QĐND - Âm mưu và sự chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình” suy cho cùng hòng làm cho tình hình chính trị ở Việt Nam mất ổn định. Đây là “bài học” mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã dành nhiều thời gian, công sức “nghiên cứu, đúc kết” từ những cuộc xung đột chính trị xảy ra ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới những năm gần đây. Tuy nhiên, trên thực tế, không cần phải mất quá nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích cũng đủ thấy: Sự bất ổn về chính trị xảy ra ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới thời gian qua, nguyên nhân sâu xa đều “khởi nguồn” từ việc tranh giành quyền lực chính trị; mâu thuẫn lợi ích giữa các đảng phái hoặc ngay nội bộ của đảng cầm quyền. Hậu quả việc bất ổn chính trị không chỉ là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia mà còn gây ra rất nhiều đau thương, bất hạnh cho nhân dân, thậm chí còn dẫn đến cảnh “huynh đệ tương tàn”. Ở những quốc gia, vùng lãnh thổ không giữ được sự ổn định về chính trị thì người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chính là nhân dân, những người lao động trong xã hội.

Đề cập đến vài nét khái quát như trên để thấy rõ những hậu quả nặng nề, tác hại ghê gớm do sự bất ổn về chính trị gây ra đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Nói như vậy để hiểu rõ hơn một điều là vì sao sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại hướng trọng tâm vào mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước Việt Nam, đối với xã hội Việt Nam. Chiêu thức nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiến hành là tập trung thực hiện các đòn chiến tranh tâm lý, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội và những vấn đề bức xúc trong đời sống nhân dân để lôi kéo, kích động gây ra sự bất ổn ở cơ sở. Chúng tác động vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của một bộ phận nhân dân, với nhiều chiêu bài, như “hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc khiếu kiện”; “hỗ trợ nhân đạo kèm theo những điều kiện bắt buộc như tham gia hội hè, tham gia tọa đàm, hội thảo...”; “kích động những người bất mãn với xã hội viết bài xuyên tạc, bôi nhọ cán bộ, công kích cấp ủy, chính quyền địa phương với mức trả thù lao rất cao”… Tóm lại, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tập trung lợi dụng việc nhận thức hạn chế của một bộ phận nhân dân; kích động, gây bức xúc, hoặc lợi dụng sự bức xúc trong đời sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; dùng các thủ đoạn tác động vào lợi ích trước mắt để mua chuộc lòng tham của con người, hòng đạt tới mục tiêu gây ra sự bất ổn về chính trị, gây sự hoài nghi về vị trí, vai trò, khả năng lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, từng bước hạ thấp vai trò của Đảng, phủ nhận lịch sử; tiến đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, từ đó làm thay đổi chế độ chính trị, nhằm tạo ra cơ hội chính trị và lợi ích cho chính bản thân họ mà không hề mang lại lợi ích gì dù là nhỏ nhất cho tuyệt đại bộ phận các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Đề cập đến vị trí, vai trò của sự ổn định chính trị đối với sự phát triển của đất nước, mới đây, khi trả lời báo chí nhân dịp dự Diễn đàn Phát triển châu Á lần thứ 5 được tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao đã đánh giá cao sự ổn định chính trị và ổn định về kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Ông cho rằng đó là điều kiện, là cơ sở vững chắc để Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tăng trưởng đồng đều. Từ những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế mà nền tảng bắt nguồn từ sự ổn định chính trị, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á hy vọng, Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm 2014; đồng thời khuyến khích đạt mục tiêu trở lại mức tăng trưởng 7-8% trong những năm tiếp theo.


Sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh-quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn Tây Nam Bộ. Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn.

Cũng đề cập đến vai trò, vị trí của sự ổn định chính trị đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam, trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, Tiến sĩ kinh tế người Pháp Philippe Delalande khẳng định: Sự ổn định chính trị là một trong những yếu tố không thể thiếu, góp phần giúp Việt Nam có thể kiên trì chính sách phát triển kinh tế. Nền chính trị ổn định tạo cho Việt Nam có được một nền hòa bình và thịnh vượng. Nếu nhìn sang một số quốc gia trong khu vực, dễ thấy rằng, trừ Xin-ga-po, thì từ năm 1990 trở lại đây, hầu hết các nước trong khu vực đều trải qua các cuộc đảo chính hay khủng hoảng chính trị. Trong khi đó, nền chính trị của Việt Nam luôn ổn định, đây là một đảm bảo cho sự gắn kết để thực hiện chính sách kinh tế nhất quán. Tiến sĩ Philippe Delalande cho rằng: Thành công của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam cũng là dựa trên sự ổn định chính trị.

Chúng ta không phủ nhận những hạn chế, yếu kém vẫn còn tồn tại hiện nay. Những hạn chế, yếu kém cả trong phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân; cả trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ đều đã được Đảng nhận rõ, thẳng thắn nêu lên. Nhận rõ những hạn chế, yếu kém trong đời sống xã hội, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể để sửa chữa, để khắc phục. Những trường hợp cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật ở mọi cấp đều được điều tra, xử lý kịp thời đúng người, đúng tội mà không có trường hợp ngoại lệ. Các vụ án kinh tế phức tạp được các cơ quan chức năng đưa ra xét xử công khai, được nhân dân đồng tình, ghi nhận. Những cán bộ thoái hóa, biến chất, sách nhiễu nhân dân, lợi dụng chức vụ vun vén lợi ích cá nhân đều được cấp ủy, chính quyền các cấp xem xét có hình thức kỷ luật thích đáng. Những chủ trương, giải pháp trên cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của cấp ủy, chính quyền các cấp; của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị trong việc loại bỏ, từng bước hạn chế những khuyết điểm, yếu kém gây ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của đời sống xã hội.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng việc giữ vững sự ổn định chính trị; thấy rõ những thành tựu và quyết tâm chính trị của Đảng trong xây dựng Đảng, làm trong sạch nội bộ, để từ đó từng cán bộ, đảng viên và mỗi người dân bình tĩnh, phân tích cặn kẽ, khách quan các sự việc, hiện tượng xảy ra trong đời sống xã hội để có cách giải quyết, xử lý phù hợp. Đảng Cộng sản Việt Nam không sợ khuyết điểm, đồng thời luôn khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tích cực đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí, tham nhũng. Vì vậy, trước từng vấn đề, từng sự việc cùng với việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh theo đúng pháp luật thì mỗi người trong xã hội phải đặt mục tiêu cao nhất là sự phát triển toàn diện của đất nước, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Nhìn lại lịch sử dân tộc cho thấy, trước những khó khăn, chính nhờ có sự đồng thuận của nhân dân “triệu người như một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã làm nên những kỳ tích có ý nghĩa thời đại. Truyền thống dân tộc, lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng là sức mạnh vô địch để dân tộc Việt Nam tiến lên phía trước. Điều này càng được khẳng định thông qua đánh giá về tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Chính phủ cũng như các tổ chức kinh tế quốc tế. Theo đánh giá của Chính phủ thì kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong năm 2014. Tính chung 9 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng kinh tế đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước; ước cả năm 2014 đạt khoảng 5,8%. Đánh giá trên của Chính phủ cũng đúng như nhận định được nêu ra trước đó trong báo cáo của ADB, IMF, World Bank. Theo các báo cáo này thì chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2014 vẫn được giữ nguyên ước đạt 5,8%; trong khi đối với nhiều quốc gia trên thế giới thì chỉ tiêu tăng trưởng đều phải hạ xuống so với dự kiến ban đầu. Vậy yếu tố nào để năm 2014, kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn mà cả thế giới đang tìm mọi biện pháp khắc phục nhằm đạt được chỉ tiêu? Đó là kết quả của quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế, điều hành nền kinh tế của Chính phủ. Nhưng nền tảng vững chắc nhất để Chính phủ thực hiện tốt việc đổi mới cơ cấu kinh tế, điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ... đó chính là sự ổn định chính trị. Đây là đánh giá của nhiều tổ chức chính trị, kinh tế có uy tín trên thế giới khi nghiên cứu về Việt Nam.

Ổn định chính trị, nền tảng để phát triển đất nước, chính là điều mà mỗi người trong chúng ta cần nhận thức một cách đầy đủ để có hành động đúng đắn, sáng suốt. Sự ổn định chính trị chỉ được xây dựng vững chắc trên nền tảng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Ổn định chính trị cũng chính là “phương thuốc” hữu hiệu nhằm tiêu diệt tận gốc những "vi-rút" xấu độc các thế lực thù địch, cơ hội chính trị gieo rắc thông qua chiêu bài “dân chủ”, "nhân quyền"... trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà chúng đang ráo riết thực hiện thời gian qua.