Nếu không biết chị thì không thể nghĩ một người phụ nữ nhỏ bé, lọt thỏm trên chiếc xe lăn lại có nghị lực sống mạnh mẽ đến vậy.
Nghị lực ấy không chỉ giúp chị vượt qua khó khăn của cuộc sống mà còn lan tỏa mạnh mẽ đến những mảnh đời có cùng cảnh ngộ, với tinh thần không đầu hàng số phận. Chị là Nguyễn Thị Vân, người đang góp công sức trên hành trình xóa bỏ định kiến, thay đổi cách nhìn của mọi người đối với người khuyết tật, tạo ra cho người khuyết tật những cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
Niềm tin và sức sống mãnh liệt
Năm 2019, Nguyễn Thị Vân-người điều hành Trung tâm Nghị lực sống và sáng lập Công ty Imagtor với các hoạt động vì người khuyết tật-đã lọt Top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn. Chị Nguyễn Thị Vân được biết đến là em gái của “hiệp sĩ” công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng. Vân mắc chứng teo cơ tủy sống từ nhỏ, tất cả sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào người khác, nhưng bằng một niềm tin, sức sống mãnh liệt, chị vẫn sống và làm việc đầy nhiệt huyết.
Nguyễn Thị Vân sinh ra ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Vài tháng sau khi chào đời, Vân bị mắc chứng bệnh teo cơ tủy sống. Trong gia đình chỉ có chị thứ hai phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ, còn Vân và anh cả là Nguyễn Công Hùng đều mắc căn bệnh giống nhau. Tuy khiếm khuyết nhưng cả hai anh em đều rất thông minh. Sau này, anh Nguyễn Công Hùng được vinh danh là Hiệp sĩ Công nghệ thông tin và nhận giải thưởng Dải băng xanh vì tài năng và sự đóng góp cho chính những người khuyết tật.
Nhớ lại cảm giác với bệnh tật, Vân kể lại: "Khi bạn bè lớn dần lên thì tôi có cảm giác như cơ thể mình ngày càng nhỏ lại. Ban đầu, tôi không để ý và mọi thứ chỉ thay đổi khi đến tuổi tới trường. Tôi dần hiểu ra sự khác biệt của bản thân và bạn bè đồng trang lứa". Việc học của chị có thời điểm bị ngắt quãng nhưng sự đam mê học tập của chị chưa bao giờ ngừng. Chị tập trung trau dồi tiếng Anh và tin học. Vốn ưa thích thiết kế nên chị tiếp tục mày mò học thêm về đồ họa. Vân quan niệm quyết tâm học tập, nỗ lực vươn lên là một cách để chị có thể vượt qua được nghịch cảnh. Chị chia sẻ: "Tôi từng mặc cảm với cơ thể của mình, phụ thuộc vào người khác với những nhu cầu cá nhân. Tôi ao ước có một cơ thể khỏe mạnh nhưng sự thật vẫn không thể thay đổi được. Vì thế tôi phải thay đổi cách sống, cách nhìn của mình. Bởi nếu chính mình không chấp nhận mình thì ai chấp nhận được mình?”.
Chị Nguyễn Thị Vân (ngồi hàng đầu, thứ ba, từ trái sang) cùng các đồng nghiệp. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Đến khi bắt đầu con đường lập nghiệp, trải qua biết bao gian nan, thăng trầm, chị Vân cùng anh trai Nguyễn Công Hùng và một số người bạn thân thành lập Trung tâm Nghị lực sống. Tại đây, dựa vào kiến thức và kinh nghiệm về tin học của mình, hai anh em Vân quyết tâm đào tạo tin học và hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật. Những ngày đầu gặp muôn vàn khó khăn nhưng Vân và mọi người ở Trung tâm quyết không đi xin các quỹ từ thiện. Chị tâm sự: "Một trong những định kiến gắn liền với người khuyết tật là việc nhận từ thiện. Bởi vậy, để phá bỏ định kiến đó, tôi và anh Hùng nhất quyết không đi xin bất cứ khoản nào từ các quỹ. Nếu có các đối tác, chúng tôi sẽ đồng ý". Ngay từ khi mới thành lập Trung tâm Nghị lực sống, chị và anh trai luôn trăn trở: Làm thế nào để người khuyết tật có cơ hội được tiếp cận tri thức, vươn lên trong cuộc sống, tham gia vào quá trình xây dựng đất nước? Làm thế nào để xóa bỏ rào cản và trao quyền cho người khuyết tật? Đó mới là đích đến cuối cùng của hai anh em chị.
Chị Vân kể, cách đây 16 năm, khi đi đến nhà hàng, các cơ quan, doanh nghiệp tại Hà Nội, chị nhận thấy gần như không có một nhân viên nào là người khuyết tật. Việc làm và tạo thu nhập cho người khuyết tật vẫn luôn là vấn đề nổi cộm ở Việt Nam khi mà một tỷ lệ lớn người khuyết tật vẫn đang thất nghiệp, còn đối với hầu hết số người có việc làm thì công việc bấp bênh, không thuộc thị trường chính thức, thu nhập thấp. "Ở Việt Nam có đến 6,2 triệu người khuyết tật, đó là một nguồn lực không nhỏ, vậy làm thế nào để họ thực sự trở thành động lực mà không phải là gánh nặng cho xã hội?". Những trăn trở đó đã thôi thúc chị cùng đội ngũ của Trung tâm Nghị lực sống luôn nỗ lực giúp đỡ, đồng hành, hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế hòa nhập toàn diện vào cộng đồng. Chị mong muốn giúp người khuyết tật được tự tin khi ra đường, được tiếp cận với giáo dục và sau đó đi làm, tự kiếm thu nhập nuôi sống bản thân, không phải phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, từ gia đình hay nguồn hỗ trợ từ thiện...
Gần 20 năm kể từ ngày ra mắt, Trung tâm Nghị lực sống đã đào tạo miễn phí cho hơn 1.200 học viên, hằng năm đã hỗ trợ việc làm cho 60-70 người khuyết tật. Chị Vân chia sẻ: “Trung tâm đã nâng cao năng lực, hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, người yếu thế. Từ đó giúp họ sống độc lập, tự chủ, hưởng thụ đầy đủ và công bằng tất cả quyền con người, tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội”. Không chỉ dừng lại ở tạo việc làm, kiếm thu nhập cho mọi người ở Trung tâm, chị Vân còn mong muốn đào tạo họ trở thành người lãnh đạo, có khát vọng lớn, cùng nhau tạo ra những môi trường tốt cho cộng đồng người khuyết tật.
Từ giọt nước mắt bất lực của người cha
Khi tôi hỏi chị Vân về những kế hoạch, dự định mà Trung tâm Nghị lực sống còn chưa làm được, chị lặng đi một lúc rồi kể cho tôi nghe một câu chuyện xảy ra đã lâu nhưng lại là sự day dứt, thôi thúc chị nỗ lực hết mình vì Trung tâm. Chị tâm sự: “Vào một buổi chiều se lạnh cách đây hơn 10 năm, tôi và anh Hùng đang ngồi chơi cờ thì một bác cõng trên lưng con gái bị khuyết tật đến gặp. Bác tới để xin cho con gái được học nghề, được tìm việc làm tại Trung tâm Nghị lực sống. Sau một lúc trao đổi và tìm hiểu, tôi nói với bác là con gái bác không đủ điều kiện để làm việc tại Trung tâm. Bác lặng người đi, cảm ơn hai anh em tôi và cõng con ra về. Tôi nhìn theo bóng lưng bác và nhìn thấy giọt nước mắt bác rơi xuống. Giọt nước mắt bất lực, đau đớn như biết trước kết quả. Giây phút đó, trái tim tôi như bị bóp nghẹt. Tôi chợt hiểu, khi hai bố con bác đến Trung tâm mang theo một tia hy vọng mong manh nhưng rồi phải ra về trong thất vọng. Hình ảnh và cảm giác day dứt đó theo tôi đến tận bây giờ. Tôi cứ nghĩ, nếu tôi không may mắn nhận được sự giúp đỡ của mọi người để có cơ hội tiếp xúc với xã hội, để bứt phá và vươn lên thì hình ảnh người cha cõng con gái đó sẽ giống như là cha tôi đang cõng tôi đi xin việc. Hình ảnh đó vừa là nỗi ám ảnh, nhưng cũng là động lực để tôi nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm cơ hội hỗ trợ người khuyết tật, người yếu thế càng nhiều càng tốt”.
Cũng bởi vậy, chị Vân mong muốn, sau này, bất cứ ai đến với chị, đến với Trung tâm sẽ nhận được một cơ hội để khẳng định mình. Chị tâm sự: “Đích đến của tôi trước hết là làm thế nào để người khuyết tật có cơ hội được tiếp cận giáo dục công bằng, được sống có ích cho đời. Sau cùng là để thay đổi định kiến của xã hội rằng người khuyết tật yếu đuối chỉ sống được nhờ tiền từ thiện, thậm chí đến người khuyết tật cũng nghĩ vậy về chính mình. Hãy để mọi người thay đổi cách nghĩ, người khuyết tật không chỉ biết kiếm tiền từ làm tăm tre, chổi đót... mà họ hoàn toàn có khả năng trở thành con người của công nghệ, của thời đại 4.0 như bao người bình thường khác”.
Hành trình không đơn độc
Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) năm nay trở nên đặc biệt hơn đối với Nguyễn Thị Vân, bởi hơn 20 doanh nhân là thành viên Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ đã ký cam kết đồng hành với chị trong hành trình hỗ trợ người khuyết tật. Các thành viên đã cùng góp vốn để thành lập Công ty Cổ phần Nghị lực sống với mô hình doanh nghiệp xã hội cùng triết lý: “Lợi nhuận có được là giá trị cho đi”. Tiền thân của Công ty chính là Trung tâm Nghị lực sống của Vân. Ban đầu, số vốn góp của các thành viên sẽ được dùng để triển khai một số mô hình thí điểm đào tạo và dạy nghề cho người khuyết tật. Sau khi được dạy nghề, người khuyết tật sẽ được trực tiếp tham gia quá trình sản xuất hoặc kinh doanh một số mặt hàng nhất định. Người khuyết tật có thể tham gia làm việc tại các doanh nghiệp của doanh nhân Câu lạc bộ Sao Đỏ. Khi mô hình hoàn thiện và tạo ra doanh thu, lợi nhuận sẽ được nhân rộng ra toàn quốc. Mục tiêu của Công ty Cổ phần Nghị lực sống là xây dựng khoảng 10-20 trung tâm trên toàn quốc trong những năm tới. Công ty cam kết hoạt động kinh doanh đem lại lợi nhuận và sử dụng lợi nhuận thu được để tái đầu tư vào các trung tâm đào tạo, hướng nghiệp nhằm hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế hòa nhập toàn diện vào cộng đồng.
Những hoài bão lớn lao của chị Nguyễn Thị Vân đang dần trở thành hiện thực. “Không chỉ muốn mở rộng các hoạt động của công ty ra toàn quốc, tôi còn muốn vươn ra quốc tế, muốn lan tỏa sứ mệnh của Nghị lực sống đến được nhiều người nhất. Hiện tại, tôi đã có nhiều người đồng hành có tâm và có tầm, chắc chắn họ sẽ đem lại tương lai, xây đắp niềm tin, phá bỏ rào cản định kiến đối với người khuyết tật và người yếu thế. Tôi tin rằng, thời gian không xa, Nghị lực sống sẽ trở thành doanh nghiệp xã hội điển hình trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực, hướng nghiệp và tạo việc làm cho người yếu thế một cách thiết thực, để tất cả mọi người được hòa nhập, “không ai bị bỏ lại phía sau”, chị Vân chia sẻ.
HÀ VŨ
nguồn báo QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét