Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của biểu hiện
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, những năm qua, trong nhiều kỳ đại
hội, hội nghị Trung ương, Đảng ta từng cảnh báo về tình trạng này. Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta chỉ rõ: “Những biểu hiện xa rời mục tiêu
của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những
diễn biến phức tạp”. Tiếp đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần
thứ tư (khoá XI),
Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện cụ thể về “tự diễn
biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ hiện nay đó là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có
những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... phai nhạt lý tưởng, sa vào
chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, kèn cựa địa
vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc”. Tình trạng này “làm
giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là
thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Do
vậy, Trung ương yêu cầu phải “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình
trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên,
trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo,
sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với
Đảng”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng một lần nữa chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai
nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Kết luận số 21-KL/TW,
ngày 25/10/2021 của Đảng cũng nhấn mạnh: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong
đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng
của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu
gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói
chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật”. Những năm
tới, Đảng ta yêu cầu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát
huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đặc biệt
chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả sáu nhiệm vụ trọng tâm, trong
đó cần tập trung nhiệm vụ: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn
chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện
"tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây
dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm
chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Ở phạm vi tổ chức “tự diễn biến” là có những
thay đổi ở tầm quản lý vĩ mô về đường lối, chủ trương, pháp luật, làm thay đổi
bản chất chính trị, thậm chí làm suy yếu và tan rã tổ chức đó. Đối với cá nhân “tự diễn biến” là sự thay đổi về nhận
thức chính trị
- xã hội, thay
đổi về quan điểm, tư tưởng của cán bộ, đảng viên nhận thức chính trị và hành
động xa rời, thậm chí đi ngược lại chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
quan điểm tư tưởng của Đảng. “Tự diễn biến” của cá nhân có thể dẫn
đến sự thay đổi của tập thể, tổ chức. “Tự diễn biến” của tổ chức
chi phối, áp đặt, điều khiển đối với cá nhân trong tổ chức đó. “Tự diễn biến” do
nhiều nguyên nhân khác nhau, ở đây chủ yếu nói đến nguyên nhân chủ quan của cán
bộ, đảng viên, như: lập trường, tư tưởng không vững vàng, thiếu bản lĩnh chính
trị, hoang mang, dao động trước tác động của các yếu tố bên ngoài; thiếu tu
dưỡng, rèn luyện bản thân thường xuyên; không chủ động học tập, nghiên cứu sâu
sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… “Tự
chuyển hóa” là hậu quả tất yếu của quá trình “tự diễn biến”, nếu không
được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Đó là thời điểm đã có sự thay đổi về bản
chất.
Biểu hiện chuyển hóa chính trị ở Việt
Nam xuất hiện từ hai hướng: Một
mặt, đó là âm mưu và hoạt động tác động chuyển hóa chính trị của các thế
lực thù địch. Mặt khác, đó
là sự “tự chuyển hóa” chính trị của nội bộ ta. Hai hướng này có mối quan
hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau. Yếu tố bên ngoài thúc đẩy, tạo điều kiện cho
yếu tố bên trong; yếu tố bên trong tạo sự chú ý và điều kiện thuận lợi cho yếu
tố bên ngoài. Trong đó, “tự chuyển hóa” bên trong sẽ quyết định sự thay đổi về
chính trị nên hết sức nguy hiểm. Do vậy, phương châm, nguyên tắc bảo đảm an
ninh nội bộ, phòng, chống chuyển hóa chính trị phải chủ động phòng ngừa, giữ vững
bên trong là trước tiên.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”
trong nội bộ là sự suy thoái từ bên trong; là quá trình tự biến đổi về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực,
làm mất dần các chuẩn mực của người cộng sản, dẫn đến xa rời những nguyên tắc,
quan điểm mácxít; suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước. Đến khi những yếu tố cách mạng, tích cực bị phai nhạt, triệt tiêu, tư
tưởng phi xã hội chủ nghĩa tăng dần, thắng thế, lúc đó sẽ dẫn đến sự “tự chuyển
hoá” cán bộ, đảng viên từ người tốt trở thành phần tử chống đối Đảng, Nhà nước.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” sẽ gây ra tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ
các cơ quan, tổ chức; một bộ phận trong đội ngũ trí thức, luật sư, báo chí, văn
nghệ sĩ bộc lộ tư tưởng muốn thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Nếu không được
ngăn chặn kịp thời, triệt để sẽ dẫn đến tổ chức bị suy thoái, tự tan rã. Khi
“tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” diễn ra ở tầm vĩ mô sẽ dẫn đến sự chuyển hoá từ
chế độ xã hội chủ nghĩa sang chế độ tư bản chủ nghĩa.
Đại hội XII của Đảng nhận định: “Bốn
nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm
1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp như tham nhũng, lãng phí,
“diễn biến hóa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, những
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; niềm tin của cán bộ,
đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào chế độ có mặt bị giảm sút”. Và dự
báo: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra tiếp tục tồn tại, nhất là nguy cơ
tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy
cơ “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên
chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp; khoảng cách giàu
- nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng
lo ngại, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà
nước”. Trong khi đó mặt trái của cơ chế thị trường là nguyên nhân cộng hưởng
trực tiếp làm gia tăng nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điều này được
minh chứng khi một bộ phận cán bộ, đảng viên có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật
của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hạn chế về năng lực, phẩm chất, lối sống
thiếu lành mạnh; tình trạng tham nhũng, tiêu cực chưa đẩy lùi; xuất hiện ngày
càng nhiều các biểu hiện mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ ở không ít tổ chức
đảng, chính quyền các cấp. Nguy hiểm hơn đó là xuất hiện một bộ phận cán bộ,
đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, không tin vào sự lãnh đạo của
Đảng, sự tồn tại, phát triển của chế độ XHCN. Một số cá nhân, tổ chức lợi dụng
danh nghĩ “phản biện”, “góp ý” để bày tỏ “quan điểm” chính trị tự do dân chủ
theo kiểu phương Tây... Đứng trước tình hình đó, Đại hội XII, Đảng ta tiếp
tục nhấn mạnh: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Sự nhấn mạnh
này không chỉ đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng, mà còn xuất phát từ thực tiễn tình
hình, từ quyết tâm giải quyết triệt để một vấn đề cấp bách hiện nay, đáp ứng
nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Sinh thời, trong buổi nói chuyện tại
lễ bế mạc lớp bổ túc trung
cấp, được đăng lại trên Báo Vệ quốc quân số 15, ngày
10/10/1947, Bác Hồ đã
ví một tập thể,
một tổ chức như một cơ thể và mỗi khâu, mỗi cá nhân là một bộ phận hợp thành cơ
thể ấy. Người nói: “Mệnh lệnh cũng như dòng máu chảy từ tim ra đến đầu, các tứ
chi. Nếu chảy đến tay mà tắc nghẽn, thì tay bại. Tay bại thì người sẽ yếu đi”.
Chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cũng như “dòng máu chảy từ tim ra
đến đầu, các tứ chi”, tắc ở bộ phận nào là “bại” ở bộ phận ấy, “bại” ở một bộ
phận cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng”.
Như vậy khi xem xét "tự diễn
biến" và "tự chuyển hóa" ta thấy quá trình vận động của nó diễn
ra với ba giai đoạn, ứng với ba mức độ. Ở giai đoạn thứ nhất, đối tượng thể
hiện sự hoang mang, dao động, hoài nghi về tư tưởng, chính trị. Giai đoạn thứ
hai, đối tượng bắt đầu chủ động hơn trong tiếp nhận những thông tin trái chiều,
thu thập tổng hợp thông tin và phát tán những thông tin này với thái độ bất mãn,
chán ghét, thù địch. Giai đoạn thứ ba, đối tượng có tư tưởng, hành động cực
đoan, phản động, chống đối Nhà nước. Khi đã đến giai đoạn thứ ba, đối tượng đã
thể hiện rõ tư tưởng chính trị phản động, bất chấp mọi nguyên tắc hoạt động của
tổ chức và pháp luật của Nhà nước. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị và sự suy
thoái về đạo đức và lối sống có quan hệ tương tác với nhau. Sự suy thoái về tư
tưởng chính trị có thể dẫn tới sự suy thoái về đạo đức và lối sống và ngược
lại, sự suy thoái về đạo đức và lối sống có thể dẫn đến sự thoái hóa về tư
tưởng chính trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét