Trước tình hình ấy, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) vừa ký ban hành Kế hoạch số 111/KH-BCĐ389 tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế. Kế hoạch được thực hiện trong 3 năm, từ ngày 1-12-2022 đến 1-12-2025, được coi là kế hoạch tác chiến cho một "trận đánh lớn" nhằm triệt phá những đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không.

"Trận đánh lớn" chống buôn lậu
Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Ảnh minh họa/suckhoedoisong.vn

Lâu nay, Đảng, Nhà nước ta cũng đã nhận thấy rất rõ nguy cơ của những làn sóng hàng “xách tay” trốn thuế sẽ lấn lướt, thậm chí nhấn chìm các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính; xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng khi không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng hàng hóa; từ đó đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để tăng cường công tác quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói chung và qua các cảng hàng không quốc tế nói riêng. Các cơ quan chức năng cũng rất tập trung, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này. Rất nhiều đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không đã được phát hiện, bóc gỡ và xử lý.

Tuy nhiên, lợi nhuận lớn đã khiến các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không hình thành liên tục, thiên biến vạn hóa, đường dây này bị triệt phá lại xuất hiện đường dây khác với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện hơn. Các cửa hàng buôn bán hàng “xách tay” cả trực tuyến và trực tiếp vẫn tồn tại nhan nhản, thậm chí hình thành những khu chợ chuyên bán hàng “xách tay”, công khai rao bán, quảng cáo, chèo kéo khách hàng.

Thực tế ấy cho thấy, để giành chiến thắng trong "trận đánh lớn" này, chúng ta cần có những phương án tấn công thẳng vào trung tâm, “đầu não” của các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các cảng hàng không quốc tế. Quan trọng nhất là phải kiểm soát hết sức chặt chẽ tiếp viên, nhân viên hàng không sau mỗi chuyến xuất-nhập cảnh tại các cảng hàng không quốc tế; hoạt động soi chiếu hành lý của hành khách và hoạt động vận chuyển kết nối từ cảng hàng không quốc tế ra bên ngoài, kể cả vận chuyển rác thải-đề phòng sự móc ngoặc giữa các đối tượng buôn lậu với nhân viên vệ sinh sân bay đưa hàng lậu từ sân bay ra ngoài bằng... xe rác!

Cùng với đó, chúng ta cũng cần những đợt tổng tiến công vào các chân rết bán hàng lậu, hàng vận chuyển trái phép để vừa trấn áp vi phạm, vừa lần theo dấu vết đường dây, tìm ra và triệt phá bằng được những sào huyệt trung tâm của các đường dây buôn bán hàng lậu, hàng vận chuyển trái phép qua đường hàng không.

Kế hoạch 111 như một phương án tác chiến lớn đã được ban hành. Để phương án tác chiến ấy được triển khai hiệu quả, giành được thắng lợi cuối cùng giòn giã nhất đòi hỏi phải có sự hiệp đồng chặt chẽ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài cũng như giữa các cơ quan, các lực lượng hữu quan. 

Hy vọng không phải chờ đến hết 3 năm triển khai kế hoạch, mà ngay từ dịp Tết năm nay, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế sẽ giành được những chiến thắng vẻ vang...

CHIẾN THẮNG

nguồn báo QĐND