Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

Phản bác luận điệu phủ nhận “đội quân lao động sản xuất”

 ĐẰNG SAU NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, SAI TRÁI

Trong lúc nhân dân cả nước đang hân hoan chào đón Xuân Quý Mão 2023 với những thành tựu đáng tự hào trong năm 2022 về tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, thì một số đối tượng thù địch, bất đồng chính kiến lại hậm hực, ra sức xuyên tạc về sự lãnh đạo của Đảng, về phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, trong đó có luận điệu “ca ngợi” rằng: “Trong gần 80 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, nay tiềm lực kinh tế đất nước đã có, đã đến lúc Quân đội từ bỏ chức năng của đội quân lao động sản xuất”. Những đối tượng này phân tích: “Quân đội hiện nay đã có ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí hoạt động nên không cần thiết phải lao động sản xuất. Trong nền kinh tế thị trường thì vũ khí trang bị do ngân sách nhà nước đảm bảo, giao cho các nhà máy quốc phòng sản xuất theo cơ chế đấu thầu. Duy trì các nhà máy sản xuất hàng quốc phòng do quân đội quản lý chẳng khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Quân đội của nhiều quốc gia trên thế giới chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”. Thậm chí có đối tượng còn phản đối cả việc tăng gia sản xuất trong các đơn vị thường trực bởi cho rằng: đó là “nước sông, công lính”. Có đối tượng còn quy chụp, đánh đồng sự việc đơn lẻ vi phạm pháp luật trong quản lý đất quốc phòng, sai phạm của một số doanh nghiệp quân đội… từ đó đưa ra “kiến nghị”: “Quân đội không nên tổ chức lao động sản xuất, không nên kết hợp kinh tế với quốc phòng”… 

Đằng sau những luận điêu xuyên tạc, sai trái đó là âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch nhằm hạ uy tín của Quân đội, chia rẽ Quân đội với nhân dân, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội.

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TỔ CHỨC “ĐỘI QUÂN SẢN XUẤT”

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã khẳng định về mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế với chiến tranh, quốc phòng. Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Không có gì phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội”1. Kinh tế quyết định nguồn gốc, bản chất, mục đích của chiến tranh, quốc phòng, quân đội; quyết định đến số lượng, chất lượng nguồn nhân lực và vũ khí, trang bị kỹ thuật của chiến tranh, quốc phòng, quân đội; qua đó quyết định đến cơ cấu, tổ chức, biên chế, chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật quân sự. Một nền kinh tế phát triển (lực lượng sản xuất hiện đại, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp, có sức cơ động và sức sống cao) là điều kiện vật chất để xây dựng nền quốc phòng mạnh và ngược lại. Vì vậy, Quân đội không thể bị động trông chờ vào ngân sách nhà nước cấp (như một số ý kiến đưa ra) mà cần phải tích cực tham gia phát triển kinh tế đất nước để tạo thế chủ động xây dựng tiềm lực kinh tế, trực tiếp là xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự - cơ sở vật chất của sức mạnh quân sự quốc gia.

Khi bàn đến vai trò của quân đội tác động trở lại đối với kinh tế, C.Mác đã chỉ rõ: “Nói chung, quân đội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế”2. Phát triển quan điểm của C.Mác, lãnh tụ của giai cấp vô sản V.I.Lênin cho rằng: “Cần phải tập trung toàn lực vào nhiệm vụ đó, cần phải tung vào những quỹ đạo mới đó toàn bộ lực lượng quân sự đã biểu lộ rõ tác dụng của mình trong việc xây dựng quân sự. Đó là tình hình đặc thù, là bước quá độ đặc thù khiến chúng ta nghĩ đến việc tổ chức các đội quân lao động”3. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và phát huy truyền thống của dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh về Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế được thể hiện qua rất nhiều bài nói, bài viết và hành động thực tế của Người. Tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Đó là chính sách chung của Đảng, của Chính phủ, của nhân dân, của bộ đội”4. Nói về nhiệm vụ sản xuất của Quân đội, Người nhấn mạnh: “Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho Quân đội”

Lược dòng lịch sử, Đảng ta luôn coi trọng công tác lãnh đạo nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh đất nước. Tháng 3/1958, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng. Nghị quyết xác định: “Xây dựng kinh tế phải kết hợp chặt chẽ với quốc phòng và xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng phải khéo léo sắp xếp cho ăn khớp với xây dựng kinh tế”.

Nghị quyết số 79/NQ-ĐUQSTW ngày 27/8/1992 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã xác định rõ Quân đội có ba chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Nghị quyết số 150/NQ-ĐUQSTW ngày 1/8/1998 của Đảng ủy Quân sự Trung ương xác định rõ vai trò nòng cốt tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược của Quân đội.  Ngày 25/4/2002, Đảng ủy Quân sự Trung ương ban hành Nghị quyết số 71/NQ-ĐUQSTW về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới, tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội.

Hơn 10 năm sau, ngày 25/9/2012, Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 520-NQ/QUTW về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”. Tiếp đó, ngày 18/5/2017, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 425-NQ/QUTW về “Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Và mới đây, ngày 17/12/2021, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 820-NQ/QUTW về “Lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2030”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét