Bà Ba Cẩn, tên thật là Đặng Thị Nho. Bà sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở Phú Khê, huyện Yên Thế. Sớm mồ côi mẹ, bà sống với cha, bà là con của một thầy mo ở làng nên ngay từ lúc nhỏ, bà được học chữ Nho và học nghề của cha.
Bà là vợ thứ ba và là cộng sự của Hoàng Hoa Thám, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa kháng Pháp ở Yên Thế vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tại Bắc Giang.
Tại đồn Phồn Xương, bà Ba Cẩn đã cùng thủ linh Hoàng Hoa Thám và quân sư Hoàng Điển Ân nghĩ ra nhiều kế sách khiến quân viễn chinh Pháp nhiều phen khốn đốn. Thậm chí đã có lần đích thân bà Ba Cẩn không biết bằng cách nào đã đột nhập được vào doanh trại quân Pháp tại ở Hà Nội nhằm đầu độc binh lính viễn chinh. Việc bất thành nhưng quân Pháp chỉ nghe tiếng bà đã sợ mất vía. Bà Ba Cẩn cùng với Cả Rinh, Cả Huỳnh và Cả Trọng, hợp thành ban tham mưu đắc lực, đồng thời cũng là những người chỉ huy giỏi của nghĩa quân.
Bà Ba còn lo việc hậu cần, đảm bảo sinh hoạt, mua sắm đạn dược cho nghĩa quân khi có chiến trận. Vào năm 1907, thủ lĩnh Đề Thám cùng bà Ba Cẩn đã tổ chức ra đảng Nghĩa Hưng, Trung Chân ứng nghĩa đạo ở Hà Nội và đề ra kế hoạch đầu độc lính Pháp (vụ Hà Thành đầu độc) ngày 27/6/1908 tại Hà Nội nhưng không thành.
Ngày 01/12/1909, bà Ba Cẩn và con gái tên Hoàng Thị Thế (1901-1988) bị trung đội Coucron đi tuần bắt được gần đồn chợ Cầu Gồ (Yên Thế). Ngày 24/2/1910, 78 nghĩa quân trong đó có bà Ba Cẩn bị địch đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) rồi bị án đày sang Guyane (Nam Mỹ). Dọc đường, thừa lúc quân lính sơ ý bà nhảy xuống biển tự vẫn ngày 25/12/1910
Để tưởng nhớ công lao của bà, hiện nay UBND huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã đặt một tên đường phố mang tên Phố Bà Ba. Tại thành phố Bắc Giang cũng đã đặt một tuyến đường dài khoảng 500m mang tên Đặng Thị Nho.
Hiện nay trong đồn luỹ Phồn Xương, ngay chính gian nhà mà thủ lĩnh Đề Thám và bà Ba Cẩn từng ở trước đây là đền thờ bà Ba. Đền thờ được nhân dân xây dựng năm 1995, bên cạnh đó là ngôi mộ của con gái bà là Hoàng Thị Thế./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét