hững năm trước đây, trong lĩnh vực kinh tế, các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta bằng nhiều hình thức, như: tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận lý luận kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng, chính sách của Nhà nước; tiến hành phá hoại nền kinh tế thông qua các hoạt động viện trợ, đầu tư, liên doanh, liên kết; lôi kéo, dụ dỗ, làm tha hóa đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế. Nhưng hiện nay, quá trình toàn cầu hóa tạo ra sự phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế của các thế lực thù định cũng có sự điều chỉnh, rất tinh vi và xảo quyệt.
Theo đó, các thế lực thù địch luôn tìm cách phủ định tính khách quan và bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khi Việt Nam xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là mô hình tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ. Và mô hình kinh tế này vẫn đang phát triển đúng hướng thể hiện qua mức tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2011-2020 khoảng 5,9%/năm; thiết lập quan hệ kinh tế tầm đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác chiến lược toàn diện với 30 quốc gia; GDP/người/năm tăng từ 1.331 USD (năm 2010) lên khoảng 2.750 USD (năm 2020). Mặc dù vậy, các thế lực thù địch vẫn ra sức công kích sự lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam. Chúng cho rằng, kinh tế thị trường mang bản chất chủ nghĩa tư bản, không thể dung hòa với tính định hướng XHCN, do đó, trong chế độ XHCN không thể tồn tại kinh tế thị trường mà chỉ là mô hình cóp nhặt. Thậm chí có luận điểm cho rằng, Việt Nam thừa nhận kinh tế thị trường chính là đang mở đường cho quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển, nhất là khi Đảng ta xác định phát triển thành phần kinh tế tư nhân “trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Họ không nhận thức được rằng, nước ta thừa nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân với phương diện là con đường để huy động vốn, phát triển khoa học - công nghệ, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân chứ không phải là mục tiêu của nhiệm vụ xây dựng quan hệ sản xuất mới.
Thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế của các thế lực thù địch được thể hiện bằng nhiều hình thức, như: tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận lý luận kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được Đảng ta xác định là dựa trên chế độ sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất chủ yếu, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần song kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, các thế lực thù địch lại cho rằng: kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là tấm áo khoác XHCN mang nội dung tư bản, sở hữu toàn dân chỉ là một khái niệm. Thậm chí, bàn đến chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được xác định trong Hiến pháp năm 2013: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” thì một số luận điệu cho rằng sở hữu toàn dân về đất đai là một khái niệm “mơ hồ”, “tù mù”, người dân không có thực quyền gì đối với đất đai... Họ dựa trên lập luận rằng: đã là chủ sở hữu thì đó phải là một chủ thể, một pháp nhân cụ thể, còn “toàn dân” không phải là một thực thể kinh tế có năng lực sở hữu, chỉ là sự đánh tráo khái niệm “sở hữu nhà nước về đất đai”.
Ở một góc độ khác, để đảm bảo yếu tố định hướng XHCN, nền kinh tế thị trường ở nước ta không phải là hoàn toàn tự do mà có “khuôn khổ” - đó là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN. Thế nhưng, các thế lực thù địch lại dùng chiêu bài khuếch đại nợ công, lợi dụng một số doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ và một số cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý… để tuyên truyền rằng đó là hậu quả của việc Nhà nước can thiệp sâu vào nền kinh tế. Chúng tập trung bài xích chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cho đó là cách thức để “tư nhân hóa tài sản nhà nước” một hình thức “tham nhũng” mới và “lợi ích nhóm”… nhằm kích động chia rẽ nội bộ. Tiếp đến, các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chính sách và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và nhân dân ta. Chúng cho rằng, Việt Nam cần tự do hóa các nguồn vốn ngoại tệ, khuyến khích tăng giá đồng nội tệ, nới lỏng chuyển đổi tự do giữa đồng nội tệ và các ngoại tệ (nhất là với USD); thực hiện đồng bộ các giải pháp để tự do hóa thị trường tài chính, xây dựng ngân hàng trung ương thực sự độc lập… Đầu năm 2020, khi Chính phủ công bố chính sách tài khóa năm và xác định vay khoảng 20 tỷ USD để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội thì chúng cho rằng: “GDP thực của Việt Nam chỉ đạt khoảng 2 - 2,5% chứ không phải là khoảng 7% (năm 2019) như Chính phủ công bố”. Gần đây, chúng công kích chủ trương xây dựng sân bay Long Thành và cho rằng “sẽ chồng chất nợ công trên đầu dân tộc”. Nắm rõ đường lối đối ngoại của Đảng ta là tăng cường mở rộng quan hệ với các nước lớn, chúng ra sức công kích nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng, truyền thống.
Bên cạnh chiêu trò xuyên tạc chính sách, thành tựu phát triển kinh tế, các thế lực thù địch còn tìm mọi cách phủ nhận chức năng quân đội tham gia phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng - an ninh. Thậm chí chúng còn ra sức kêu gọi: “Hãy để khối dân sự được tham gia vào những dự án quốc phòng, kể cả sản xuất và mua bán vũ khí”; “Đã đến lúc Việt Nam nên thay đổi tư duy và chính sách để tạo nền tảng cho sự hình thành của những tập đoàn công nghiệp nặng lưỡng dụng quốc phòng và dân sự theo mô hình của Nhật”.
Do đó, để tiếp tục, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế, theo chúng tôi trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
Một là, chủ động đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận, làm sáng tỏ đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng.
Theo đó, cần tập trung vào công tác nghiên cứu lý luận, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn. Luận giải sâu sắc cơ sở khoa học của đường lối hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đường lối phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hoạt động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, không tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, gắn với kiên quyết đấu tranh chống mọi thủ đoạn lợi dụng kinh tế để chống phá của các thế lực thù địch.
Các thế lực thù địch luôn tìm cách phủ định tính khách quan và bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; lợi dụng, xuyên tạc chính sách và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và nhân dân ta; phủ nhận chức năng Quân đội tham gia phát triển kinh tế.
Hai là, phát huy “thế trận lòng dân” trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”.
Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là sức mạnh tổng hợp trên cơ sở thế trận lòng dân. Vì vậy, để đấu tranh với mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, các cấp, các ngành cần chú trọng phát huy giá trị truyền thống là yêu nước, lòng tự hào, tự cường của dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước Việt Nam cường thịnh, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Kiên quyết bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên mọi phương diện, gắn kết hài hòa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh. Chú trọng phát huy vai trò của Quân đội trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vai trò của các khu kinh tế - quốc phòng, doanh nghiệp quốc phòng…
Ba là, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lợi dụng “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế thông qua khuếch đại nạn tham nhũng, lãng phí và xem đó là mảnh đất màu mỡ để tồn tại. Vì vậy, cần phải tiến hành tốt công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong toàn xã hội; xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm công tác quản lý kinh tế - tài chính; chú trọng giải quyết nợ công, xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản nhà nước thất thoát do tham nhũng, lãng phí… Gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Bốn là, tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động kinh tế, thương mại.
Trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, mọi thông tin liên quan đến các hoạt động kinh tế, thương mại đều cần sự công khai, minh bạch và tuân thủ theo các quy định quốc tế. Việt Nam vẫn đang trong quá trình hội nhập và hoàn thiện thể chế kinh tế, do đó, sự công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến kinh tế, thương mại, đầu tư, sử dụng vốn… là biện pháp cần thiết để các thế lực thù địch, phản động không có cớ suy diễn, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta; đồng thời, cần làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng việc mở cửa, hội nhập để chống phá.
Những năm tới, các thế lực thù địch vẫn sẽ tiếp tục chống phá cách mạng Việt Nam bằng những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Với những thành tựu đã đạt được trong phát triển kinh tế, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chung sức, đồng thuận của cả dân tộc, đất nước ta sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, từng bước “sánh vai với các cường quốc năm châu” trên thế giới như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét