam, cần tham khảo chỉ dẫn của Ăng-ghen dự báo vô sản
hóa trí thức, một bộ phận trí thức sẽ bổ sung vào lực lượng GCCN. Trong thư
“Gửi đại học quốc tế các sinh viên XHCN”, lần đầu tiên Ph.Ăng-ghen đã khẳng
định khái niệm “giai cấp vô sản trí thức” là bộ phận hợp thành của GCCN hiện
đại và chỉ rõ chính GCCN ấy là lực lượng duy nhất hoàn thành sự nghiệp giải
phóng GCCN, xây dựng thành công CNXH trong tương lai. Do yêu cầu sắp xếp tổ chức
bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn cũng như xu hướng một bộ phận
đội ngũ trí thức của nước ta được bổ sung cho GCCN trong những năm đến là xu
thế tất yếu.
Thứ ba,
xây dựng cơ chế phối hợp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên
tạc, phủ nhận bản chất GCCN của Đảng.
Cơ chế phối
hợp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận
bản chất GCCN của Đảng Cộng sản Việt Nam là các quy định, quy chế của Đảng, Nhà
nước nhằm xác định mục tiêu, nội dung, phương thức tổ chức lực lượng và những
chế tài cụ thể tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta nói chung, bản chất GCCN của Đảng nói
riêng. Tập trung lãnh đạo hệ thống chính trị, các cơ quan, lực lượng tham gia
đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết
35 của Bộ Chính trị khóa XII, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, Ban Tuyên giáo Trung ương là
lực lượng nòng cốt, cơ quan chủ trì phối hợp. Căn cứ vào tính chất, nội dung,
phương thức thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch phản động cũng như thế
mạnh của từng cơ quan, ngành mà Ban Tuyên giáo Trung ương chủ động tham mưu
phân công phối hợp để đấu tranh phản bác sát hợp với từng đối tượng. Chẳng hạn,
lâu nay Đài Truyền hình Việt Nam có chương trình “Đối diện” tham gia đấu tranh
phản bác tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ngoài những công trình khoa học, đã tổ chức thành công Cuộc thi viết chính
luận khoa học bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan
điểm sai trái thù địch trong tình hình mới (lần thứ nhất). Mấu chốt của
vấn đề là phải xác lập được cơ chế phối hợp đấu tranh phản bác tạo điều kiện
thuận lợi cho các chủ thể tích cực tham gia, phát huy sức mạnh tổng hợp
trong tình hình mới.
Thứ tư,
đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững vai trò lãnh
đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng.
Xây dựng,
chỉnh đốn Đảng là yêu cầu nội tại của Đảng ta hiện nay. Đây là nhiệm vụ cực kỳ
hệ trọng liên quan đến vận mệnh của Đảng, vận mệnh của chế độ XHCN. Đại hội
XIII nhận định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững
vàng,…; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”(5). Công
tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải coi trọng trên cả năm mặt nhưng trong đó tập
trung chỉnh đốn về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Bởi cán
bộ, đảng viên là "tế bào" cấu thành tổ chức đảng, góp phần nâng cao
năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trong bối cảnh mới hiện nay khi
các thế lực thù địch đang gia tăng chống phá Đảng, Nhà nước ta đòi hỏi mỗi cán
bộ, đảng viên phải kiên định nền tảng tư tưởng, đường lối chính trị, nguyên tắc
tổ chức của Đảng, gương mẫu nói đi đôi với làm, thanh liêm về nhân cách, hết
lòng tận tụy phục vụ nhân dân; xác định rõ trách nhiệm bổn phận của mình đối
với sự phát triển của Đảng, của dân tộc.
Ngoài việc
coi trọng tu dưỡng rèn luyện “tự soi” “tự sửa” của mỗi đảng viên, các tổ chức
đảng cần tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, thực hiện
tốt các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân
chủ, tự phê bình và phê bình... Cần thấy rằng, ý nghĩa to lớn của xây dựng,
chỉnh đốn Đảng sẽ làm cho Đảng luôn ở tầm cao của văn hóa, của “đạo đức, văn
minh” thì Đảng càng cầm quyền có hiệu quả, càng trường tồn vai trò lãnh đạo đối
với dân tộc. Mặt khác, là điều kiện để tăng “sức đề kháng” của Đảng trước những
hiện tượng phản văn hóa, xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù
địch phản động.
Thứ năm,
tập trung xây dựng GCCN Việt Nam có phẩm chất năng lực, trí tuệ, có khát vọng
cống hiến.
Cần nhận
thức sâu sắc rằng, GCCN Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, đại diện cho
phương thức sản xuất tiên tiến, là chủ thể của công cuộc đổi mới, tiên phong đi
đầu trong xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất
nước. Hơn 92 năm từ khi Đảng ra đời cho đến nay, vai trò lịch sử của GCCN Việt
Nam đã được lịch sử kiểm chứng và khẳng định là giai cấp lãnh đạo cách mạng.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn mang bản chất GCCN, chứ không thể mang bản chất của
giai cấp nào khác. Do đó, đầu tư để xây dựng GCCN là đầu tư cho sự phát triển
bền vững, đúng hướng, xứng tầm với vị thế của giai cấp tiên phong. Xuất từ vai
trò to lớn của GCCN Việt Nam, Đại hội XIII xác định mục tiêu “Xây dựng giai cấp
công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn
chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích
ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”(6). Bởi vậy, đặt ra
cho Đảng, Nhà nước phải tăng cường trí thức hóa GCCN; coi trọng giáo dục chính
trị, tư tưởng cho GCCN nhận rõ vai trò, sứ mệnh to lớn của mình. Tập trung
chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nhà ở, thu nhập và các vấn đề
an sinh xã hội cho GCCN để họ ổn định cuộc sống “an cư lạc nghiệp” tái sản xuất
sức lao động, chuyên tâm với vai trò, sứ mệnh lịch sử cao cả của mình.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét