Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2022

QUÝ BỘ TRẢ LỜI CHO NHÂN DÂN ĐƯỢC RÕ!

         Hôm nay đọc các thông tin trên báo chí, tự nhiên tôi cảm thấy rất buồn vì có người có trách nhiệm hiểu sai ý tôi và của nhiều cử tri Việt Nam về câu chuyện đang là thời sự nóng hổi trong nước đó là “Bộ Giáo dục đào tạo đã đưa môn sử thành môn tự chọn ở cấp học Phổ thông trung học".
   Ngay trong Thư ngõ của tôi gởi quý lãnh đạo của Bộ GDĐT tôi cũng đã dự lường vấn đề này nên đã viết “Tôi xin quý đồng chí đừng vội giải thích rằng chúng tôi không bỏ...” như vậy thưa cùng các đồng chí chúng tôi biết: văn bản giấy trắng mực đen Bộ GDĐT không bỏ mà chỉ chủ trương cho học sinh THPT có quyền tự chọn học hay không học môn sử “ và như vây sao chúng tôi khẳng định là bỏ.
   Song sự thật thì như thế nào? Theo công bố của quý Bộ trong Chương trình giáo dục mới: Từ lớp 1-3 môn lịch sử được tích hợp vào các môn khoa học xã hội và nhân văn (điều mà chúng tôi không biết cách tích hợp thế nào để có nội dung lịch sử cơ bản?); từ lớp 4-9 môn lịch sử được tích hợp vào với môn địa lý gọi là môn LỊCH SỬ và ĐỊA LÝ; từ lớp 9-12 môn lịch sử là môn độc lập nhưng lại là môn để học sinh tự chọn và được thực hiện từ năm học niên khoá 2022 - 2023 trở đi cho lớp 10, mà đã môn tự chọn với điều kiện từ lớp 1-9 không có môn sử riêng để học thì lấy đâu kiến thức để nói là học sinh sẽ nắm được những nội dung cơ bản, đầy đủ về lịch sử Việt Nam... cùng với việc biên soạn sách giáo khoa vô cùng rối rắm, có những nội dung sai sự thật lịch sử, làm cho người dạy không thể thực sự là người truyền ngọn lửa yêu nước cho thế hệ trẻ thì làm sao có chất lượng học tập lịch sử cho người học. Với kết quả như vậy sẽ có bao nhiêu % học sinh PTTH sẽ chọn môn sử để học, chắc chắn là rất thấp, vậy khác nào Bộ đã bỏ môn LỊCH SỬ, chí ít là bỏ môn lịch sử cho việc dạy số đông học sinh?
Vậy xin thưa quý đồng chí, để làm rõ, tôi xin nhắc lại lịch sử có liên quan vấn đề này: Cách đây hơn 7 năm vào ngày 27/11/2015 Quốc hội khoá XIII kỳ họp thứ 10, đã phải giành một thời gian quý báu của mình để thảo luận và ra một Nghị quyết rất quan trọng với 90,69% (trên tổng số 92,31% số đại biểu dự họp) đại biểu tán thành với nhiều nội dung, trong đó có nội dung “Tiếp tục giữ môn lịch sử trong Chương trình sách giáo khoa mới“, vậy vì sao QH phải đưa vấn đề này vào Nghị quyết của QH, bởi vì trong quá trình triển khai xây dựng Chương trình Giáo dục mới, Bộ GDĐT chủ trương bỏ môn lịch sử trong xây dựng Chương trình mà tích hợp môn lịch sử vào các môn học khác với tên gọi CÔNG DÂN và TỔ QUỐC (riêng cá nhân tôi nghĩ trên thế giới chẳng có nước nào có cái môn học khác lạ này) và đã bị dư luận xã hội phản ứng, dẫn đến hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân cả nước lo lắng và yêu cầu QH phải thể hiện trách nhiệm của mình không cho phép bỏ môn lịch sử trong Chương trình giáo dục của nước nhà. Do đó QH phải ra NQ không được bỏ môn lịch sử trong Chương trình mới.
Một câu hỏi đặt ra: Vì sao Bộ GDĐT lại cứ tìm cách bỏ hay hạ thấp vai trò giáo dục Lịch sử trong thế hệ trẻ nước nhà? Vì sao lại làm trái NQ của QH, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta? Và bất cứ dân tộc nào cũng thừa hiểu Lịch sử là cội nguồn Văn hoá, Văn hoá là sức mạnh nội sinh của dân tộc “Văn hoá còn, Dân tộc còn“, giáo dục lịch sử là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mọi người, mọi nhà, trong đó Bộ GDĐT là lực lượng chủ công quyết định chất lượng giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ Việt Nam, vậy vì sao Bộ lại tìm cách hạ thấp trách nhiệm của mình? Nhìn ra các nước thử hỏi có bao nhiêu nước xem thường việc giáo dục lịch sử như ở nước ta? Và với NQ của QH như vậy sao hai cấp học Tiểu học và THCS Bộ đã bỏ môn LS? Còn sang PTTH Bộ để lại môn LS, phải chăng là cách đánh lừa QH và Nhân dân ta rằng Bộ vẫn giữ môn lịch sử độc lập chỉ có điều nó là một môn tự chọn, học cũng được, không học cũng không sao và thực tiễn trong nhiều năm qua môn sử là môn ít học sinh quan tâm nhất! 
Bộ có biết không cái mà Bộ nói nắm vững cơ bản và đầy đủ đó đã để lại sự kém hiểu biết nhất về lịch sử nước nhà trong cả học sinh Phổ thông và cả sinh viên Đại học. Chính phủ hãy thử làm một cuộc điều tra thực sự khách quan và công khai cho toàn dân biết sẽ thấy hậu quả như thế nào? bài học mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm không lẽ Bộ GDĐT không nghiên cứu.
Là những người dân yêu nước, quan tâm đến vận mệnh dân tộc, lo lắng cho sự an nguy của đất nước, nhìn sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, nhìn âm mưu đổi trắng thay đen lịch sử của CNĐQ, nhìn bài học tấn công vào lịch sử của Ucraina, của LiBi... mà hậu quả là LX , ĐÂ, LB sụp đổ, Ucraina đang đẩy cả đất nước vào thảm họa tang thương. Trong nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân hạ thấp và xem thường giáo dục lịch sử để rồi Chủ nghĩa xét lại lịch sử đảo ngược sự thật, đầu độc lịch sử để lật đổ chế độ. Đảng ta và Nhân dân ta chắc chắn không thể để cho điều đó xảy ra. 
Thế nhưng với cách lý giải xem thường nhận thức của người dân lại không tự nhìn lại cách làm của mình mà nghiêm túc tự bạch như vậy lại càng đặt ra bao điều suy nghĩ cho nhân dân yêu nước: phải chăng Bộ đã và đang vô tình hay cố ý thực hiện một thuyết âm mưu nào đó, nhằm mục tiêu như các thế lực thù địch nước ta mong muốn là làm mù sử để đảo ngược lịch sử nước nhà. Câu hỏi này mong quý Bộ trả lời cho Nhân dân được rõ./.
Bài và ảnh: Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn TCCT, QĐNDVN.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét