Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
(3/2/1930 - 3/2/2023) và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực (1/2/2013 -1/2/2023), ngày 2/2/2023, tại Hà
Nội, Ban Nội chính Trung ương và Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ
chức Lễ ra mắt cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch,
vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nội dung những bài viết, tư tưởng, quan điểm
chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong cuốn sách này được rút ra từ thực tiễn
phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết
liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư; góp phần làm
sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.Cuốn sách là tài
liệu rất giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, có thể coi là “cẩm nang” về
công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Qua cuốn sách
này, bạn đọc trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối và quyết tâm
đấu tranh chống “giặc nội xâm”, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tham nhũng,
tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta - một cuộc chiến không tiếng súng nhưng vô cùng
quyết liệt, cam go.
Trong cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư, có bài học: “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”, tức là
chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; lấy
tiền tài, của cải, vật chất do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ,...
với động cơ không trong sáng. Nó diễn ra đối với những người có chức, có
quyền.”…. “Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham
nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng; không
thể chủ quan, nóng vội; không được né tránh, cầm chừng, thỏa mãn; trái lại,
phải rất kiên trì, “không nghỉ”, “không ngừng”; vừa phải kiên quyết phát hiện,
xử lý tham nhũng, tiêu cực, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn
đe, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, vừa phải cảnh giác, đấu tranh với
những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng,
Nhà nước và chế độ ta”.
Thực tiễn trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2013, khi Ban
Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, trực thuộc Bộ
Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, công tác đấu tranh phòng,
chống tham nhũng được tiến hành ráo riết, quyết liệt, “không có vùng cấm, không
có ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt; được nhân dân hoan
nghênh, đồng tình, ủng hộ; được dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt
Nam trong thời gian qua, đồng chí Tổng Bí thư đã đánh giá lại công tác phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương
về phòng, chống tham nhũng (năm 2013) đến nay. Phát biểu kết luận của đồng chí
Tổng Bí thư tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng và
kết luận tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ
đạo, mỗi phát biểu, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đã trở thành mệnh lệnh của
người đứng đầu trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng với “giặc nội xâm”.
Có thể nói, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự
chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung
ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt và nghiêm minh. Ngay
từ những ngày đầu đương nhiệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi đầu, kiên
quyết chống tham nhũng, quyết tâm đưa ra xét xử hàng loạt vụ tham nhũng lớn và
các cá nhân liên quan. Chưa khi nào chúng ta xử lý được nhiều vụ đưa và nhận
hối lộ như bây giờ. Cũng chưa khi nào thu được số tài sản lớn như vậy. Hơn 80
cán bộ cấp cao, cả Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và hàng loạt
tướng lĩnh công an và quân đội... vi phạm đều đã bị xử lý kỷ luật. Tổng Bí thư
đã lãnh đạo đất nước theo sự mong đợi và kỳ vọng của nhân dân, coi chống tham
nhũng là chống “giặc nội xâm”. Hàng loạt những “đại án” được phát hiện, điều
tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh; cán bộ, đảng viên và nhân dân hết
sức đồng tình ủng hộ. Không chỉ tâm huyết, kiên quyết phòng, chống tham nhũng,
người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta còn hết sức coi trọng công tác cán bộ, không
ngừng trăn trở suy nghĩ, tìm chọn người tài cho Đảng, cho nước. Đồng chí luôn
tâm niệm, nhân sự quyết định tất cả, do đó phải thực hiện đúng quy trình, đúng
nguyên tắc, đúng tiêu chuẩn.
Có thể khẳng định rằng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt nhiều kết quả tích cực, được nhân dân rất
hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá tích
cực. Tuy nhiên, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh rất phức tạp và
lâu dài, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng. Với việc
đưa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong 6 nhiệm vụ trọng
tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn hiện nay thể hiện
quyết tâm của Đảng ta trong cuộc chiến chống "giặc nội xâm” để giữ gìn sự
trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị; củng cố, nâng cao niềm
tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; được cán bộ, đảng viên và
nhân dân rất quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng.
Hơn ai hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách
nhiệm nêu gương trong phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương
mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác
phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư
tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm,
hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát
thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí
tuệ tập thể, theo tinh thần Bác đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn
một trăm bài diễn văn tuyên truyền” . “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch
chủ nghĩa cá nhân”, kiên quyết, kiên trì, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy
lùi tệ tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
trở thành việc làm thường xuyên, nhu cầu văn hóa tinh thần trong Đảng, tạo dấu
ấn rõ rệt về xây dựng văn hóa đảng, để Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn
minh”./.
VHT.
giặc nào cũng phải chống
Trả lờiXóa