Tây Nguyên đang vào thời gian cao điểm thu hoạch cà phê, hàng nghìn người từ các tỉnh, thành phố trên cả nước đổ về lao động thời vụ.
Đặc biệt, có một lượng lớn công nhân bị sa thải ở các khu công nghiệp phía Nam lên Tây Nguyên tìm kế mưu sinh và nhập vào “đội quân” thu hái cà phê. Thực trạng trên giúp các tỉnh Tây Nguyên có lực lượng lao động dồi dào, không còn khan hiếm như những năm trước, song cũng đặt ra nhiều vấn đề về an sinh xã hội, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và an ninh, trật tự trên địa bàn.
Có thể nhận thấy, lực lượng lao động thu hái cà phê đông đảo nhưng chủ yếu do các doanh nghiệp, hộ gia đình tự thuê mướn và thỏa thuận trả tiền công bằng miệng, không ký hợp đồng lao động. Sau khi nhận lời, người lao động ăn ở, làm việc luôn tại rẫy, không khai báo tạm trú, tạm vắng và một số địa phương gần như không nắm bắt và quản lý được lực lượng này. Do vậy, người lao động luôn phải đối diện với nguy cơ bị chủ sử dụng lao động không trả công đầy đủ, hoặc trả công chưa tương xứng với sức lao động. Mặt khác, số nhân công này còn không được bảo đảm các điều kiện về ăn ở, sinh hoạt cũng như điều kiện an toàn vệ sinh lao động. Đơn cử như cách đây khoảng 10 ngày, trong lúc hái cà phê thuê, một người đàn ông ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk bị rắn lục đuôi đỏ cắn, do không được sơ cứu và đưa vào bệnh viện kịp thời nên đã tử vong rất đáng tiếc.
Ảnh minh họa / qdnd.vn |
Theo lãnh đạo một số địa phương, rất khó quản lý lực lượng lao động thời vụ hái cà phê vì địa bàn Tây Nguyên rộng, phần lớn rẫy cà phê ở cách xa khu dân cư, nhiều người đến địa phương bằng xe máy và khi được thuê, họ vào rẫy làm việc luôn. Một bộ phận khác đến làm việc với hình thức thăm thân, giúp người nhà, không khai báo tạm trú, tạm vắng. Thời gian làm việc cho một doanh nghiệp, chủ vườn ngắn, lực lượng chức năng chưa kiểm tra đến thì họ đã đi nơi khác.
Đúng là quản lý lực lượng lao động thời vụ hái cà phê ở Tây Nguyên rất khó nhưng cũng không thể thả nổi để mạnh ai nấy làm. Thiết nghĩ, các địa phương cần xem lực lượng lao động này là một nguồn lực trong phát triển kinh tế-xã hội để có giải pháp quản lý, bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ an sinh, giúp họ yên tâm làm việc. Lao động thời vụ hái cà phê chủ yếu là người nghèo, công nhân thất nghiệp từ các địa phương khác đến, tiền công một ngày làm việc dao động từ 250 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/người. Nếu như chính quyền tổ chức tốt không chỉ giải quyết được nhu cầu thu hoạch mùa, tạo việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho người dân mà còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung tuyên truyền và yêu cầu doanh nghiệp, người thuê lao động phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nhất là việc ký hợp đồng lao động, thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động, bảo đảm tiền lương, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, làm việc; thực hiện việc khai báo lý lịch, đăng ký tạm trú nghiêm túc. Phát huy tốt vai trò của chính quyền, cơ quan chức năng ở cơ sở, trưởng thôn, già làng, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ lao động thời vụ ở từng thôn, làng và doanh nghiệp, chủ vườn thuê lao động. Đẩy mạnh hoạt động các mô hình tự quản, mô hình an ninh thôn, làng như: “Tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự”; “Camera an ninh”; "Tiếng kẻng an ninh”... Nghiên cứu áp dụng mô hình liên kết giữa các hộ gia đình chủ vườn để thu hút, kết nối cung-cầu việc làm một cách thiết thực, hiệu quả.
NGUYỄN ANH SƠN
nguồn báo QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét