Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

NGĂN NGỪA CÁC NGUY CƠ CHIẾN TRANH, XUNG ĐỘT TỪ SỚM, TỪ XA

 Công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới, không chỉ phải hằng ngày, hằng giờ tiến hành đấu tranh bằng phương thức phi vũ trang, phòng chống âm mưu, thủ đoạn 'diễn biến hòa bình', 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa', mà còn phải sẵn sàng đối phó thắng lợi với các tình huống chiến tranh, xung đột quân sự bằng phương thức vũ trang. Vì vậy, vấn đề phòng ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa là một trong những kế sách quan trọng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong mục “Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII đã nhấn mạnh: “Chủ động phát hiện, có các phương án, đối sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”. Tuy nhiên, Dự thảo Báo cáo Chính trị cũng chỉ rõ mặt bất cập: “Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật chủ động”.

Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới, trong mục “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”, Dự thảo Báo cáo Chính trị khẳng định: “Phải chuyển mạnh sang việc “chủ động phòng ngừa là chính… Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”.

Có thể khẳng định rằng, quan điểm ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa trong Dự thảo là sự tiếp tục quan điểm của Đảng đã được đề cập trong các Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, để thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, nhất là ngăn ngừa các nguy cơ bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, xung đột quân sự, chiến tranh, cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau đây:

- Chăm lo xây dựng đất nước vững mạnh toàn diện, nhất là kinh tế phát triển nhanh và bền vững, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, quan hệ đối ngoại được củng cố, phát triển; chủ động phát hiện và giải quyết tốt các “điểm nóng”; giữ cho “trong ấm”, “ngoài êm”.

- Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững mạnh cả tiềm lực, lực lượng và thế trận quốc phòng, an ninh, nhất là xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.

- Quan tâm xây dựng CAND, QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nhất là nâng cao khả năng tham mưu, dự báo chiến lược của các cơ quan chiến lược, các viện nghiên cứu chiến lược của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

- Dự báo các tình huống, các kịch bản về an ninh, quốc phòng, quân sự sát đúng, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước về các phương án để chủ động phòng ngừa và xử lý kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

- Thực hiện chiến lược đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo, có nguyên tắc, tăng đối tác, giảm đối tượng. Thông qua hoạt động đối ngoại chủ động nắm bắt tình hình, các động thái liên quan đến an ninh, quốc phòng để tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước về đối sách và biện pháp xử lý, nhất là các vấn đề nhạy cảm, phức tạp một cách phù hợp, hiệu quả.

- Luôn luôn đề cao cảnh giác, thường xuyên nắm chắc và hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động chống phá của các thế lực thù địch cả bên trong và bên ngoài. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, hạn chế và đập tan các chiêu bài mà các thế lực thù địch dựng lên để lấy cớ tiến hành các hoạt động vũ trang và phi vũ trang chống phá cách mạng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét