Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

Tài sản tham nhũng chắc chắn sẽ bị thu hồi

 

Trước đây, tài sản tham nhũng là tài sản của người tham nhũng, nếu chuyển cho người khác thì rất khó thu hồi. Nhưng bây giờ, tài sản tham nhũng là tài sản có nguồn gốc tham nhũng. Nếu chứng minh được quá trình hình thành tài sản đó do nguồn gốc tham nhũng, dù mang tên người khác vẫn có thể thu hồi. Đó là một sự thay đổi rất quan trọng. Trước đây có chuyện “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, chết là hết, còn bây giờ không có chuyện đó. Việc áp dụng biện pháp cứng rắn với một tập đoàn lớn, có tầm ảnh hưởng quan trọng lên kinh tế quốc gia cũng chính là lời tuyên bố: Pháp luật không khoan nhượng với bất kỳ cá nhân, đoàn thể nào. Đây chính là lời cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ nhất cho tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ trên cả nước.

 

Gần đây, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu…) đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Quyết), bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) và bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết). Ngoài ra, công an cũng đề nghị tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp,…) đối với tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu…) của ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân nêu trên. Động thái kiểm soát và phong toả tài sản của các bị cáo trên là một nước đi rất kịp thời của Bộ Công an nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền và tẩu tán tài sản. Trước đây, việc bắt giữ và xét xử có diễn ra thì tài sản thu hồi cũng khó hoặc là không đủ.

 

Không những là ông Trịnh Văn Quyết mà tất cả những doanh nhân, tỷ phú hay tập đoàn nào cũng vậy. Bất kể có hành vi trái phạm luật, sở hữu tài sản bất hợp pháp đều sẽ bị xử lý nghiêm minh. Về tài sản bất minh, nếu đầu vào quản lý chặt, tài sản thò ra, thụt vào đều biết hết. Phần tài sản tăng lên đáng kể đó, bị can phải chứng minh được, nếu không sẽ bị quy vào tài sản bất minh, hay buôn lậu, trốn thuế.

 

Việt Nam luôn coi việc thượng tôn pháp luật là yếu tố hàng đầu để xây dựng đất nước vững mạnh, để làm được điều đó thì không những đất nước phải ra sức bảo vệ, củng cố pháp luật mà người dân còn phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Bất kỳ một hành vi nào làm tổn hại đến tính công minh của pháp luật và quyền lợi của người dân đều sẽ bị trừng trị thích đáng, không khoan nhượng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét