Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022
Việt Nam đang trở thành một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á
Chuyên gia Gregory Poling từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định rằng Việt Nam đang trở thành một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á.
Ngày 16/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã thông báo chính thức về việc Hoa Kỳ sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ tại thủ đô Washington D.C. Tại đây, Tổng thống Joe Biden sẽ đón tiếp các nhà lãnh đạo các quốc gia thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để cùng thảo luận về hướng phát triển của mối quan hệ song phương trong tương lai.
Nhà Trắng cho biết, Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ này sẽ thể hiện cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với ASEAN cũng như công nhận vai trò trung tâm của tổ chức này trong việc đưa ra các giải pháp bền vững cho những thách thức cấp bách nhất của khu vực.
Nhận lời mời của Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ trong hai ngày 12-13/5 tại thủ đô Washington D.C.
Cam kết lâu dài của Hoa Kỳ với ASEAN
"Chính quyền của Tổng thống Biden cam kết sẽ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và sẽ làm hết sức mình để cùng với các quốc gia Đông Nam Á tìm giải pháp cho các vấn đề chung, bao gồm hợp tác kinh tế, ngoại giao, y tế và giao lưu nhân dân", học giả Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói.
Vì những mục tiêu đối ngoại kể trên, thông điệp của Hoa Kỳ trước thềm Hội nghị Cấp cao với lãnh đạo các nước ASEAN là rất rõ ràng. Theo tiến sĩ Patrick Cronin, chuyên gia về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson, chính quyền của Tổng thống Biden muốn truyền tải 3 thông điệp cụ thể đến các nước ASEAN tại Hội nghị lần này.
Thứ nhất, Tổng thống Biden muốn chứng tỏ rằng Hoa Kỳ luôn coi trọng ASEAN và Washington sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các quốc gia Đông Nam Á bất cứ lúc nào.
Thứ hai, Hoa Kỳ muốn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự và thịnh vượng không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.
Thứ ba, Hoa Kỳ muốn làm rõ rằng các sáng kiến trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này không nhằm mục đích thay thế hay bỏ qua vai trò của ASEAN.
Thay vào đó, Tổng thống Biden muốn các nước ASEAN hiểu rõ chiến lược này và coi đây là một cơ hội hợp tác hoàn toàn mới trong tương lai giữa hai bên. Hoa Kỳ tin tưởng rằng sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích lâu dài và to lớn cho các quốc gia Đông Nam Á.
Sau một thời gian mối quan hệ ASEAN - Mỹ bị "lơ là", gây dựng lại lòng tin của khu vực Đông Nam Á với Hoa Kỳ được coi là một trọng tâm trong chiến lược ngoại giao của chính quyền Tổng thống Biden.
Liên tục trong năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng từ lệnh hạn chế di chuyển do đại dịch Covid-19, các quan chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Anthony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo,… đã có những chuyến thăm chính thức đến nhiều quốc gia ASEAN.
Các chuyến thăm này, cùng việc bổ nhiệm một nhà ngoại giao kỳ cựu với kinh nghiệm phong phú tại khu vực là cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink vào vị trí Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã thể hiện ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden - Harris về việc trở thành một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy ở Đông Nam Á.
Những nỗ lực ngoại giao không biết mệt mỏi đã phần nào được đền đáp, khi theo những khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở tại Singapore, lòng tin của giới tinh hoa Đông Nam Á vào các cam kết của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Biden đã cao hơn hẳn so với nhiệm kỳ trước.
Sự tin tưởng của các nước ASEAN là một điều vô cùng cần thiết với chính quyền Tổng thống Biden khi khu vực này là một phần đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong chiến lược tổng thể của Hoa Kỳ tại khu vực.
Theo bà Joanne Lin Weiling, nghiên cứu viên chính của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS, cho rằng một ưu tiên khác trong chính sách ngoại giao ASEAN của Tổng thống Biden sẽ là sự cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực.
Tuy nhiên, bà cho rằng các nước ASEAN sẽ cố gắng dung hòa mối quan hệ giữa các cường quốc và mục tiêu của ASEAN là tạo ra một cộng đồng đa dạng và cùng phát triển kinh tế, chứ không phải trở thành một tập hợp chính trị để chống lại bất cứ quốc gia nào.
Ông Gregory Poling nhận định, với các vấn đề như an ninh khu vực hay chia sẻ lợi ích kinh tế, Hoa Kỳ sẽ phối hợp cùng ASEAN trên cả phương diện song phương lẫn đa phương thông qua việc hợp tác với các đối tác bên ngoài.
Một ví dụ ở đây có thể kể đến là việc Hoa Kỳ sẽ mời ASEAN tham gia hợp tác cùng nhóm Bộ tứ kim cương QUAD bao gồm Australia, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ trong lĩnh vực đảm bảo an ninh khu vực và phòng chống thảm họa.
Chương trình nghị sự dự kiến
Chương trình nghị sự tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ là một vấn đề được nhiều người quan tâm.
Cũng theo tiến sĩ Patrick Cronin, xét trên bối cảnh thế giới hiện nay, chương trình nghị sự của Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ sẽ bao quát nhiều vấn đề, từ đối phó với các thách thức về dịch bệnh và thiếu hụt năng lượng, đến đảm bảo chuỗi cung ứng và hợp tác về các công nghệ quan trọng.
An ninh hàng hải và quản lý khai thác tài nguyên tại Biển Đông và vùng Đồng bằng sông Mekong cũng là những vấn đề rất được phía Hoa Kỳ quan tâm và nhiều khả năng sẽ được đưa ra thảo luận.
"Chương trình nghị sự chắc chắn sẽ phản ánh sự đa dạng về lợi ích ở cả hiện tại và trong tương lai của Hoa Kỳ và các thành viên ASEAN".
Tiến sĩ Patrick Cronin
Trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang diễn ra căng thẳng hiện nay, ông Cronin cho rằng "Hoa Kỳ và ASEAN sẽ cần phải nỗ lực gấp đôi nhằm đảm bảo một trật tự thế giới dựa trên luật lệ và các chuẩn mực vốn được các nước ASEAN duy trì. Các chuẩn mực này bao gồm việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và không sử dụng vũ lực".
Bổ sung ý kiến của tiến sĩ Cronin, cả ông Poling và bà Weiling đều cho rằng Hoa Kỳ cũng sẽ nhân cơ hội này để trao đổi với các thành viên của ASEAN về những vấn đề quốc tế mà tất cả các bên cùng quan tâm như tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hay cuộc khủng hoảng tại Myanmar. Các khía cạnh về mặt kinh tế của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cũng có thể sẽ được trình bày trước Hội nghị lần này.
Ngoài ra, giới phân tích cũng kỳ vọng Hoa Kỳ có thể công bố việc bổ nhiệm tân Đại sứ tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á sau hơn 6 năm vị trí này được bỏ trống. Bên cạnh đó, việc chính thức nâng cấp mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và ASEAN lên tầm đối tác chiến lược toàn diện cũng có thể được mong đợi trong Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ vào ngày 12-13/5 tới.
"Tuyên bố Tầm nhìn chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ vào tháng 5 này chắc chắn sẽ rất được chú ý và mong chờ", ông Poling nói.
Vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam
"Việt Nam đang nổi lên như một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á, cùng với Philippines và Singapore, hai quốc gia được coi là mỏ neo cho sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực", chuyên gia Gregory Poling chia sẻ khi nhận định về vai trò của Việt Nam và chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trong thời gian vừa qua, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước phát triển tích cực. Lãnh đạo hai nước liên tục duy trì các cuộc tiếp xúc và điện đàm các cấp. Đặc biệt, Việt Nam đã đón nhiều quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden sang thăm chính thức như Phó Tổng thống Kamala Harris (8/2021), Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (7/2021), Đặc phái viên của Tổng thống về biến đổi khí hậu John Kerry (2/2022) và Cố vấn Bộ Ngoại giao Derek Chollet (3/2022). Hợp tác thương mại, an ninh - quốc phòng và giáo dục cũng tiếp tục được thúc đẩy.
Tiến sĩ Cronin và chuyên gia Poling cho rằng, các chuyến thăm Việt Nam gần đây của các quan chức cao cấp Hoa Kỳ đã thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Biden. Thông qua các chuyến thăm này, Hoa Kỳ muốn khẳng định cam kết với Việt Nam về một tương lai hòa bình và phát triển cho cả hai nước.
"Cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ rất quan trọng trong việc xác định hướng đi tương lai của quan hệ song phương".
Giáo sư Carl Thayer
Hoa Kỳ cũng nhìn nhận Việt Nam như một nhân tố quan trọng trong mối quan hệ chính trị và an ninh với ASEAN và trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, hợp tác với một nền kinh trẻ và năng động như Việt Nam cũng sẽ mang tới một cơ hội mang tính chiến lược cho Hoa Kỳ trong một kỷ nguyên mà con người đang ngày càng phụ thuộc vào kinh tế số, mạng lưới chuỗi cung ứng bền vững và công nghệ cao.
Nhận định về tầm quan trọng của chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ, giáo sư Carl Thayer khẳng định: "Các quan chức cao cấp của Mỹ rất mong muốn phát triển mối quan hệ với Việt Nam từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược.
Cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ rất quan trọng trong việc xác định hướng đi tương lai của quan hệ song phương, cũng như vạch ra lộ trình phối hợp hành động để đạt được một kết quả cụ thể mà cả Hoa Kỳ và Việt Nam có thể cảm thấy hài lòng".
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét