Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Bất tuân dân sự - góc nhìn, quan điểm và một số biểu hiện biến tướng

 

Thuật ngữ “bất tuân dân sự” lần đầu tiên xuất hiện trong tập tiểu luận của Hen-ri Đây-vít Thơ-râu, nhà văn, nhà triết học người Mỹ, người bị chính quyền bang Ma-sa-chu-sét bắt do hành vi không đóng thuế vào cuối tháng 7 năm 1846, với nhan đề “Về bổn phận bất tuân dân sự” vào tháng 5-1849(1). Quan điểm của Thơ-râu sau đó được phát triển bởi một số học giả khác, chẳng hạn Gin-Sáp, Giáo sư chính trị học tại trường Đại học Massachusetts Dartmouth (Mỹ).

Khái niệm bất tuân dân sự đã phát triển trong một thời gian dài, được rút ra từ các giai đoạn lịch sử khác nhau và từ các nền văn hóa khác nhau. Đã có nhiều tác giả nghiên cứu, đưa ra quan điểm, cách nhìn để nhận diện bất tuân dân sự. Theo Giôn-Ron, nhà triết học chính trị nổi tiếng của Mỹ trong thế kỷ XX, định nghĩa bất tuân dân sự là một hành động công khai, bất bạo động, triệt để nhưng có tính chính trị trái với luật pháp nhằm mục đích thay đổi luật pháp hoặc chính sách(2). Hu-gô A-đam Bê-đâu, Giáo sư triết học của Đại học Tufts (Mỹ) định nghĩa bất tuân dân sự là một hành động bất hợp pháp, được thực hiện một cách công khai, không mang tính bạo lực và thực hiện một cách cố ý, trong khuôn khổ pháp quyền và với ý định phản kháng hoặc phản đối một số luật, chính sách hoặc quyết định của chính phủ hoặc một số công chức của chính phủ(3). Ki-li và Ba-mu-lơ định nghĩa bất tuân dân sự là một hành động có chủ ý, công khai và bất bạo động vi phạm luật mà người đó phải chịu trách nhiệm và chế tài(4). Xờ-mít quan niệm rằng bất tuân dân sự là một cuộc phản đối công khai, bất hợp pháp và mang tính chính trị được thực hiện chống lại nhà nước hoặc chính sách(5). Sen-đơn trong cuốn Bách khoa toàn thư về tư tưởng chính trị định nghĩa bất tuân dân sự là bất tuân hoặc vi phạm pháp luật vì các lý do đạo đức, tôn giáo hoặc các lý do khác, bởi một cá nhân hoặc một nhóm có tổ chức (6).

Bất tuân dân sự có nhiều hình thức và cách biểu hiện khác nhau. Ví dụ, có cách tiếp cận cho rằng bất tuân dân sự có 5 hình thức biểu hiện(7): Một là, tuần hành muối do Ma-hát-ma Gan-đi lãnh đạo (dẫn đầu đoàn 78 người đi bộ trong 24 ngày để phản đối chính sách độc quyền muối do chính quyền Anh áp đặt)(8); hai là, chiến dịch Extremadura  - một phong trào cải cách ruộng đất ở Tây Ban Nha; ba là, tuần hành ủng hộ và phong trào bất di chuyển ở Mỹ; bốn là, loại bỏ các doanh nghiệp không mong muốn (phong trào chống toàn cầu hóa ở Pháp); năm là, phong trào vận động không đóng thuế ở Luân đôn năm 1990.

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động trong cuộc biểu tình ở Caracas, Venezuela năm 2017 _Nguồn: AFP / Getty Images

Mặc dù là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “bất tuân dân sự”, nhưng ở thời điểm ra đời, tác phẩm của Hen-ri Đây-vít Thơ-râu không gây được ảnh hưởng. Tuy nhiên, sang thế kỷ 20, tư tưởng về một cuộc “cách mạng hòa bình” của Thơ-râu được một số nhà hoạt động chính trị phát triển thành phương pháp đấu tranh bất bạo động như phong trào “Satyagraha” của Ma-hát-ma Gan-đi đấu tranh giành độc lập dân tộc cho Ấn Độ từ thực dân Anh (năm 1947); phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ của mục sư Mác-tin Lu-thơ Kinh (thập niên 60 thế kỷ 20); phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc (chủ nghĩa A-pác-thai) ở Nam Phi của Nen-xơn Man-đê-la... Đặc biệt, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc ra đời với tư tưởng chủ đạo là chuyển cuộc đấu tranh vào bên trong các nước xã hội chủ nghĩa. Từ đó, chiêu bài “bất tuân dân sự” đã bị chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế lợi dụng và từng bước trở thành một phương thức, thủ đoạn nằm trong mối liên hệ chặt chẽ với các phương thức, thủ đoạn khác của chiến lược “diễn biến hòa bình”. Các cuộc “cách mạng nhung” ở Tiệp Khắc và Cộng hòa Dân chủ Đức; “cách mạng ca hát” ở các nước vùng Ban-tích (thuộc Liên Xô) vào những năm cuối thế kỷ XX; các cuộc “cách mạng màu” ở một số nước trong không gian hậu Xô-viết; “cách mạng hoa nhài” (“Mùa xuân Ả Rập”) ở một số nước Bắc Phi, Trung Đông cuối năm 2010, đầu năm 2011; phong trào biểu tình nhằm lật đổ Chính phủ Bô-li-va ở Vê-nê-xu-ê-la (từ năm 2014); phong trào “cách mạng dù” của sinh viên vùng lãnh thổ Hồng Kông (Trung Quốc) năm 2014, các cuộc biểu tình phản đối việc sửa đổi Dự luật dẫn độ ở vùng lãnh thổ Hồng Kông (Trung Quốc) vào các năm 2019 và 2020... đều có dấu ấn của thủ đoạn kích động bất tuân dân sự, nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây trở ngại đến hoạt động công quyền, thực thi công lý, gây ra những hiểm họa khôn lường, thậm chí khủng hoảng toàn diện, sâu sắc cho nhiều vùng lãnh thổ và quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, hoạt động lợi dụng “bất tuân dân sự” đã diễn ra từ nhiều năm trước, có nguy cơ trở thành “phong trào” gây nguy hại trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nếu không được nhận diện và đấu tranh kịp thời.

Các thế lực phản động, thù địch đã tiến hành nhiều hoạt động lợi dụng danh nghĩa dân chủ, phát động cái gọi là bất tuân dân sự để chống đối chính quyền, gây trở ngại cho hoạt động công quyền với nhiều hoạt động dưới nhiều dạng thức và hành động như lợi dụng việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, các đối tượng phản động, thù địch đã kích động, lôi kéo người dân tham gia tuần hành, biểu tình, chống người thi hành công vụ, đập phá tài sản các trụ sở chính quyền, gây thiệt hại lớn về tài sản, kinh tế, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; vụ đình công phản đối Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 diễn ra tại một số tỉnh, thành phố; lợi dụng phản đối trạm BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang năm 2017, trong đó một số lái xe quá khích đã đưa xe đến giữa trạm rồi bỏ đi; đốt phá Đông Đô Đại Phố ở tỉnh Bình Dương; lợi dụng sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa Việt Nam tháng 5-2014 để kích động biểu tình, tuần hành, đập phá các doanh nghiệp ở 8 tỉnh, thành phố; khoét sâu, thêm tình tiết và thổi phồng các vấn đề nóng như sự cố môi trường, lũ lụt trên địa bàn một số tỉnh để kích động người dân gây mất an ninh, trật tự, đập phá tài sản; lợi dụng chống tiêu cực, tham nhũng, cưỡng chế đất đai, giải phóng mặt bằng để kích động hành vi bất tuân dân sự; lợi dụng tôn giáo để thực hiện mưu đồ xấu, công kích, chống phá... Các thế lực phản động, thù địch còn xuyên tạc trắng trợn rằng, việc xử lý những người vi phạm pháp luật là “đàn áp” những người biểu tình ôn hòa, yêu nước, kêu gọi đưa vấn đề ra Liên hợp quốc và kêu gọi các tổ chức quốc tế vào cuộc; xuyên tạc trắng trợn rằng các đạo luật trên là vi hiến, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống người dân. Nham hiểm hơn, các thế lực phản động, thù địch còn kêu gọi người dân không chỉ dùng Facebook mà dùng nhiều mạng xã hội khác để “đấu tranh”...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét