Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

Đảng Cộng sản phải lấy nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng, tổ chức, sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo của Đảng

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản để phân biệt chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân với các đảng chính trị khác. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”. Tuy nhiên, lợi dụng những hạn chế trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị,... tìm cách đả phá, kêu gọi Đảng ta từ bỏ nguyên tắc này, cổ súy tư tưởng đa nguyên, đa đảng. Lịch sỬ đã chứng minh từ khi mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản rơi vào thời kỳ khủng hoảng, suy thoái, đã xuất hiện nhiều ý kiến nghi ngờ, đòi xét lại về nguồn gốc, bản chất, nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ. Thậm chí họ còn quy kết rằng, nguyên tắc này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Đảng Cộng sản Liên Xô và các đảng cộng sản cầm quyền khác. Việc nhận diện và đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái đó để bảo vệ nền tảng tư tưởng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng vừa là yêu cầu khách quan, vừa là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay. Thời C.Mác (1818 - 1883) và Ph.Ăngghen (1820 - 1895) chưa gọi nguyên tắc tổ chức của Đảng Cộng sản là tập trung dân chủ. Song, các tư liệu lịch sử cho thấy, mặc dù chưa gọi tên cụ thể nhưng tư tưởng xây dựng một đảng vô sản trên cơ sở những nội dung cốt lõi của nguyên tắc tập trung dân chủ đã được các ông thể hiện rõ trong Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản từ năm 1847. V.I.Lênin đã kế thừa, phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về nguyên tắc tập trung dân chủ, đặt tên cho nguyên tắc này mà còn vận dụng mẫu mực, sáng tạo về cách thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực tiễn cách mạng. Theo V.I.Lênin: “chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa, và mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ” và “không có gì sai lầm bằng việc lẫn lộn chế độ tập trung dân chủ với chủ nghĩa quan liêu và với lối rập khuôn máy móc”. Tại Đại hội Đảng năm 1906, V.I.Lênin đề xuất và được Đại hội nhất trí đưa vào Điều lệ nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Sự thực trên là cơ sở khoa học khẳng định: chính C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đặt nền móng cho nguyên tắc tập trung dân chủ từ năm 1847 và V.I.Lênin là người kế thừa, bổ sung và phát triển. Là đội tiền phong của giai cấp công nhân, Đảng Cộng sản phải có tổ chức chặt chẽ, tập trung, thống nhất, không thể là một tổ chức lỏng lẻo, vô chính phủ; là liên minh tự nguyện của những người cùng chung chí hướng đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội - một xã hội giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, dân chủ, công bằng và bảo vệ phẩm giá con người; Đảng Cộng sản phải có tổ chức dân chủ mới phù hợp với bản chất và mục đích đó. Bởi vậy, nguyên tắc tập trung dân chủ nằm ngay trong bản chất của Đảng Cộng sản, nên dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, lúc đấu tranh giành chính quyền hay khi xây dựng đất nước, Đảng Cộng sản cũng phải được tổ chức và hoạt động theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chỉ khác ở phương pháp thực hiện nội dung và phạm vi áp dụng do tình hình, nhiệm vụ cụ thể của Đảng trong mỗi thời kỳ, xa rời nguyên tắc này là xa rời bản chất của Đảng dẫn đến tan rã Đảng. Do đó, không thể nói nguyên tắc tập trung dân chủ đã “lỗi thời”, không còn giá trị. Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc nền tảng để xây dựng Đảng thành một tổ chức chiến đấu chặt chẽ, vừa phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân, vừa tạo nên sức mạnh tổng hợp của tổ chức. Đây là nguyên tắc chỉ đạo toàn bộ, xuyên suốt quá trình xây dựng tổ chức, sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo của Đảng; quy định cơ cấu, hình thức tổ chức, phương thức, chế độ thiết lập các cơ quan lãnh đạo của Đảng; xác lập các quy tắc giải quyết các mối quan hệ trong nội bộ Đảng và cũng là nguyên tắc giữ vai trò chi phối các nguyên tắc khác của Đảng. Nó làm cho Đảng được xây dựng thành một đội ngũ có kỷ luật chặt chẽ, có sức chiến đấu cao, phát huy được tính chủ động, năng động và sáng tạo của cán bộ, đảng viên; bảo đảm cho Đảng luôn là một tổ chức lãnh đạo, một tổ chức chiến đấu mà không phải là một câu lạc bộ. Trong điều kiện ở Việt Nam, một đảng lãnh đạo, đó là đảng của giai cấp công nhân, lấy lợi ích giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc làm mục tiêu xuyên suốt và luôn xây dựng, chỉnh đốn để đảng thực sự trong sạch, vững mạnh thì tính chất dân chủ, tiến bộ phụ thuộc vào bản chất, mục đích phục vụ chứ không phụ thuộc số lượng bao nhiêu đảng. Năm 2010, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) đã trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế rằng: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên hay không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét