Sức mạnh của tình đồng đội

Theo dõi chiến sĩ mới Sùng A Sình, người dân tộc Mông, thuộc Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3 hăng say huấn luyện và sôi nổi tham gia các hoạt động của đơn vị, không ai nghĩ rằng ngày mới nhập ngũ, Sình lại có tư tưởng chán nản, sống khép kín, chất lượng thực hiện nhiệm vụ thấp. Khi tìm hiểu và biết nguyên nhân dẫn đến tư tưởng không tốt của Sùng A Sình là do mới chia tay bạn gái và chưa sẵn sàng cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, Đại đội 9 đã triển khai nhiều biện pháp giáo dục riêng để động viên, hỗ trợ Sình tiến bộ.

Đại úy Nguyễn Lệ Tuyền, Chính trị viên Đại đội 9 chia sẻ, đối với chiến sĩ Sùng A Sình, nếu chỉ giáo dục như những chiến sĩ khác sẽ không mang lại hiệu quả mà phải bằng tình cảm, sự chia sẻ chân thành, hướng dẫn, giúp đỡ phù hợp. Bên cạnh phân công một cán bộ thường xuyên kèm cặp hỗ trợ, đại đội còn bồi dưỡng, sử dụng những chiến sĩ mới có tuổi đời lớn, tiêu biểu để tâm sự về tình yêu, cuộc sống, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự cho Sùng A Sình hiểu. Đồng thời hướng Sình tham gia các hoạt động đọc sách, báo, văn nghệ, thể thao.

Và mọi sự tiến bộ của Sùng A Sình đều được biểu dương, khích lệ hằng ngày thông qua sinh hoạt tiểu đội, trung đội, đại đội, hoạt động bảng tin, truyền thanh nội bộ; từng bước giúp Sùng A Sình lấy lại được thăng bằng, hình thành tình cảm, tư tưởng tích cực, có quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi chúng tôi nhắc lại chuyện đã qua, Sùng A Sình xúc động nói: “Tôi vững vàng được như hôm nay là nhờ tình cảm, sức mạnh của tình đồng đội”.

Trung sĩ Nguyễn Văn Phúc, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 9, Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 đã hết lo lắng khi chiến sĩ mới Trịnh Anh Thiện khắc phục cơ bản việc không nheo được mắt. Kết quả kiểm tra đường ngắm trong bắn súng tiểu liên AK của Thiện đã tiến bộ rõ rệt, tâm lý cũng vững vàng hơn, không còn mặc cảm, tự ti như những ngày đầu huấn luyện. Tiểu đội trưởng Phúc kể, khi mới huấn luyện, chiến sĩ Thiện không nheo được cả mắt trái lẫn mắt phải, thực hiện các đường ngắm rất yếu.

Giờ nghỉ giải lao trên thao trường của chiến sĩ mới Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo phòng không 234. 
Giờ nghỉ giải lao trên thao trường của chiến sĩ mới Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo phòng không 234. 

Cá nhân Thiện và anh em trong tiểu đội rất lo lắng kết quả bắn súng của tiểu đội và trung đội sẽ không cao. Sau nhiều lần sinh hoạt bàn biện pháp và xin ý kiến của cấp trên, tiểu đội thống nhất, cử tiểu đội trưởng cùng với một chiến sĩ có kết quả huấn luyện tốt nhất giúp đỡ Thiện. “Ngoài luyện tập các kỹ thuật, động tác từ dễ đến khó, cách nheo mắt và lấy đường ngắm cơ bản, đường ngắm đúng, “khử rơ tâm lý”, chúng tôi còn làm cho Thiện hiểu rằng, đơn vị và đồng đội rất quan tâm đến em để từ đó Thiện nỗ lực phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Trung sĩ Nguyễn Văn Phúc cho hay.

Nắm bắt kịp thời mọi diễn biến tâm lý

Chiến sĩ mới Nguyễn Văn Thương, Tiểu đội 7, Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 tâm sự: “Những ngày đầu huấn luyện tôi gấp chăn xấu, đi điều lệnh, luyện tập bắn súng cũng rất khó khăn. Nhưng được cán bộ các cấp tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, giờ mọi thứ đã vào “quỹ đạo”. Chăn không bao giờ bị xấu nữa, động tác điều lệnh đã thành thạo hơn, ngắm bắn có tiến bộ nhiều. Động lực để tôi tự tin và nỗ lực vượt qua khó khăn chính là sự hướng dẫn, giúp đỡ của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Đặc biệt, phương pháp hướng dẫn, huấn luyện của cán bộ khoa học, cụ thể, tỉ mỉ”.

Theo Đại tá Trịnh Viết Tuệ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Pháo phòng không 234, chiến sĩ mới Sùng A Sình, Trịnh Anh Thiện, Nguyễn Văn Thương và nhiều chiến sĩ khác tiến bộ nhanh, tự tin, chững chạc là nhờ cấp ủy, chỉ huy các cấp thực hiện triệt để chủ trương “3 bám” (bám bộ đội, bám đơn vị, bám thao trường); “3 nên” (nên gần gũi, quan tâm, động viên giúp đỡ chiến sĩ mới; nên tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến; nên cụ thể, tỉ mỉ trong hướng dẫn chiến sĩ mới). “3 bám”, “3 nên” đã giúp đội ngũ cán bộ các cấp nắm bắt kịp thời mọi diễn biến tâm lý, tư tưởng và kết quả huấn luyện hằng ngày của chiến sĩ mới.

Đại tá Trịnh Viết Tuệ nhấn mạnh, đây là hiệu quả của “3 khâu đột phá” được Đảng ủy Lữ đoàn xác định trong năm 2023, gồm: Đột phá nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; chất lượng huấn luyện, giáo dục chính trị; chất lượng xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật, bảo đảm an toàn và cải cách hành chính. Trong đó, đột phá nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là khâu then chốt với yêu cầu cán bộ không chỉ giỏi phương pháp huấn luyện, quản lý, chỉ huy đơn vị mà còn phải có kỹ năng mềm để đồng hành với bộ đội. 

Những yêu cầu, nội dung, phương pháp trong tiến hành “3 bám”, “3 nên”, “5 chủ động” trong công tác tư tưởng và tổ chức hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập huấn kỹ lưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ đại đội, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng. Bảo đảm đội ngũ cán bộ ở các cấp và mọi thành viên trong đơn vị, trong phân đội tiến hành tốt công tác tư tưởng.