Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Về chủ nghĩa dân túy và đấu tranh ngăn ngừa những biểu hiện của nó ở Việt Nam hiện nay

 

Chủ nghĩa dân túy là hiện tượng phức tạp, được chú ý nhiều trong đời sống chính trị trên thế giới hiện nay. Bài viết phân tích nguồn gốc, đặc trưng của chủ nghĩa dân túy và những biểu hiện chính của nó trong thế giới đương đại; đồng thời phân tích những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện nay, mặc dù nó chưa trở thành trào lưu điển hình và chưa chi phối đời sống chính trị - xã hội nhưng đã xuất hiện và có nguy cơ tạo ra những hậu quả tiêu cực nếu chúng ta không nhận diện và đấu tranh, ngăn ngừa kịp thời.

Tư tưởng dân túy có từ xa xưa trong lịch sử, nhưng đến các thế kỷ XVII, XVIII và XIX mới phát triển mạnh mẽ trong các phong trào nông dân, thể hiện sự ủng hộ hoặc nhân danh nông dân, tìm mọi cách chống lại sự phát triển của sở hữu lớn tư bản chủ nghĩa, chống lại giai cấp tư sản trong quá trình cách mạng tư sản, hướng đến những phong trào đấu tranh mang tính không tưởng (không lấy chính sự phát triển hiện tại của những quan hệ kinh tế và xã hội, như cách nói của V.I. Lê-nin, làm tiêu chuẩn cho lý luận của mình, như ở các nước phương Tây, nhất là ở Anh, Mỹ, Pháp và sau đó ở Nga,...).

Ở Nga, vào cuối thế kỷ XIX, thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” được sử dụng để chỉ trào lưu xã hội theo chủ nghĩa không tưởng mang tính nông dân của tầng lớp thanh niên trí thức nước này. Những người sáng lập ra chủ nghĩa dân túy ở Nga là Ghéc-xen, Chéc-nư-sép-xki. Trong những năm 70 của thế kỷ XIX, những nhà tư tưởng tiêu biểu của chủ nghĩa dân túy Nga là Ba-cu-nin, Láp-rốp, Mi-khai-lốp-xki. Đặc trưng của chủ nghĩa dân túy ở Nga lúc này là tư tưởng dân chủ nông dân, mơ ước chủ nghĩa xã hội với hy vọng bỏ qua chủ nghĩa tư bản, cho rằng có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng hình thức công xã nông thôn và lấy giai cấp nông dân (do trí thức lãnh đạo) là động lực chính của cách mạng. Trong những năm 1870 - 1880, chủ nghĩa dân túy có vai trò tích cực trong đấu tranh chống Nga hoàng, nhưng về sau nó gây trở ngại cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào Nga, vì nó chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa vào nông dân và công xã nông thôn, phủ nhận sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga, phủ nhận vai trò cách mạng và lãnh đạo cách mạng của giai cấp vô sản, khẳng định chủ nghĩa tư bản có thể đi vào đời sống nhân dân mà không làm cho nông thôn phá sản, không bóc lột nông dân lao động. Chủ nghĩa dân túy ở Nga khi đó đưa ra những chương trình cải cách nhỏ, không đụng chạm đến kinh tế của phú nông, coi mâu thuẫn giai cấp ở nông thôn là tầm thường, mà một nhà nước bình thường của dân cũng có thể dễ dàng khắc phục. Thực chất của chủ nghĩa dân túy ở Nga khi đó, như V.I. Lê-nin khẳng định, là thái độ thỏa hiệp với Nga hoàng, là từ bỏ cuộc đấu tranh chống chế độ Nga hoàng, hy vọng Chính phủ Nga hoàng đứng trên các giai cấp và có khả năng cải thiện đời sống của nông dân. Do đó, V.I. Lê-nin nhấn mạnh, muốn đem chủ nghĩa Mác kết hợp với phong trào công nhân Nga, muốn thành lập chính đảng mác-xít cách mạng Nga, nhất thiết phải đập tan ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy trong phong trào cách mạng Nga nói chung và trong phong trào công nhân Nga nói riêng. 

Ở Mỹ, thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” được sử dụng rộng rãi kể từ những năm 90 của thế kỷ XIX, khi phong trào dân túy của Mỹ thúc đẩy người dân sống ở nông thôn và Đảng Dân chủ chống lại những người theo Đảng Cộng hòa sống ở đô thị. Đến những năm 50 của thế kỷ XX, thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” được sử dụng một cách rộng rãi hơn trên thế giới, nhằm mô tả các phong trào chính trị khác nhau, từ chủ nghĩa phát-xít, chủ nghĩa cộng sản châu Âu, chủ nghĩa chống cộng đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc,... và có rất nhiều cách hiểu khác nhau về chủ nghĩa dân túy. 

Đến đầu thế kỷ XXI, như F. Đéc-cơ (F. Decker) và C. Mớt-đơ (C. Mudde) xác định, chủ nghĩa dân túy trên thế giới có thể được xem là một hệ tư tưởng, nhưng là một “hệ tư tưởng mỏng”, nhằm giải thích thế giới và biện minh cho những mục tiêu cụ thể; được xây dựng trên cơ sở đa số người dân chống lại tầng lớp tinh hoa quyền lực; không có hệ thống giá trị cụ thể, mà chỉ nhấn mạnh sự tương phản giữa đa số nhân dân và tầng lớp tinh hoa; hướng vào việc tranh giành lòng tin của quần chúng, lợi dụng người dân cho mục đích riêng với lời hứa suông và thiếu trách nhiệm(1). 

Chủ nghĩa dân túy, theo F. Phu-ku-y-a-ma, là thuật ngữ được sử dụng rất lỏng lẻo, nhằm mô tả một loạt các hiện tượng không nhất thiết dung hợp với nhau. Chủ nghĩa dân túy có các đặc điểm chính là: 1- Là chế độ chính trị theo đuổi những chính sách được dân chúng ủng hộ trong một giai đoạn ngắn; 2- Là việc lấy một số nhóm sắc tộc hoặc chủng tộc được coi là “nhân dân” làm nền tảng cho tính chính danh của chế độ; 3- Là phong cách của các nhà lãnh đạo, cầm quyền tự xưng là người đại diện trực tiếp của nhân dân, hướng niềm hy vọng (và cả sự phản kháng) của người dân vào những hành động tức thời(2). Còn theo Rô-nan F. Inh-gơ-hát (Ronald F. Inglehart) và N. Pi-pa No-rít (N. Pippa Norris), chủ nghĩa dân túy hiện nay có ba yếu tố chủ yếu: 1- Sự minh triết của nhân dân với tư cách số đông người; 2- Sự ưa thích các nhà lãnh đạo độc đoán; 3- Đề cao tinh thần bài ngoại, ưu tiên người bản địa(3).

Ngày nay, thậm chí đã xuất hiện những hình thức biểu hiện của chủ nghĩa dân túy mới, như chủ nghĩa dân tộc dân túy (populist nationalism), chủ nghĩa dân túy mới (neo-populism), với những thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân của một số giới chính trị tác động vào quan điểm, tâm lý của đám đông người dân (cử tri) để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ quần chúng, giúp nhiều nhà dân túy giành được quyền lực, tạo ra những thay đổi lớn về tương quan lực lượng có lợi cho mình trên chính trường và làm thay đổi chính sách. 

Với tính cách là phong trào chính trị, phong trào dân túy thường nhấn mạnh đến đặc điểm văn hóa, tình cảm tự phát và nhất là lợi ích thường nhật, trước mắt của người dân. Các hoạt động của phong trào dân túy thường được diễn ra: Thứ nhất, thông qua các cuộc gặp gỡ trực tiếp, tìm hiểu và “lắng nghe”, “chia sẻ” ý kiến, nguyện vọng của số đông trong một nhóm dân cư bị thiệt thòi nhất định, hoặc các cuộc họp của dân chúng, trưng cầu dân ý hay các hình thức dân chủ trực tiếp, trong khi lại ít hoặc không cần quan tâm đến nguyện vọng, lợi ích chung của toàn xã hội; tập trung chú ý vào các quyền và lợi ích nhiều hơn là trách nhiệm và nghĩa vụ của các nhóm dân cư này. Thứ hai, thông qua hoạt động nghị trường ở các cơ quan dân cử với các tranh luận nghị sự, các sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cuộc mít-tinh, biểu tình,... Thứ ba, thông qua cá nhân các nhà dân túy - những người được “hâm mộ” với những phong cách chính trị có khả năng tạo “hình ảnh lớn” và “ấn tượng mạnh”, có các hình thức và thủ thuật “hùng biện chính trị” khi nêu chiến lược hay sách lược “đấu tranh” mang tính chất mị dân, nhằm lôi kéo, tranh thủ quần chúng để đạt được mục đích của họ.

Cho đến nay, các phong trào được coi là chủ nghĩa dân túy, như F. Phu-ku-y-a-ma xác định, còn có thể được khu biệt thành hai nhóm lớn: 1- Chủ nghĩa dân túy Cánh hữu (phổ biến ở khu vực Bắc Âu, bảo vệ các nhà nước phúc lợi nhưng không mở rộng dịch vụ, trợ cấp xã hội, dựa vào tầng lớp trung lưu, nhấn mạnh yếu tố sắc tộc và chống người nhập cư; những người thuộc tầng lớp lao động ở Mỹ ủng hộ Tổng thống Mỹ Đ. Trăm;...); 2- Chủ nghĩa dân túy Cánh tả (phổ biến ở khu vực Mỹ La-tinh và Nam Âu, được sự ủng hộ của người nghèo và hướng theo các chương trình xã hội tái phân phối lợi ích, khắc phục tình trạng bất bình đẳng về kinh tế; không nhấn mạnh vấn đề sắc tộc hoặc nhập cư)(4). Tuy nhiên, trong thực tế, thật khó phân định những người dân túy cánh tả hay cánh hữu một cách rõ ràng, bởi chủ nghĩa dân túy giống như một cách thức tìm kiếm quyền lực hơn là một lý tưởng chính trị. Những người dân túy thường có nét chung là có sức thu hút cá nhân, có tài hùng biện và thuyết phục số đông, nhất là những lúc người dân phải đối mặt với những khó khăn do suy thoái về kinh tế hay bất ổn về an ninh. Ngoài ra, lại có những nhóm, phong trào dân túy không thực sự thuộc nhóm nào trong hai nhóm nêu trên. Chẳng hạn, Phong trào Năm Sao ở I-ta-li-a, trong khi chống lại các thiết chế đã định hình và phản đối tầng lớp tinh hoa I-ta-li-a, nhưng khác với những người dân túy ở cả Nam Âu và Bắc Âu, khi nó dựa chủ yếu vào giai cấp trung lưu lớp giữa và lớp trên ở đô thị hơn là đặt nền tảng trên giai cấp lao động đang suy thoái.

Chủ nghĩa dân túy chứa đựng rất nhiều yếu tố phức tạp và cần được nhìn nhận từ nhiều cách tiếp cận khác nhau(5). Chẳng hạn, ở cách tiếp cận ý thức hệ, có thể thấy nguồn gốc tư tưởng của nó không thuần nhất; ở cách tiếp cận “kỹ thuật”, có thể xem nó như là những chiến lược, đối sách hay phong cách, phương pháp thu hút quần chúng, sức hấp dẫn cá nhân, tài hùng biện, thuyết phục đối với số đông dân chúng của các nhà dân túy. 

Từ những năm đầu thế kỷ XXI và nhất là từ năm 2016 trở lại đây, chủ nghĩa dân túy mới trỗi dậy ở nhiều nước với việc nhiều nhà dân túy giành được các vị trí lãnh đạo, gây ra những thay đổi trên chính trường quốc gia và quốc tế. Nguyên nhân làm xuất hiện chủ nghĩa dân túy rất đa dạng và phức tạp, từ kinh tế đến chính trị, từ xã hội đến văn hóa và ngày nay là vấn đề môi trường, cạn kiệt tài nguyên (Chẳng hạn, đó là sự bất bình đẳng kinh tế, phân biệt giàu - nghèo, bất mãn xã hội, phản ứng của các bộ phận dân cư từng chiếm ưu thế trước những thay đổi về các giá trị vốn đe dọa vị thế của họ, bất bình đẳng giới, bạo lực và buôn bán các trẻ em gái, phân biệt tôn giáo, chủng tộc, tư tưởng bài ngoại,...). Chủ nghĩa dân túy thường phát triển khi người dân trong xã hội phải đối mặt với những khó khăn do suy thoái hay khủng hoảng về kinh tế, bất ổn về xã hội, an ninh, môi trường và trước sự lúng túng, bị động, thất bại của các đảng cầm quyền, chính quyền hay sự suy thoái, nạn quan liêu, tham nhũng của công chức nhà nước; tình trạng bấp bênh của nền kinh tế trong bối cảnh các thay đổi về lực lượng lao động ở các xã hội hậu công nghiệp; những thay đổi về văn hóa và dân số;... Do vậy, dù với nội dung hay hình thức nào, về bản chất, chủ nghĩa dân túy cũng vẫn là một loại tư tưởng tiểu tư sản, duy tâm, phản khoa học, không tưởng, mị dân và thậm chí phản động.

Chủ nghĩa dân túy ngày nay có xu hướng trỗi dậy và hiện đang trở thành làn sóng trên thế giới, nhất là ở các nước châu Âu và châu Mỹ. Làn sóng chủ nghĩa dân túy có thể đưa đến những hệ quả bất ngờ và gây bất ổn cho nền chính trị các nước, các khu vực và thế giới, làm thay đổi đường lối, chính sách của các đảng cầm quyền và các chính phủ. Chẳng hạn, thắng lợi trong các cuộc bầu cử của Mặt trận Dân tộc Pháp, Đảng Độc lập Anh, Đảng Chọn lựa cho Đức, Phong trào Năm sao ở I-ta-li-a, Đảng Tự do Hà Lan, Đảng Tự do Áo, và nhất là kết quả trưng cầu dân ý của đa số cử tri Anh đồng ý việc nước này ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit); “cuộc chiến giai cấp” giữa những người hưởng lợi từ một thế giới toàn cầu hóa với những người cảm thấy bị bỏ lại phía sau; sự phản ứng của người dân trước những khó khăn hay thất bại trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền, như Phong trào Áo Vàng ở Pháp hiện nay,... đã cho thấy rõ điều đó. Đặc biệt, chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang có xu hướng thắng thế, mà hệ lụy của nó là có thể làm đảo ngược một số đường lối tích cực mà các quốc gia đang theo đuổi, như sự bình đẳng giới, bình đẳng kinh tế, sự hòa hợp giữa các dân tộc và xu hướng hợp tác quốc tế, chống chủ nghĩa độc quyền, bảo hộ. 

Có thể nói, chủ nghĩa dân túy là những thủ pháp, thủ thuật của giới hoạt động chính trị nhằm lôi kéo sự chú ý của người dân, thông qua nghệ thuật diễn thuyết với nội dung mơ hồ, khó thực hiện trong thực tế, nhằm thỏa mãn một nhu cầu nào đó có tính chất ngắn hạn, nhất thời của người dân, nhất là của giới bình dân. Đặc điểm chung của chủ nghĩa dân túy là tách rời phát ngôn với hành động, chỉ làm thỏa mãn nhu cầu trước mắt của dân chúng hoặc một bộ phận dân chúng, nhanh chóng thay đổi quan điểm và không nhất quán một nguyên tắc nào. Hệ quả, thậm chí là hệ lụy của chủ nghĩa dân túy là nó thường gắn với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tinh thần quốc gia vị kỷ; chủ nghĩa bành trướng, bá quyền; sự ngạo mạn và chủ nghĩa biệt lập văn hóa, vấn đề di cư, nhập cư,... với những hình thái và mức độ biểu hiện khác nhau.

Hiện nay, chủ nghĩa dân túy đang có nguy cơ ảnh hưởng sâu và tiêu cực tới Việt Nam, mặc dù ở Việt Nam chủ nghĩa dân túy không có cơ sở kinh tế, chính trị - xã hội để tồn tại dưới dạng “chủ nghĩa”, mà mới chỉ tồn tại với tính cách là quan điểm, tư tưởng, không thành hệ thống lý luận và chỉ biểu hiện ở phát ngôn, hành động của một số người. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam dù chưa điển hình và chưa trở thành trào lưu chi phối đời sống chính trị - xã hội, nhưng đã xuất hiện nguy cơ tạo ra những hậu quả tiêu cực. Mức độ và phạm vi ảnh hưởng tiêu cực của các quan điểm, tư tưởng và hành động của chủ nghĩa dân túy đang có nguy cơ tăng lên trong đời sống xã hội, có khả năng lan rộng và thấm sâu - trở thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ cơ hội, mị dân lợi dụng - nên rất cần nhận diện và đấu tranh phòng ngừa, xử lý kịp thời, có hiệu quả.

Từ thực tế, phải chăng, có thể thấy những nhóm biểu hiện chủ yếu và bước đầu của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện nay như sau: 

Thứ nhất, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tôn thờ và chạy theo những lợi ích trước mắt, thực dụng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân - những biểu hiện manh nha của chủ nghĩa dân túy. Một số phần tử phản động và cơ hội chính trị ra sức tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ, vu cáo, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; “tầm thường hóa” lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cổ xúy mọi người chỉ theo đuôi thực tiễn, xem thường lý luận, làm cho mọi người không quan tâm và mất niềm tin, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phủ nhận chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và khả năng đổi mới, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự sáng tạo của nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước.

Thứ hai, những phát ngôn và hành động của những phần tử cơ hội chính trị, nhất là những phát ngôn, những bài viết mang tính mị dân trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các diễn đàn, các trang mạng xã hội,... thể hiện dưới dạng những thủ đoạn và nội dung như sau: 1- Có những phát ngôn và hành động trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước (đòi tự do, dân chủ không giới hạn, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa,...); 2- Lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phá hoại đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, âm mưu đẩy đất nước vào bất ổn, phá vỡ môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước; 3- Lạm dụng các quyền tự do, dân chủ để đưa ra những đòi hỏi phi lý, những chương trình hành động có tính mị dân, không đúng chính sách, pháp luật, thiếu tính khả thi, xa rời thực tế; tranh thủ dư luận xã hội với dụng ý xấu, động cơ không lành mạnh, từ đó gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ; 4- Lợi dụng tình hình đời sống và sản xuất còn có khó khăn, yếu kém để kích động, lôi kéo một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân không vững vàng đi theo, gây rối, chống phá, gây mất ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội; 5- Sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để bịa đặt, tung tin thất thiệt, gây hoang mang trong dư luận xã hội; lợi dụng, thổi phồng những khó khăn, hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong lãnh đạo và quản lý, làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử. Lập các trang điện tử để đăng tin, bài với dụng ý xuyên tạc, bịa đặt, phản ánh sai lệch tình hình đất nước; công kích, làm mất uy tín của cán bộ lãnh đạo, kích động tâm lý bất mãn, phản đối; 6- Có những lời nói, việc làm “tạo tiếng vang”, sáo rỗng, không thực tế, thiếu trách nhiệm, lấy lòng đám đông, tạo cảm xúc, lợi dụng, kích động phản ứng của người dân trước những vấn đề bức xúc nhất định của xã hội với những dụng ý, động cơ thiếu trong sáng và vì lợi ích riêng; tạo tâm lý hoài nghi, bất mãn, dao động trên một số diễn đàn và nhất là trên các trang mạng xã hội; kêu gọi biểu tình, cổ vũ tụ tập đông người với những “khẩu hiệu” “bất tuân dân sự” gây sốc, làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, xuất hiện những người cơ hội dưới dạng “theo đuôi quần chúng”, “chiều theo” ý kiến, nguyện vọng của một nhóm nhất định nhân danh “quần chúng” mà bỏ qua các nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; “lấy lòng quần chúng” để giành chức quyền, mưu lợi ích riêng; bám giữ “tư duy tiểu nông”, “tiểu tư sản” trong một số trí thức và người dân, gây bất mãn với Đảng, Nhà nước và chế độ; hô hào những người còn ngộ nhận, tự phát, bất mãn, vi phạm pháp luật, làm công cụ chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư, xuất hiện một số cán bộ, đảng viên có quan điểm, lời nói, hành động không đúng với chủ trương, đường lối, nguyên tắc của Đảng, không đúng quy định pháp lý, thiếu tính khả thi, vượt quá giới hạn thẩm quyền; hứa suông, nói không đi đôi với làm, nói nhiều, làm ít, nói một đường, làm một nẻo; cơ hội, lợi dụng, tranh thủ phiếu bầu của những cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, thoái hóa, biến chất; “tư duy nhiệm kỳ”, đề cao lợi ích trước mắt, cục bộ, địa phương; đưa ra những tuyên bố “gây sốc” trong cộng đồng nhằm mị dân, lấy lòng đám đông trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội, đề cao những lợi ích trước mắt của một bộ phận nhân dân; nhân danh “mối quan hệ trực tiếp với nhân dân”, “ý muốn của số đông”, “đại diện cho nhân dân”, hướng hành động của người dân vào việc làm phức tạp thêm những hạn chế, bất cập của chính quyền, kích động họ có những hành động tự phát, tức thời chống đối chính quyền, gây mất ổn định chính trị, xã hội và thiệt hại cho đất nước; tác động vào tâm lý đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào, lôi kéo, tranh thủ dư luận và đông đảo người dân; lợi dụng niềm tin của người dân để phục vụ mục đích cá nhân.

Nguyên nhân làm xuất hiện những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện nay là do: Một là, ảnh hưởng của những nhân tố quốc tế, như mặt trái của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, thông tin mạng toàn cầu; quá trình cá nhân hóa thông tin tăng nhanh, thông tin giả tràn lan, làm cho người dân hiểu không đủ, không rõ, không kịp nhiều vấn đề, dễ hoang mang, bị thông tin giả chi phối, dẫn dắt; sự lợi dụng, lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc và chống phá, can thiệp của các thế lực thù địch từ bên ngoài. Hai là, ảnh hưởng của những nhân tố trong nước, như những hạn chế, khó khăn trong phát triển đất nước; sự gia tăng tình trạng phân hóa giàu - nghèo, bất bình đẳng xã hội; sự suy thoái, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tình trạng “lợi ích nhóm”, vi phạm dân chủ, thái độ thờ ơ, vô cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên trước những khó khăn của người dân; sự thiếu công khai, minh bạch trong quản lý của một số tổ chức chính quyền... Ba là, công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin chưa thật sự đầy đủ, chính xác và kịp thời, trong khi trình độ văn hóa, pháp luật và trình độ dân trí nói chung trong xã hội chưa cao, nhận thức của người dân vẫn còn những hạn chế, nhất là chưa phân biệt rõ giữa dân chủ và dân túy.

Nếu không đấu tranh, ngăn ngừa kịp thời những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện nay thì hậu quả của nó sẽ vô cùng nguy hiểm: Làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết toàn dân; gây mất ổn định chính trị - xã hội, ảnh hưởng đến việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước; làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ của Việt Nam với các đối tác. 

Để phòng ngừa và ngăn chặn những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện nay, cần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về những tác hại của chủ nghĩa dân túy, đồng thời chỉ ra những biểu hiện cụ thể của nó. Theo đó, cần: 

Thứ nhất, đẩy mạnh việc nghiên cứu làm rõ khái niệm, nội dung, hình thức biểu hiện, tác hại và nguyên nhân phát sinh, phát triển của chủ nghĩa dân túy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận biết được những nguy cơ, biểu hiện và tác hại của chủ nghĩa dân túy; kịp thời nhận diện và cảnh giác với những biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam; định hướng thông tin đúng đắn trên báo chí, tạo hiệu ứng truyền thông tích cực, liên tục nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái và những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy. 

Thứ hai, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, phòng, chống có hiệu quả tình trạng tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, toàn tâm, toàn lực phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, thực hiện đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”, “việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”, để củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ. 

Thứ ba, kiên định phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, giữ vững độc lập, chủ quyền trong quá trình hội nhập quốc tế; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí, truyền thông, nâng cao khả năng định hướng dư luận xã hội của báo chí, truyền thông. 

Thứ tư, phát hiện, xử lý và khắc phục kịp thời những biểu hiện và hậu quả của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam./.

Chủ nghĩa dân túy - một hiện tượng của nền chính trị thế giới -

Từ năm 2016, nền chính trị thế giới, lại xuất hiện và bùng lên một hiện tượng nổi bật, thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu: chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy.

Có thể thấy, chưa bao giờ cụm từ “chủ nghĩa dân túy” được nhắc nhiều đến như vậy trên chính trường và báo chí thế giới, đặc biệt nhân dịp các cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý ở nhiều nước Âu, Mỹ. Ngay ở châu Á, nơi vốn được xem là “bình lặng” trong “cơn địa chấn dân túy” cũng đã có những chính trị gia đạt đến đỉnh cao quyền lực bằng và thông qua những phát ngôn và hành động dân túy. Rất nhiều hãng tin và tờ báo lớn đã giật những tít bài rất kêu trong phân tích tình hình chính trị thế giới năm 2016, 2017: “Khi chủ nghĩa dân túy lên ngôi”, “Chủ nghĩa dân túy và những cơn địa chấn”… Giới phân tích chính trị thì lo lắng sự thắng thế của làn sóng dân túy có thể dẫn đến những kết quả khó đoán, bất ngờ và tác động bất ổn đến nền chính trị các nước, các khu vực và thế giới.

Sự lo lắng đó là có cơ sở, vì cách mà các nhân vật này thực hiện những cam kết trong chiến dịch tranh cử của họ có thể hạn chế, thậm chí đảo ngược một số đường lối tích cực mà các quốc gia đang theo đuổi như: sự ổn định xã hội, bình đẳng giới, bình đẳng kinh tế, tự do thương mại, sự bao dung giữa các dân tộc, tôn giáo, xu hướng hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa…

Góp phần nhận diện chủ nghĩa dân túy và nguyên nhân của nó

Hơn một thế kỷ trước vào năm 1890, thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” được sử dụng rộng rãi tại Mỹ trong phong trào thúc đẩy người dân nông thôn và Đảng Dân chủ chống lại những người Đảng Cộng hòa thường sống tập trung ở đô thị. Nó cũng được sử dụng để nói đến phong trào của các trí thức ở Nga tự ghét bỏ tầng lớp của mình và đồng cảm với giai cấp nông dân, ấp ủ mộng ước xây dựng những “công xã nông thôn” cho giai cấp nông dân dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Từ vai trò tích cực trong tập hợp nông dân đứng lên chống lại Nga hoàng, theo sự phát triển của lịch sử, nó lại trở thành trào lưu tư tưởng cản trở sự phát triển, là một trở ngại cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga(1). Những sai lầm, bản chất phản động, đi ngược lại lý luận của chủ nghĩa Mác của phái này đã bị V.I.Lê-nin phê phán mạnh mẽ trong tác phẩm “Những người bạn dân là thế nào, họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao”.

Tuy nhiên, để xác lập một cách hiểu hoàn chỉnh, thống nhất về khái niệm có tính chất phức hợp như chủ nghĩa dân túy là một vấn đề khó. Thống nhất trong nhận định và đánh giá các biểu hiện trong thực tiễn xã hội, chính trị lại càng khó hơn. Những khái niệm như chủ nghĩa dân túy, phong trào dân túy, hành động dân túy, phát ngôn dân túy… được đưa ra trong những bối cảnh, hành động khác nhau có cách hiểu và tác động khác nhau.

Khoa học xã hội xem dân túy như một khuynh hướng tư tưởng và chính trị nhấn mạnh sự tương phản giữa “nhân dân” với tầng lớp “tinh hoa”, thể hiện trong những tuyên bố cho là mình đứng về phía “dân thường”(2). Nó như một phong cách chính trị cụ thể, một hình thức hùng biện chính trị hay chiến lược để đạt được quyền lực(3). Sự ra đời của nó được đánh dấu với những biểu hiện dường như “phi chính trị”, bằng sự từ chối giới tinh hoa, từ chối những tư tưởng “dòng chính” đang ngự trị để nói lên tiếng nói của người dân có vị trí xã hội thấp…

Có quan điểm xem dân túy như một ý thức hệ, nhưng chỉ là một “ý thức hệ mỏng”(4), không có hệ thống quan điểm riêng, không có nhân tố cấu thành cốt lõi tư tưởng của chính mình nhằm phân biệt với các hệ tư tưởng khác. Ý kiến khác lại xem dân túy là “một phong trào chính trị nhấn mạnh lợi ích, đặc điểm văn hóa và tình cảm tự phát của những người dân bình thường, trái ngược với những người của một tầng lớp đặc quyền”(5). Dưới góc độ phong cách ngôn ngữ và một phương thức hành động, dân túy “là chính sách của kẻ cơ hội tìm cách để giành được lòng tin của quần chúng”.

Trong ngôn ngữ hằng ngày ở châu Âu, châu Mỹ lẫn ở châu Á, dân túy thường dùng để chỉ trích một đảng phái, một vài chính trị gia nào đó đang tìm kiếm sự thu hút, ủng hộ của dân chúng và dư luận bằng những lời hứa êm tai nhưng trống rỗng, thậm chí thiếu trách nhiệm đối với tương lai chính trị của đất nước, mang nặng cảm xúc nhất thời, thiếu triết lý bền vững cho những mục tiêu chính trị lâu dài và giải pháp hiệu quả cho các vấn đề hiện tại.

Vì vậy, từ các cách tiếp cận trên, có thể nhìn nhận, khái niệm dân túy thường được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao chủ nghĩa dân túy, phong trào dân túy, các cá nhân theo đường lối dân túy thời gian gần đây lại có xu hướng phục hồi, phát triển? Có thể tìm thấy lý do cho sự trỗi dậy ấy từ những nguyên nhân chủ yếu:

(1) Sự trì trệ về kinh tế, sự già hóa dân số và mức thu nhập không tăng đã làm cho đời sống người dân, nhất là của những người yếu thế không được cải thiện làm gia tăng sự bất mãn của người dân. (2) Toàn cầu hóa đã đưa đến nghịch lý: công nghệ sản xuất phần lớn được đưa từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia chậm hay đang phát triển, và hàng hóa được chuyển theo chiều ngược lại. Do đó, lợi ích chủ yếu mang lại cho các công ty lớn hoặc đa quốc gia, trong khi đó những người lao động thiếu việc làm hoặc tay nghề thấp mất việc nhưng không có khả năng để tìm việc mới, gây bất bình trong người lao động. (3) Cách mạng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã thay đổi mọi mặt của đời sống, từ kinh tế đến quan hệ giữa con người; quá trình cá nhân hóa thông tin tăng cao, tin giả tràn lan, làm cho người dân hiểu không đủ rõ vấn đề, dễ hoang mang, bị thông tin chi phối, dẫn dắt. (4) Chính sách xã hội phải đối mặt với nhiều thách thức, chi phí cho chính sách an sinh đối với người già, tàn tật, thất nghiệp hay hưu trí càng tăng làm gia tăng đáng kể số nợ của chính phủ, theo đó, nợ nần luôn đè nặng lên đời sống vốn đã khó khăn của không ít người dân và của xã hội. (5) Sự quan liêu xa rời và thiếu gần gũi với nhân dân của giới quan chức cầm quyền đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa lợi ích và tiếng nói của người dân hoặc của một số tầng lớp dân cư với giới chức cầm quyền hoặc những người có quyền lực trong xã hội. (6) Di dân và di tản toàn cầu, với nhiều lý do, thật sự là thách thức đối với các chính phủ, khoét sâu sự ngăn cách về tâm lý giữa người đến và người sở tại về những khó khăn trong giải quyết, tiếp cận cơ hội, việc làm và phát triển.

Tóm lại, tình hình biến đổi sâu sắc, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội chưa được giải quyết tốt, lợi ích chính đáng, hợp pháp của số đông người lao động chưa được quan tâm giải quyết hiệu quả… là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở các nước Âu, Mỹ hiện nay. Khi nhiều người dân bất mãn trong một thời gian dài, vượt quá giới hạn chịu đựng của họ, mà không có những giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội thích hợp, thì đó chính là mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện các khuynh hướng của chủ nghĩa dân túy, là “dư địa” để nó gây ra những cơn địa chấn mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét