Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội

 Khi tham gia mạng xã hội, chúng ta có điều kiện giao lưu, kết bạn, chia sẻ nhanh và rộng rãi hơn quan điểm cá nhân đối với các vấn đề xã hội mà mình quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà mạng xã hội mang lại, vẫn còn những hạn chế, rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến lợi ích người dùng, đặc biệt là tình trạng nhiễu loạn thông tin, gây mất định hướng tư tưởng, nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, tổ chức.

Trên cơ sở phân loại những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, chúng ta rất dễ nhận thấy hiện đang tồn tại hai hình thức chính:

Thứ nhất, nhiều kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội lập ra các tài khoản facebook để thu thập, nhào nặn, trộn lẫn thông tin thật, giả; cắt ghép hình ảnh, tán phát nhằm thu hút, lợi dụng sự hiếu kỳ của người đọc, nhất là thanh thiếu niên để lừa đảo, trục lợi và đôi khi còn để thỏa mãn những mong muốn ảo tưởng tầm thường... gây ra hậu quả khó lường. Đó là chưa kể đến mặt tiêu cực, số đông người sử dụng tuy không có nhiều thông tin, chưa tìm hiểu sự việc nhưng lại thừa quan điểm và thường xuyên quan tâm, bày tỏ quan điểm hoặc chính kiến của mình trên mạng xã hội.

Thứ hai, trên mạng xã hội đang xuất hiện những thông tin sai trái, độc hại có tính chất chính trị như: chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam hòng phủ định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, phủ nhận thành tựu, đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc lịch sử dân tộc; xuyên tạc thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vu cáo, bôi nhọ, giả mạo lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Thậm chí nhiều đối tượng còn đưa thông tin kích động xu hướng ly khai, phá hoại sự thống nhất quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tổ chức các hoạt động bạo lực phá hoại dưới cái mác “ôn hòa”, “bất bạo động”; truyền bá lối sống ích kỷ vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực và thù hận đối với cá nhân và tổ chức; phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền, áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống phương Tây.

Đáng lo ngại là những tin bài chống phá trên mạng xã hội có nội dung đa dạng trên tất cả các lĩnh vực; thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc tinh vi, xảo quyệt… đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, hành vi của một bộ phận, nhất là các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ, thậm chí cả người dân bình thường nhưng có lập trường tư tưởng không kiên định. Điều này dễ kiểm chứng nhất khi vừa qua, thông qua mạng xã hội, chúng tổ chức lôi kéo nhiều người tụ tập, kích động bạo lực ở một số địa phương. Hậu quả là nhiều người chỉ thấy được bộ mặt của kẻ xấu khi các cơ quan chức năng đấu tranh, làm rõ thì đã muộn. 

 Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt. Chúng lợi dụng các trang mạng lớn trên thế giới như GoogleFacebook, kênh Youtube làm công cụ, sử dụng và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên rộng khắp để xuyên tạc, chống phá ta; tận dụng tối đa những ý kiến, đánh giá, nhận xét của các cá nhân, tổ chức có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước, tạo dựng các trang web, các tài khoản cá nhân trên mạng nói chung, Facebook nói riêng để “chia sẻ”, phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt.

Những thủ đoạn tán phát thông tin xấu, độc bao gồm: sử dụng điện thoại smartphone, máy tính bảng… để quay phim, chụp ảnh, truyền tải video, hình ảnh livestream từ thực địa, tác động nhanh chóng và trực tiếp tới những người tham gia mạng xã hội, tạo hiệu ứng lan truyền rộng khắp; giả mạo các hình ảnh, video hoặc sử dụng các thông tin cũ có hiệu ứng kích động cao đối với cộng đồng mạng để xuyên tạc, lôi kéo người dân; giả mạo lực lượng chức năng (quân đội, công an) trà trộn vào lực lượng tham gia biểu tình hoặc có những hành vi phản cảm để quay phim, chụp ảnh phát tán lên mạng internet, mạng xã hội; huy động một số lượng lớn các tài khoản mạng xã hội (chủ yếu là các tài khoản ảo) gắn các biểu ngữ phản đối Đảng, Nhà nước để tạo ra hiệu ứng đám đông, từ đó người dùng mạng xã hội thường xuyên nhìn thấy các biểu ngữ phản đối hoặc những người không có lập trường tư tưởng vững vàng sẽ bị tác động thay đổi tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực. Đặc biệt, có nhiều tài khoản được thế lực thù địch mạo danh các nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng đến cộng đồng để phát huy tối đa khả năng lan truyền thông tin gây hoang mang trong quần chúng, kích động người dân tụ tập biểu tình ngoài thực địa và có hành vi vi phạm pháp luật.

Xu hướng tán phát thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội trong thời gian tới sẽ tập trung chủ yếu vào những vấn đề sau: dựa trên những vấn đề phức tạp, mới nảy sinh, những yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là sự gia tăng nhanh chóng số lượng người sử dụng internet, mạng xã hội, các diễn biến theo chiều hướng phức tạp trong khu vực và Biển Đông; lợi dụng những biểu hiện mới xuất hiện trên thế giới, như khuynh hướng chống toàn cầu hóa để xuyên tạc, cản trở đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, kích động, cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan; khuyến khích xây dựng “Xã hội dân sự” ở Việt Nam, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền và hàng loạt vấn đề cốt lõi trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị để chống phá. Hướng nội dung tác động đến các đối tượng như: công nhân trong vấn đề cho phép hình thành tổ chức công đoàn độc lập; nông dân trong việc triển khai chủ trương tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cánh đồng mẫu lớn; văn nghệ sĩ, trí thức trong việc hình thành các hội nhóm đối lập dưới danh nghĩa phản biện xã hội… Bên cạnh đó, chúng còn tập trung lựa chọn những nhân tố “điển hình”, “sám hối”, “trở cờ”, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ làm “ngọn cờ” để tập hợp lực lượng chống đối từ bên trong, coi đây là nguồn tán phát trực tiếp thông tin xấu, độc. 

Xét về bản chất, những tài khoản, trang mạng xã hội không có chức năng thông tin như các cơ quan báo chí chính thống của Đảng, Nhà nước. Do vậy, mỗi người sử dụng mạng xã hội cần có bản lĩnh vững vàng, hết sức tỉnh táo khi xem, đọc những thông tin trên mạng xã hội để tự bảo vệ mình trước những thông tin sai trái, tiêu cực; nâng cao ý thức cảnh giác, sàng lọc thông tin trước khi tiếp cận, nghiên cứu, sử dụng. Bên cạnh vấn đề tự thân, việc quản lý và hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội, trong đó có việc ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu độc, tin giả, tin thất thiệt, tin xúc phạm danh dự tổ chức cá nhân, vi phạm các quy định khác của pháp luật của các cơ quan chức năng cũng cần được đẩy mạnh. Đồng thời, để định hướng kịp thời dư luận xã hội bằng những thông tin chính thống, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp, các tổ chức đoàn thể phải luôn chủ động, nhanh nhạy, linh hoạt trong công tác quản lý con người; phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của “Lực lượng 47”; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, để mỗi cá nhân biết cách lựa chọn và tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội phù hợp./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét