Trong khi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại tìm cách đưa ra những luận điệu sai trái, ngụy tạo để xuyên tạc, kích động chống phá.
Số tổ chức, đối tượng phản động, cơ hội chính trị đã tự gán cái
mác “học giả”, “nhà phản biện” hay nhân danh “những người Việt Nam yêu nước”,
“bảo vệ chủ quyền biển, đảo” để đả phá, cho rằng đường lối, chính sách của Đảng,
Nhà nước ta về biển, đảo hiện nay đã lỗi thời, không còn phù hợp, từ đó đả kích
rằng Việt Nam nếu tiếp tục giữ lập trường như hiện nay “sẽ không giữ được chủ
quyền biển, đảo”.
Các thủ đoạn lợi dụng
vấn đề chủ quyền biển, đảo để chống phá
Những năm qua, tại Biển Đông xảy ra một số vụ việc phức tạp, có
lúc diễn biến căng thẳng, trong đó có các hành động gây hấn, xâm phạm chủ quyền
biển đảo như: Vụ việc tàu Viking 02 và tàu Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp
năm 2011 và 2012; vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền
biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông năm 2014; sự kiện tàu Hải Dương 8 của
Trung Quốc khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía
Nam Biển Đông của Việt Nam (từ ngày 4/7/2019 đến ngày 24/10/2019); các hoạt
động tập trận trên Biển Đông tại một số thời điểm…
Những sự việc này được các tổ chức, đối tượng phản động triệt để
khai thác, nhào nặn, biến tấu thành những luận điệu xảo trá, vu cáo như “Việt
Nam nhu nhược, hèn nhát”, “chính quyền Việt Nam làm ngơ về Biển Đông”… Không
những thế, các thế lực xấu còn vẽ ra “thuyết âm mưu” khi cho rằng Việt Nam cần
phải liên minh quân sự với những nước lớn có thực lực kinh tế, quốc phòng - an
ninh mạnh thì mới đủ sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Đặc biệt, thông qua chiến lược xoay trục, đổi chiều sang châu Á
- Thái Bình Dương của Mỹ, việc Mỹ tăng cường hợp tác với các nước trong khối
ASEAN, trong đó có Việt Nam, nhằm nâng tầm ảnh hưởng đối với khu vực Biển Đông
cũng như duy trì thế cân bằng quyền lực của Mỹ tại vùng biển này… cũng trở
thành chủ đề mà các thế lực thù địch vin vào để đả phá, công kích.
Nhiều bài viết phê phán rằng, Việt Nam thực hiện chính sách quốc
phòng “bốn không” là “tự trói mình” vì tiềm lực kinh tế, quốc phòng - an ninh
Việt Nam hiện nay là quá yếu, không thể ba không, bốn không mà xoay xở được; từ
đó họ vẽ ra một viễn cảnh cần phải liên minh với Mỹ thì Việt Nam mới giữ được
chủ quyền biển, đảo và bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc…
Các tổ chức, đối tượng phản động lợi dụng những diễn biến phức
tạp tại Biển Đông cũng như đường lối đối ngoại, hướng giải quyết các vụ việc
của Việt Nam để tìm cách chế nhạo, tái diễn nhiều chiêu trò, luận điệu xuyên
tạc, suy diễn, xem đó là “ngòi nổ” để phá hoại sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển,
đảo Tổ quốc. Đồng thời đưa ra các bài viết lấy danh nghĩa “phân tích khoa học”
để nhằm kích động việc “chọn phe” trong các quan hệ đối ngoại của Việt Nam, cổ
súy tư tưởng bài trừ nước này, theo nước kia; cho rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước
cần phải vì phe này, phe kia để chủ quyền biển, đảo không bị xâm lấn…
Một số bài viết lợi dụng vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo để quy
kết rằng, khi đất nước chỉ có một đảng thì không đủ sức mạnh để bảo vệ chủ
quyền lãnh thổ, từ đó hướng lái tư tưởng đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối
lập.
Mặt khác, qua thực hiện chính sách phát triển kinh tế biển gắn
với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng, Nhà nước, trong đó có việc hỗ trợ ngư
dân bám biển, nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng bằng lối tư duy thù địch,
chống phá, số đối tượng phản động lại đưa ra những lời lẽ hết sức vô lý, cho
rằng “chỉ có ngư dân bảo vệ biển, không thấy chính quyền đâu”; vu cáo chính
quyền “chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, không lo bảo vệ biển, đảo, không lo
cho dân”.
Họ vin vào tình hình ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản ở vùng
biển của quốc gia khác, bị lực lượng bảo vệ pháp luật của các nước bắt giữ, xử
lý để gieo rắc luận điệu “ngư dân bị bỏ rơi”! Một số bài viết lợi dụng tình
hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển diễn biến phức tạp; việc các tàu
công vụ của nước ngoài tiếp tục có hành vi xua đuổi, khống chế, thu giữ hải sản
và ngư cụ của các tàu cá Việt Nam đang hoạt động bình thường ở ngoài khơi Biển
Đông để đưa ra đánh giá phiến diện “lực lượng chuyên tránh thực thi pháp luật
trên biển làm ngơ, không hoàn thành nhiệm vụ”.
Các đối tượng còn tiến hành phỏng vấn số chống đối, bất mãn gắn
với cái mác là các “chuyên gia”, “nhà hoạch định” để đưa ra những so sánh khập
khiễng, đánh giá sai lệch về năng lực, khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo của
lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, kích động việc “sử dụng vũ lực” của lực
lượng vũ trang trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; họ cho rằng trước những hành
động gây hấn, xâm chiếm biển, đảo Tổ quốc, nếu không nổ súng là “nhu nhược, hèn
nhát”!
Nguy hiểm hơn, các thế lực bên ngoài chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí
hoạt động; các đối tượng trong nước tích cực tập hợp lực lượng, thu thập tin
tức để cung cấp cho bên ngoài tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc về tình hình
Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Lợi dụng vấn đề chủ quyền biển, đảo, các đối tượng chống phá
thông qua các tài khoản mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc chống
phá từ bên ngoài, tạo dựng lực lượng chống đối từ bên trong theo kiểu “nội
công, ngoại kích” hòng gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã
hội, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với nước ta.
Nhận thức rõ về đường
lối, chính sách bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam
Biển, đảo là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, cấu
thành chủ quyền quốc gia, cửa ngõ giao lưu quốc tế, có vị trí đặc biệt quan
trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Bảo vệ biển, đảo
chính là bảo vệ một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững chủ quyền
biển, đảo sẽ góp phần giữ vững chủ quyền của đất nước. Bảo vệ vững chắc chủ
quyền biển, đảo của Việt Nam là điều kiện, nội dung giữ vững độc lập dân tộc,
chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định và phát
triển bền vững.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kiên quyết, kiên trì
đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ,
biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất
nước”.
Đây là quan điểm, chủ trương thể hiện định hướng chiến lược để
toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả
nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo của Tổ quốc. Chúng ta xác
định, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, do đó cần kiên
trì hợp tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, bảo vệ lợi
ích chính đáng của Việt Nam, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các
nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thực tế cho thấy, mỗi khi chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia
của Việt Nam trên Biển Đông bị xâm phạm, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn thể
hiện tinh thần đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng các biện pháp hòa bình, đó
là thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ trong các lĩnh vực chính trị, ngoại
giao...
Điều này đã được nêu rõ trong các nghị quyết của Đảng và được
chứng minh qua việc giải quyết vấn đề Biển Đông của Việt Nam, với tinh thần
thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp
quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); kiềm chế,
không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và hiệu quả
Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử
tại Biển Đông (COC).
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động, tích cực giải
quyết từng bước những tồn tại về biên giới lãnh thổ trên biển và đất liền với
các nước liên quan nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác, góp phần củng cố
hoà bình, an ninh khu vực, đồng thời tăng cường thế và lực của đất nước thực
hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam đã ký
nhiều văn bản với các nước liên quan đến biển, đảo.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp
luật quốc gia về biển, tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động khai thác, quản
lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc
về Luật Biển 1982, phục vụ nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, thúc đẩy quan
hệ kinh tế của Việt Nam với các nước, nâng tầm vị thế của nước ta trên trường
quốc tế.
Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên
kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự
hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực
hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự
vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng
biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa,
đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ
xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.
Chúng ta không đi với nước này để chống lại nước kia; không thụ
động chịu tác động hay sự lôi kéo của bất cứ nước lớn nào, nhất là tránh việc
trở thành con bài trong tay các nước lớn. Chúng ta thực hiện đối ngoại, hợp tác
quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển.
Do đó, cần nhận diện, đấu tranh với những chiêu trò suy diễn,
phê phán đường lối đối ngoại, đường lối bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc,
đòi hỏi phải “chọn phe” để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tùy theo diễn biến của
tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các
mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn
trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, cũng như
các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích
chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Chúng ta quán triệt phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”
trong giải quyết vấn đề biển, đảo, trong đó chủ quyền biển, đảo là bất biến,
sách lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo thì mềm dẻo, linh hoạt; chủ động ứng phó
với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, sự biến động phức tạp của tình
hình…
Những quan điểm trên chính là căn cứ chính trị, pháp lý quan
trọng để chúng ta cần kiên trì, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, xuyên tạc vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Mục đích của việc đấu
tranh này là làm cho nhân dân Việt Nam hiểu rõ về lập trường, quan điểm của
Đảng và Nhà nước ta về vấn đề chủ quyền biển, đảo; củng cố niềm tin của nhân
dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo
hiện nay; góp phần làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ về chủ quyền biển, đảo của
Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét