Qua đó, đội ngũ hạt nhân văn nghệ, nhân viên nhà văn hóa các cấp trong quân chủng ngày càng chủ động tham mưu, tự tin tổ chức và tham gia hoạt động văn hóa, giúp nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội.

Tổ chức tập huấn sát thực tiễn

Lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa cơ sở cho các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân năm 2022 có 64 học viên. Một số học viên đã nhiều năm công tác ở nhà văn hóa các cấp, ít nhiều quen thuộc hoạt động văn hóa, thậm chí là hội viên hội nhạc sĩ của địa phương. Song cũng có học viên mới nhận nhiệm vụ tham mưu, tổ chức hoạt động văn hóa-văn nghệ ở nhà văn hóa cấp lữ đoàn, chưa có nhiều kinh nghiệm. Chính vì vậy, lựa chọn học viên, sắp xếp theo 3 nhóm: Báo chí tổng hợp, sân khấu và thanh nhạc, không phải là việc dễ.

Thượng tá Phạm Văn Giang, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Quân chủng Hải quân cho biết: “Trên cơ sở rà soát năng lực chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ nhân viên nhà văn hóa các cấp trong quân chủng, ban tổ chức đưa ra tiêu chí và sắp xếp học viên theo chuyên ngành cho phù hợp với công việc của các học viên sau khi trở về đơn vị. Phương châm sát thực tiễn và phù hợp với khả năng từng người, giúp học viên củng cố kiến thức, tiếp cận ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cho hoạt động văn hóa-nghệ thuật, trải nghiệm, thuần thục các kỹ năng để hoạt động hiệu quả hơn. Với đối tượng học viên là sĩ quan giữ chức vụ quản lý, tham gia lớp tập huấn giúp các đồng chí hiểu hơn công tác văn hóa-văn nghệ để làm tốt công tác chỉ huy, lãnh đạo, thẩm định chương trình văn hóa-nghệ thuật, sáng tác nghệ thuật...”.

Nâng tầm hạt nhân văn hóa cơ sở
       Học viên lớp tập huấn biểu diễn báo cáo tác phẩm thanh nhạc.

Hoàn thiện kiến thức, kỹ năng 

Diễn ra trong hai tháng, học viên đã được đào tạo ngắn hạn các kiến thức khỏa lấp những mảng còn thiếu, còn yếu. Chẳng hạn, với các học viên là nhân viên thư viện đã rất thành thạo kỹ năng nghiệp vụ quản lý sách, phục vụ bạn đọc; tuy nhiên với yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc, tuyên truyền văn hóa đọc cho bộ đội, tham gia các cuộc thi giới thiệu sách nên việc thành thạo kỹ năng viết kịch bản, quay, dựng video clip giới thiệu sách là cần thiết. Thiếu tá QNCN Đoàn Thị Minh Hường (nhân viên thư viện, Nhà Văn hóa Quân chủng Hải quân) cho biết: “Thông qua lớp bồi dưỡng ngắn hạn về báo chí tổng hợp, từ chỗ chưa biết gì về viết kịch bản truyền hình, diễn xuất trước ống kính, quay, dựng phim, tôi đã nắm được quy trình để xây dựng video clip giới thiệu, tuyên truyền sách; tự mình có thể thực hiện những video clip đơn giản”.

Thông qua buổi biểu diễn báo cáo kết quả, sản phẩm từ lớp tập huấn, ban tổ chức ghi nhận các học viên bước đầu đều có khả năng xây dựng chương trình giao lưu văn hóa-văn nghệ và biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật đáp ứng nhu cầu của bộ đội ở đơn vị cơ sở. Thành quả này có được phải nhắc đến công sức giảng dạy của đội ngũ giảng viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Bên cạnh cung cấp kiến thức, các giảng viên đã truyền cảm hứng, sự tự tin để đội ngũ làm công tác văn hóa của Quân chủng Hải quân mạnh dạn sáng tác và biểu diễn tác phẩm văn nghệ mà trước đây chưa từng nghĩ tới.

Khoản 1, điều 7 Thông tư số 138/2020/TT-BQP quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân Việt Nam, nêu rõ: Đơn vị đầu mối trực thuộc Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng tổ chức bồi dưỡng kỹ năng hoạt động văn hóa-văn nghệ 5 năm 2 lần. Vì vậy, trong thời gian tới, mong muốn đội ngũ hạt nhân văn nghệ và nhân viên nhà văn hóa các cấp tiếp tục tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn các chuyên ngành khác nhằm hoàn thiện kiến thức, kỹ năng để hoạt động văn hóa-văn nghệ có nhiều khởi sắc, giúp duy trì nền nếp hoạt động văn hóa, góp phần tuyên truyền, giáo dục bản lĩnh chính trị, xây dựng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ-người chiến sĩ Hải quân.

Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG HOÀNG

NGUỒN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN