Từ ngày đầu khởi nghiệp đến bây giờ là một doanh nhân thành đạt, đằng sau đó là những nỗ lực không biết mệt mỏi. Nhưng điều chúng tôi cảm phục ở anh là luôn muốn làm giàu cho quê hương, giúp đỡ bà con xóa đói, giảm nghèo trên chính vùng đất đỏ thân thương.

1. Một ngày cuối thu, không khí mát mẻ, chúng tôi xuất hành về trung du miền Tây xứ Nghệ. Địa điểm là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bảo Ngọc (Công ty Bảo Ngọc) ở xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Xe chúng tôi đi theo con đường đất đỏ xuyên qua các vườn đồi tràn màu xanh cây trái um tùm, nhìn đến ngợp mắt.

Đi thêm đoạn nữa, đồi cây xanh loãng dần ra, nhường không gian mênh mông, bát ngát đang chứa đầy các nguyên liệu để chăn nuôi trùn (giun) quế. Đó là phân bò và bã mía thu gom về chưa xử lý nên trong không khí lẫn những mùi ngai ngái.

Nở nụ cười đôn hậu với những cái bắt tay thật chặt đón đoàn tham quan là Giám đốc Dương Tiến Thành. Anh sinh năm 1971 tại vùng đất đầy nắng và gió Lào của miền Tây xứ Nghệ. Cũng bởi thế mà gương mặt anh sạm nắng, rắn rỏi, mộc mạc nhưng vẫn hiện lên khí chất của một người tự tin và bản lĩnh. Vị giám đốc lăn xả với cuộc sống, vào đời bắt đầu từ thực tiễn, một niềm đam mê từ vùng đất đỏ khởi đầu của những năm tháng trẻ trung, hòa mình vào đất để lớn lên. Cha mẹ anh Thành vốn gắn bó với ngành lâm nghiệp, giỏi về quản lý, có nhiều kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi đã đi trước bám đất, nuôi con, trở thành tấm gương gắn bó máu thịt với quê cha đất tổ mà anh luôn kính trọng.

Nhiều người trong đoàn lần đầu đến đây, ai cũng khen quang cảnh thật tươi đẹp, bình yên, trù phú nhưng những năm về trước, nhiều người dân nơi đây đói nghèo, chạy ăn từng bữa. Huyện Nghĩa Đàn cùng với thị xã Thái Hòa, huyện Quỳ Hợp hiện nay, từ xa xưa được gọi là Phủ Quỳ hoặc còn có cách gọi dân dã hơn là vùng “đất đá đỏ”. Đất ở đây là đất đỏ bazan như đại ngàn Tây Nguyên, thổ nhưỡng màu mỡ. Vùng đất này có nhiều loại đá quý, nhất là ruby. Suốt hàng chục năm, người ta đi đào đá đỏ. “Cơn sốt” đá quý mang lại tiền bạc cho nhiều người, có tiền lại sa vào tệ nạn xã hội, nhức nhối cả một vùng đất. Cơn sốt qua đi, nghèo lại hoàn nghèo. Nhiều người quên mất rằng, dưới chân họ là đất mẹ trù phú, có thể làm giàu từ đất. Chỉ khi Tập đoàn TH đầu tư trang trại, nhà máy lớn hiện đại để sản xuất sữa, cả vùng đất mới dần "hồi sinh", bừng tỉnh.

Đất mẹ không phụ người có tâm
Anh Dương Tiến Thành (đứng thứ hai, từ phải sang) giới thiệu về sản phẩm phân hữu cơ vi sinh từ trùn quế. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Lớn lên, chứng kiến cơn sốt đào đá đỏ, anh Thành có may mắn là gia đình không quá nghèo đói, không phải đi tìm đá quý trong lòng đất. Ngay sau khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, mở ra nhiều cơ hội làm ăn, kinh doanh mới mẻ cho những người trẻ như anh Thành. Đó là lý do anh không hứng thú ở nhà, nối nghiệp gia đình mà học lái xe, chở hàng tuyến Bắc Nam. Có sức khỏe và rất chăm chỉ nên dần dần, anh tích lũy được chút vốn liếng thành lập công ty vận tải.

2. Công việc lái xe nay đây mai đó không làm anh cảm thấy hạnh phúc. Ước muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương thôi thúc anh phải làm một điều gì đó. Khi trang trại Tập đoàn TH chăn nuôi hàng vạn con bò lấy sữa, lượng chất thải phải xử lý rất lớn, chính đội xe công ty vận tải của anh được thuê để chở chất thải đi xử lý. Rồi tình cờ, có người mách cho anh là có thể biến chất thải thành tiền nếu nuôi trùn quế để tạo ra phân bón hữu cơ vi sinh có lợi cho đất và cây trồng.

Xuất thân từ gia đình gắn bó với đất đai, cây trái, anh Thành hiểu rằng, tấc đất là tấc vàng đối với con người. Anh cũng hiểu thực trạng người nông dân đã lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, phân bón hóa học làm suy thoái đất đai ra sao. Sử dụng phân vi sinh là cách tốt để bảo vệ môi trường, mang lại sự màu mỡ của đất. Nghĩ vậy, anh Thành quyết tâm nuôi trùn quế. Trùn quế là “nhà khoa học” sản xuất ra thành phẩm được nhà nông ưa chuộng: Phân trùn quế. Một loại phân hữu cơ vi sinh tốt nhất mà người nông dân gọi là “vàng đen”. Bà con ưa thích bởi giá cả phải chăng, năng suất cây trồng tăng, góp phần tạo ra một nền nông nghiệp sạch. Phân hữu cơ vi sinh còn được sử dụng chăn nuôi gia cầm và thủy sản. Từ việc âm thầm và lặng lẽ này, sản phẩm trùn quế mang lại thật quý giá với hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao cho cây trồng, vượt trội nhiều lần phân bón truyền thống lẫn phân hóa học, cải tạo đất đai, thân thiện với môi trường.

Phải mất nhiều thời gian mày mò thử nghiệm, anh Thành mới có thể tự tin tạo ra phân trùn quế với số lượng lớn để kinh doanh. Anh thực sự là người “kỹ sư nông dân” bằng thực tiễn, bằng sự lăn lộn, ý chí quyết tâm tạo dựng nên cơ nghiệp. Anh Thành không có “bằng cấp đầy mình” như nhiều người khác, những gì anh hiểu biết về đất, về vi sinh đều do đổ mồ hôi vất vả. Anh Thành đi lên từ đất một cách lặng lẽ và kiên nhẫn khiến mọi người phải nể phục và gia đình tự hào.

Bước đầu công ty phải thuê 2ha đất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông. Anh hiểu về đất đến từng hơi thở, kỹ càng chân tơ kẽ tóc, nắm bắt được nhu cầu sử dụng của người nông dân đang cần gì để đáp ứng. Giờ thì diện tích trang trại chế biến phân hữu cơ, nuôi trùn quế ngày càng phát triển hơn, lên đến 5ha. Chậm nhưng chắc chắn, không chộp giật theo kiểu ngày nào biết ngày đó nơi thương trường.

Việc nuôi trùn quế không hẳn là mới nhưng nuôi với công nghệ khép kín, có sự đầu tư bài bản khoa học không phải là nhiều. Hằng ngày, có xe chuyên dụng cung cấp nguồn chất thải lên mặt luống cho trùn ăn và thu hoạch sản phẩm. Cứ hai tháng lại thu hoạch một lần. Dưới lớp chất thải dày đặc trùn quế. Phân mùn của trùn quế do công ty làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó, rất được người nông dân tín nhiệm bởi chất lượng cao. 30 xe tải kéo hoạt động liên tục phục vụ cho việc vận chuyển và đưa thành phẩm đến các tỉnh, thành phố và sang cả nước bạn Lào.

Tính từ ngày Công ty Bảo Ngọc thành lập đến nay đã tròn 14 năm với bao công sức và mồ hôi, nước mắt đổ xuống đã xây dựng nên thương hiệu phân hữu cơ vi sinh đạt danh hiệu: “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2022” là hoàn toàn xứng đáng.

3. Hiện nay, Công ty Bảo Ngọc có đội ngũ cán bộ, công nhân khoảng 60 người có việc làm với thu nhập ổn định. Nhiều chàng trai, cô gái nông thôn trở thành nguồn nhân lực chủ chốt của công ty, làm việc ngay trên quê hương mình.

Không chỉ dừng lại ở sản xuất phân trùn quế, anh Thành sắp thu về thành quả từ lĩnh vực mới đó là trồng và chế biến quả mắc ca. Phủ Quỳ là vùng đất chuyên trồng cây công nghiệp, cây ăn quả nổi tiếng của Nghệ An. Đất đỏ Phủ Quỳ vốn đã màu mỡ, có phân trùn quế sẵn để bón cho cây nên hàng chục héc-ta mắc ca của Công ty Bảo Ngọc xanh tốt, trĩu quả. Lúc này, anh cùng các cộng sự đang khẩn trương đưa nhà máy chế biến quả mắc ca đi vào hoạt động, hứa hẹn tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho nhân dân địa phương.

Với tư cách là Chi hội trưởng Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tại tỉnh Nghệ An, anh Thành cho biết sẽ nỗ lực để hỗ trợ bất cứ ai có nhu cầu trồng cây mắc ca trên địa bàn. Anh tin đất mẹ sẽ không phụ tấm lòng những người nông dân muốn làm giàu. Công ty Bảo Ngọc cũng dành khoản kinh phí hằng năm để trao học bổng hỗ trợ các em học sinh nghèo vượt khó. Bởi anh hiểu, để làm giàu bền vững từ nông nghiệp ở thời đại 4.0, cần có đội ngũ nhân lực chất lượng. Câu chuyện nông nghiệp sẽ không chỉ dừng lại ở trồng cây gì, nuôi con gì mà cần chế biến ra sao, phân phối, tiếp thị thế nào. Anh Thành tâm sự sẽ rất sẵn sàng giúp đỡ những người tâm huyết làm nông nghiệp chất lượng cao để quê hương đất đỏ ngày một giàu mạnh.

Nhà văn ĐÀM QUỲNH NGỌC

nguồn báo QĐND