Các nhà phân tích chính trị cảnh báo: “Có một cơ hội rất thực rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy có thể trở thành hiện tượng chính trị quyết định trong thập kỷ tới, không chỉ ở Mỹ hay châu Âu mà ở khắp các nền dân chủ phát triển”(6).
Liệu chủ nghĩa
dân túy có xuất hiện ở Việt Nam khi mà trên thế giới nguy cơ của nó đang hiện
hữu và có xu hướng mở rộng? Câu trả lời là: Không có gì là không thể.
Chúng ta phải
hết sức cảnh giác với chủ nghĩa dân túy, khi đất nước đang chủ động hội nhập
sâu, rộng và toàn diện vào đời sống quốc tế trong quá trình toàn cầu hóa, đòi
hỏi “dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực
của đời sống xã hội”(7) trong điều kiện “nhận thức về dân chủ
trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế”… “có lúc, có nơi,
việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; có tình trạng lợi
dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ”(8). Mặt khác,
phải thẳng thắn nhìn nhận những yếu tố có tính nguyên nhân như phân tích ở trên
đều tồn tại ở những mức độ phức tạp khác nhau trong đời sống kinh tế, xã hội
Việt Nam. Bên cạnh đó, “việc giải quyết một số vấn đề xã hội chưa hiệu quả…
giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng có xu hướng
gia tăng”(9) là những điều kiện để các phát ngôn, hành động dân
túy bộc phát.
Sự mong muốn thực
hành dân chủ trong một bộ phận nhân dân, khi điều kiện thông tin chưa thật sự
đầy đủ để có thể phân biệt rõ giữa dân chủ và dân túy, có thể dẫn đến sự nhầm
lẫn giữa dân chủ và dân túy. Mặt khác, khi những phần tử cơ hội chính trị lợi
dụng tình hình phức tạp để mưu đồ cá nhân, phe nhóm, dẫn đến nguy cơ một bộ
phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hào hứng đón nhận các phát ngôn, hành động
dân túy.
Để có thể phòng
ngừa chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức
của cán bộ, đảng viên và nhân dân về những tác hại của chủ nghĩa dân túy, phải
hạn chế tối đa “đất sống” của chủ nghĩa dân túy và cần lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, phải nhận diện và cảnh giác với những
biểu hiện của chủ nghĩa dân túy trong đời sống chính trị Việt Nam. Có thể đánh
giá, ở Việt Nam đã có những biểu hiện bước đầu của phát ngôn, lời nói, hành
động mang tính dân túy. Ta dễ dàng nhận thấy những biểu hiện này qua các phát
ngôn theo kiểu “nói cho sướng miệng”, không đúng chủ trương, đường lối, nguyên
tắc của Đảng, bỏ qua những quy định pháp lý, thiếu tính khả thi, vượt quá hoặc
không đúng thẩm quyền của một vài cá nhân được sự tung hô của những tờ báo non
nớt về chính trị, của một vài “thủ lĩnh” trên mạng xã hội, thu hút được quan
tâm của quần chúng vì “lạ khẩu vị”. Thực tế ấy đã được Nghị quyết Đại hội XII
của Đảng chỉ rõ: “Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái
với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”(10).
Nó rất gần với những gì đã và đang xảy ra trên thế giới, ở chỗ những phát ngôn,
lời nói và hành động mang tính dân túy đã nhất thời lấy được lòng dân vì những
cá nhân này đã biết khai thác tâm lý chán ngán của người dân về hình ảnh mô
phạm, nhàm chán của các chính trị gia chính thống, “sử dụng thứ ngôn ngữ mạnh
mẽ, cực đoan nhưng dễ hiểu với đa số mọi người, hứa hẹn về quyền lợi cho số
đông, thổi bùng ý niệm về sự xung đột lợi ích giữa các nhóm đa số và thiểu số…”(11).
Ở một khía cạnh khác, những cá nhân, những con người hành xử theo hướng dân túy
như đã nói ở trên cũng đã thu được những kết quả, trở thành “nhân vật của
truyền thông”, thậm chí đã từng đạt đến vị trí cao trong nấc thang quyền lực.
Công bằng mà nói họ cũng là những người có sức thu hút cá nhân, “hoạt ngôn”,
tranh thủ được không ít người bằng kiểu hành xử “của người phúc ta” và biết
cách “đầu tư” xây dựng các tờ báo, phóng viên “thân hữu”, các cây bút mạng có
ảnh hưởng. Họ biết “chọn thời điểm để tỏa sáng, thường là những lúc người dân
trong xã hội phải đối mặt với những khó khăn trở ngại trong cuộc sống do suy
thoái kinh tế, bất ổn an ninh”(12).
Hai là, thực tế trên thế giới cũng cho thấy,
sở dĩ người dân tin và đi theo phong trào dân túy hay ủng hộ các nhân vật dân
túy cũng vì phần lớn là do sự điều hành kém hiệu quả của chính quyền trong giải
quyết những bất bình và bức xúc của người dân, từ đó họ mong muốn có những
người đại diện cho công quyền kiểu khác, thậm chí là một chính quyền khác mạnh
mẽ và hiệu quả hơn, hiểu họ hơn. Có như vậy, may ra những nguyện vọng và mong
ước của người dân mới được đáp ứng. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng
yêu cầu: “Hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ - pháp quyền, quy định trách
nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan nhà nước; giảm mạnh, bãi bỏ những
thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đề cao đạo đức
công vụ… siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ”(13).
Chính vì vậy, các cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương phải hết sức
có trách nhiệm tìm hiểu và hành động để giải quyết hiệu quả những vấn đề bức
xúc, những nguyện vọng, lợi ích chính đáng và hợp pháp của nhân dân. Hành động
của bộ máy cơ quan công quyền các cấp và của mọi cán bộ, công chức thực thi
công vụ phải thực sự vì lợi ích chung, vì lợi ích chính đáng của nhân dân và
dân tộc, để hành động theo đúng chỉ dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân, ta
phải hết sức làm”; không chỉ và không thể chỉ vì lợi ích trước mắt, chỉ vì danh
lợi cá nhân, chỉ vì tương hợp với “lợi ích nhóm” của mình, đi ngược lại lợi ích
của Nhân dân, của dân tộc.
Ba là, tiếp tục kiên định thực hiện một cách
chủ động, linh hoạt và sáng tạo chiến lược đối ngoại trong hội nhập quốc tế,
với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc theo phương châm
“hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh
hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi”(14).
Điều cần nhấn mạnh là, không chỉ vì quá cảnh giác với chủ nghĩa dân túy mà
chúng ta lại tự cô lập, đứng ngoài “cuộc chơi”của thế giới. Song, cũng không
phải chỉ vì muốn quan hệ và “làm ăn” mà phải luôn “làm theo đám đông”, mà phải
chấp nhận, đánh đổi tất cả, và qua đó để cho chủ nghĩa dân túy có điều kiện xâm
nhập và nảy sinh ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà
nước, các kênh đối ngoại và các hoạt động đối ngoại phải hết sức tỉnh táo, bình
tĩnh, chủ động và mềm dẻo để Việt Nam không bị cô lập với thế giới, không bị lệ
thuộc vào thế giới và cũng không bị tác động tiêu cực bởi “chủ nghĩa dân túy”.
Bốn là, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng
trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Yêu cầu, nhiệm
vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới, đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa
công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà trung tâm là đẩy lùi sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong nội bộ. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn
với Đảng và chế độ ta, là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ Đại
hội XII của Đảng.
Như chúng ta
biết, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối
sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ tham nhũng, quan liêu,
lợi ích nhóm, đã và đang làm tổn thương lòng tự trọng, danh dự và cũng đòi hỏi,
thôi thúc hành động của những đảng viên chân chính, tâm huyết với sự nghiệp
cách mạng của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã nhận
diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong các biểu hiện ấy, có biểu hiện manh
nha của chủ nghĩa dân túy, có biểu hiện là “cơ hội” cho dân túy bộc
phát, lên ngôi. Vì vậy, cần nhận thức rõ rằng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là “cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể
không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta”(15).
Nắm vững và làm
theo tư tưởng Hồ Chí Minh, những kinh nghiệm xương máu từ truyền thống lãnh đạo
cách mạng của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tuyên
truyền, giáo dục trong toàn hệ thống chính trị, tạo chuyển biến về chất trong
học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho mỗi cán
bộ, đảng viên tự soi mình, tự sửa đổi lối làm việc, khép mình vào kỷ luật của
Đảng, nói và làm theo cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết của Đảng và pháp luật của
Nhà nước, góp phần bồi đắp niềm tin của Nhân dân về một Đảng là hiện thân của
giá trị “đạo đức, văn minh”.
Năm là, phải tuyên truyền rộng rãi cho Nhân
dân thấy rõ những biểu hiện, nguy cơ và tác hại của chủ nghĩa dân túy. Trong
nhiều trường hợp, người dân không thể phân biệt được đâu là người theo hay
không theo chủ nghĩa dân túy, dễ nhầm lẫn giữa người vô nguyên tắc, vô chính
phủ với người mạnh mẽ đổi mới. Trong khi đó, sự cổ súy từ những cây bút có chủ
ý hoặc do non nớt về chính trị của một số tờ báo và một số trang mạng xã hội sẽ
đem đến sự nhầm lẫn trong đánh giá. Ngay từ bây giờ, cả hệ thống chính trị và
mỗi công dân cần nhận thức rõ, biết cảnh giác và phải từng bước đấu tranh với
những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy dưới mọi màu sắc.
Đấu tranh ngăn
ngừa và chống chủ nghĩa dân túy xâm nhập là một quá trình bền bỉ, dài lâu, gắn
bó mật thiết với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, là một phần rất quan trọng
của đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống trong Đảng. Phải kiên trì làm công tác tư tưởng, đề cao sự phòng ngừa.
Điều này đòi hỏi sự tất yếu và cấp bách phải tăng cường lãnh đạo chỉ đạo của
các cấp ủy, sự vào cuộc của báo chí, truyền thông và sự tham gia tích cực của
mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét