Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Khái niệm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

 


Theo nghĩa thông thường thì “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” là một quá trình sự vật tự thay đổi về chất. Nhưng các khái niệm “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” được sử dụng trong văn kiện của Đảng và trên phương tiện thông tin đại chúng ở nước ta không theo nghĩa như vậy, mà theo nghĩa là sự suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, về đạo đức và lối sống của cán bộ và đảng viên. Như vậy, “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” là quá trình tự thay đổi của chủ thể theo hướng tiêu cực. “Tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” của cán bộ và đảng viên nếu không được ngăn chặn sẽ dẫn đến sự chuyển hóa của cả chế độ.

"Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chính là quá trình đấu tranh giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, giữa cái lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể trong tư tưởng, quan điểm, lập trường của người cán bộ, đảng viên. Trong đó, tư tưởng, lập trường, quan điểm thiên về tư bản chủ nghĩa và lợi ích cá nhân tăng dần lên, còn tư tưởng, lập trường, quan điểm về chủ nghĩa xã hội, về lợi ích tập thể phai nhạt và bị xem nhẹ dần. Sự "tự diễn biến" đến một ngưỡng nào đó, khi đạt đến “độ” thì nó "tự chuyển hóa" thay đổi về chất. Trong thực tế cách mạng Việt Nam hiện nay, đó chính là sự thay đổi trong quan điểm, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Sự thay đổi này đưa tới những hành động đi ngược lại, thậm chí chống lại quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Như vậy, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là sự suy thoái từ bên trong, là quá trình tự biến đổi về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực. Chủ thể của "tự diễn biến" là cán bộ, đảng viên, bất kể ở vị trí nào. Vị trí của người cán bộ, đảng viên càng cao thì hậu quả tiêu cực của "tự diễn biến" càng lớn. Còn chủ thể của "tự chuyển hóa" vừa là cán bộ, đảng viên, vừa là tổ chức của chính những cán bộ, đảng viên đó. Tuy nhiên, sự xác định như vậy cũng chỉ mang tính tương đối. "Tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" có quan hệ chặt chẽ với nhau giống như mối quan hệ không thể phân biệt giữa cá nhân trong tổ chức mà cá nhân đó là thành viên. "Tự diễn biến" là quá trình thẩm thấu từng ngày, từng hoạt động của các chủ thể, còn "tự chuyển hóa" là đích đến, là hệ quả của "tự diễn biến" của các cá nhân, tổ chức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét