Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê
duyệt Đề án “Tổ chức chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội
trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” có ý
nghĩa rất quan trọng nhằm đáp ứng xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời,
đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi
ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm trong quá
trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thực tiễn thời gian qua, bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được,
hoạt động truyền thông dự thảo chính sách chưa được triển khai đồng bộ, hiệu
quả. Việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật chủ yếu được thực hiện thông qua đăng tải trên Cổng/Trang thông tin
điện tử của bộ, ngành, địa phương, hiệu quả còn hạn chế. Công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng
pháp luật, chủ yếu thực hiện phổ biến, tuyên truyền đối với các văn bản quy
phạm pháp luật đã được ban hành. Điều đó đã và đang tạo ra khoảng trống
đối với hoạt động truyền thông các dự thảo chính sách, ảnh hưởng đến chất lượng
soạn thảo của văn bản quy phạm pháp luật, hiệu lực, hiệu quả thực thi chính
sách sau khi được ban hành. Một số văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã
thực hiện xong quy trình xây dựng dự thảo nhưng không được ban hành do chất
lượng soạn thảo và tính đồng thuận xã hội còn hạn chế; có văn bản quy phạm pháp
luật do chưa thực hiện truyền thông định hướng, dẫn dắt từ khâu soạn thảo nên
ngay sau khi được ban hành đã xuất hiện ý kiến trái chiều, phản ứng chính sách
từ cộng đồng xã hội.
Nội dung của Đề án phù hợp với chủ trương “dân biết, dân bàn,
dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" tại Văn kiện Đại hội
XIII của Đảng và yêu cầu đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật - khâu
đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành, đưa pháp luật vào cuộc sống, trong đó
bảo đảm gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Theo đó,
cần nắm vững nội dung cơ bản của Quyết định số 407/QĐ-TTg và Đề án “Tổ chức
chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây
dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”, có giải pháp tích cực,
chủ động, đồng bộ và khả thi để triển khai thực hiện hiệu quả đề án này. Trong
đó, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời xây
dựng Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách hằng năm, các tài liệu
truyền thông để cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin, báo chí với
phương châm truyền thông phải đi trước một bước để thống nhất nhận thức, tạo sự
đồng thuận xã hội. Trong quá trình thực hiện, cơ quan chủ trì soạn thảo
văn bản quy phạm pháp luật cần tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp
ý, phản hồi, phản biện xã hội của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp
về dự thảo chính sách để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo văn bản
quy phạm pháp luật; đồng thời cần có hình thức phù hợp để công khai nội dung
tiếp thu, giải trình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét