Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Thực hành dân chủ trong Đảng

Thực hành dân chủ trong Đảng

Thực hành dân chủ trong Đảng là tiến trình thực hiện những quy định, nguyên tắc… của Đảng nhằm bảo đảm quyền của đảng viên một cách thường xuyên, liên tục; trở thành chế độ, nền nếp trong mọi sinh hoạt và hoạt động của Đảng, hướng đến và bảo đảm sự tập trung, thống nhất, tạo sự đoàn kết, nhất trí, tăng cường năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng.

Vì quan niệm dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ, cho nên dân chủ trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất cũng là quyền làm chủ của mỗi đảng viên trong mọi hoạt động của Đảng, là sự bình đẳng của tất cả đảng viên trước Điều lệ, các nghị quyết và các quy định của Đảng. Nếu dân chủ là “của quý báu nhất của nhân dân” thì dân chủ trong Đảng cũng là “của quý báu nhất” của Đảng; thực hành dân chủ trong Đảng cũng là “cái chìa khóa vạn năng” giúp Đảng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị vẻ vang. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở rộng thực hành dân chủ trong Đảng là điều cần thiết, bởi lẽ đảng viên của Đảng phải làm việc, lãnh đạo theo phong cách dân chủ, tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ thì mới xây dựng được nước ta là nước dân chủ, chế độ dân chủ, Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Theo đó, Đảng “phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; phải gom góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị Đại hội Đảng cho thật tốt” (1). Ngược lại, sự mất dân chủ trong Đảng sẽ dẫn đến tình trạng mất đoàn kết và làm nảy sinh các thói xấu, rất nguy hại như “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, “thậm thà thậm thụt”(2).

Người nhấn mạnh, Đảng ta phải được tổ chức một cách dân chủ. Điều đó có nghĩa là, tất cả mọi công việc của Đảng đều được toàn thể các đảng viên tham gia, hoàn toàn bình quyền và không có ngoại lệ nào, tiến hành trực tiếp hoặc thông qua các đại biểu; đồng thời, tất cả những người có trách nhiệm trong Đảng, tất cả các ban lãnh đạo và các cơ quan của Đảng đều được bầu ra, đều có trách nhiệm phải báo cáo và có thể bị bãi miễn nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề mấu chốt của thực hành dân chủ trong Đảng chính là phải thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, còn được gọi là “dân chủ tập trung”. Dân chủ tập trung không chỉ là nguyên tắc lãnh đạo, mà còn là chế độ lãnh đạo của đảng cầm quyền. “Tập thể lãnh đạo là dân chủ”, “cá nhân phụ trách là tập trung” và “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung”. Khẳng định vai trò quan trọng của nguyên tắc dân chủ tập trung đối với thực hành dân chủ trong Đảng, Người chỉ rõ: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc.

Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc.

Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau” (3). Như vậy, trong điều kiện một đảng cầm quyền thì tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách vừa là nguyên tắc lãnh đạo, vừa là biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời, sức mạnh của Đảng được tạo dựng bởi đội ngũ cán bộ, nên muốn mở rộng dân chủ trong Đảng thì công tác cán bộ phải thực sự dân chủ, công tâm, minh bạch. 

Người nhấn mạnh, thực hành dân chủ là cơ sở để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Thực hành dân chủ trong Đảng, từ Trung ương đến cơ sở, là nền tảng vững chắc để xây dựng một Đảng đoàn kết, thống nhất, trở thành hạt nhân, động lực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì vậy, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn và yêu cầu “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi”. 

Thấm nhuần những lời căn dặn của Người, Đảng ta chủ trương tăng cường thực hiện dân chủ trong mọi sinh hoạt của Đảng, coi đây là cơ sở quan trọng để tạo dựng và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo nên sức mạnh của Đảng. Đảng chủ trương nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy và chi bộ; tạo điều kiện để mọi đảng viên, dù ở cương vị nào cũng được bình đẳng thực hiện quyền và trách nhiệm của mình, được tham gia quyết định công việc của Đảng, được chất vấn, tự phê bình và phê bình trong phạm vi tổ chức về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp; trong đó, có quyền được thông tin, thảo luận, nêu ý kiến riêng, được bảo lưu ý kiến và trình bày ý kiến trong tổ chức đảng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét