Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

ĐÔI LỜI GỬI VỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM THÚY!

         Sáng 22.5, trong phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã báo cáo và bàn thảo về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với môn lịch sử cấp THPT. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu: “Sửa môn lịch sử thành bắt buộc không đơn giản như gõ bàn phím, thay từ “lựa chọn” thành “bắt buộc” là xong”. Việc giảm môn học nào, đưa môn học nào bắt buộc, môn học nào lựa chọn thì Quốc hội không can thiệp mà để Bộ GD-ĐT xây dựng. Nói lựa chọn là trao quyền cho người học, nếu chúng ta lấy ý kiến các cơ quan, các chuyên gia nhưng chúng ta đã lấy ý kiến của người học chưa? Còn nếu là bắt buộc thì đây là thẩm quyền của Bộ GD-ĐT”. Xin có đôi lời gửi bà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) như sau:

Thứ nhất, xin thưa với bà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) rằng, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình năm học mới 2022-2023, trong đó môn lịch sử chương trình THPT là môn tự chọn; nhân dân trong cả nước lên tiếng phản đối mạnh mẽ và Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đã vào cuộc với tinh thần tiếp thu ý kiến của nhân dân. Từ đó Ủy ban Văn hóa Giáo dục tiến hành các bước lấy ý kiến các chuyên gia và kết luận, lịch sử là môn bắt buộc. Xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng và ý nguyện của nhân dân Việt Nam, vậy nên các vị Đại biểu Quốc hội đã lắng nghe và rất có trách nhiệm với nước, với dân. Lịch sử là xương sống, là trụ cột của mỗi quốc gia, dù phải thay đổi chương trình theo hướng tích cực nhất, phù hợp nhất thì cũng cần phải làm, nên làm và phải làm cho bằng được. Vậy nên phát biểu của bà: “Sửa môn lịch sử thành bắt buộc không đơn giản như gõ bàn phím, thay từ “lựa chọn” thành “bắt buộc” là xong” là lối áp đặt, kẻ cả, coi thường ý kiến của nhân dân, không xứng tầm của một vị Đại biểu Quốc hội.

Thứ hai, bà phát biểu rằng: “Việc giảm môn học nào, đưa môn học nào bắt buộc, môn học nào lựa chọn thì Quốc hội không can thiệp mà để Bộ GD-ĐT xây dựng”. Bà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) không lý nào lại không hiểu chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo có chức năng tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo chứ không thể tự mình quyết định những vấn đề hệ trọng mang tầm quốc gia. Trên cơ sở tham mưu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ quyết định hoặc trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Bà là Đại biểu Quốc hội, do nhân dân bầu ra để phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân mà lại phát biểu kiểu “phát ngôn viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, là không ổn. Nếu bộ Giáo dục và Đào tạo có thẩm quyền với vai trò vừa soạn thảo, vừa tự mình quyết định “quốc sách”, vừa đá bóng vừa thổi còi như bà nói, vậy sinh ra Chính phủ và Quốc hội để làm gì? Đồng ý là việc xây dựng chương trình là do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, nhưng suy cho cùng thì đó cũng chỉ là công tác tham mưu. Bà Kim Thúy cho rằng “Quốc hội không can thiệp” là không đúng, không trúng. Nếu nói kiểu như bà Kim Thúy thì việc Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội vào cuộc (trong đó Bà Kim Thúy tham gia) là trái quy định của pháp luật? Nhân dân Việt Nam tham gia ý kiến để xây dựng đất nước, phản đối để lịch sử là môn tự chọn là sai, là “gõ bàn phím”? Trách nhiệm của một vị Đại biểu của nhân dân nằm ở đâu trong các phát ngôn của bà, thưa bà Nguyễn Thị Kim Thúy?

Thứ ba, bà phát biểu: “Nói lựa chọn là trao quyền cho người học, nếu chúng ta lấy ý kiến các cơ quan, các chuyên gia nhưng chúng ta đã lấy ý kiến của người học chưa?”. Tôi thất sự bất ngờ xen lẫn với thất vọng khủng khiếp trước phát ngôn của bà Nguyễn Thị Kim Thúy. Các em, các cháu đang bước vào độ tuổi thành niên, suy nghĩ, tư duy và nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của lịch sử có ý nghĩa sống còn đối với một quốc gia, dân tộc chưa đầy đủ. Tâm lý ngại học lịch sử luôn hiển hiện trong đâu của đa số các cháu. Vậy nếu lấy ý kiến các cháu về chương trình dạy môn lịch sử ở bậc THPT thì liệu có mấy em đăng ký, lựa chọn. Chính vì lẽ đó nên mới cần ý kiến của các chuyên gia, của những người có trách nhiệm như bà để định hướng cho các em, các cháu. Lấy ý kiến của học sinh, vậy có khác nào họ nhà tôm lộn ngược lên đầu? Làm thế có khác nào đẽo cày giữa đường, khác nào vận dụng quy trình ngược khi tiếp cận vấn đề? Quan ngại hết sức sâu sắc về lối tư duy của bà Nguyễn Thị Kim Thúy.

Lịch sử là sợi dây kết nối tiếng vọng của ngàn xưa với hơi thở của thời đại, là biểu hiện đặc trưng riêng của Việt Nam, khác biệt so với các nước trên thế giới, điều đó hình thành nên bản sắc riêng của đất nước và con người Việt Nam. Xem nhẹ lịch sử là khởi nguồn của thất bại, loạn ly và mất gốc tích. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy cần tìm hiểu để biết vì sao khi xâm lược Việt Nam, các thế lực xâm lược luôn tìm cách xóa bỏ lịch sử hào hùng của dân tộc. Cuộc xâm lược Đại Việt của nhà Minh của Minh Thành Tổ Chu Đệ là ví dụ điển hình, hay gần nhất là thực dân Pháp với chiêu bài ngu dân để trị. Bài học Liên Xô với Yakovlev cũng là bài học máu xương để chúng ta cảnh tỉnh. Chúng tôi không đồng tình với phát biểu của bà Nguyễn Thị Kim Thúy./.

Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét