Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người trong tình hình mới ở Việt Nam hiện nay

 Thứ nhất, kiên định quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người

Trong những năm qua, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là cốt lõi, là căn cứ quan trọng trong ĐT&ĐT các luận điệu sai sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề QCN. Do đó, để nâng cao hiệu quả trong công tác này thì trước hết, cần nắm vững những quan điểm cơ bản của Đảng ta về quyền con người”[2, tr.12]. Đồng thời, cả hệ thống chính trị; các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị cần tích cực và chủ động thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW ngày 20/7/2010 về công tác nhân quyền trong tình hình mới. Chỉ thị nhấn mạnh: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người nhận thức sâu sắc hơn về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QCN, quyền và nghĩa vụ của công dân, nhận rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta là vì con người[2, tr.104].

Trong bối cảnh mới hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền dưới nhiều thủ đoạn phức tạp, biến đổi nhanh chóng. Vì vậy, ĐT&ĐT trên lĩnh vực QCN càng phải tích cực, chủ động, có cách thức ĐT&ĐT mềm dẻo, linh hoạt, vừa đối thoại để đấu tranh, vừa đấu tranh nhưng thông qua kết quả đó cũng phục vụ cho đối thoại. Thông qua đó tích cực chuyển từ tham dự sang chủ động tham gia đóng góp hoặc tham gia kiến tạo thể chế hợp tác quốc tế trên lĩnh vực QCN, tạo điều kiện và nâng tầm vị thế cho Việt Nam trong việc kiên quyết bảo vệ quan điểm, lập trường, lợi ích quốc gia-dân tộc và đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong thực tế

Trước hết, cần tăng cường nghiên cứu, tổng kết thực tiễn triển khai chính sách, pháp luật về bảo đảm QCN “phát hiện và khắc phục kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quyền con người được pháp luật quy định”[2, tr.105], từ đó ngày càng hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Song song với việc quán triệt quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QCN, cần tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về QCN để có cơ sở lý luận cho công tác ĐT&ĐT về nhân quyền. Đồng thời, tiếp tục tôn trọng và thúc đẩy các QCN, coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế-xã hội như Chỉ thị 44-CT/TW về công tác nhân quyền trong tình hình mới đã khẳng định: “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và các quyền của công dân”[2, tr.105].

Thứ ba, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người

Trước hết, cần rèn luyện kỹ năng tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QCN cho đội ngũ cán bộ làm công tác này. Thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng các kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm đối thoại, đấu tranh, tuyên truyền nhằm kịp thời cung cấp thông tin và trang bị kỹ năng, nghiệp vụ. Đồng thời, tiếp tục lựa chọn và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác ĐT&ĐT có năng lực chuyên môn về QCN, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có ý chí chiến đấu bảo vệ chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chú trọng xây dựng lực lượng ĐT&ĐT trên không gian mạng gồm các nhà báo, giảng viên, nghiên cứu viên, các cán bộ, đảng viên, hưu trí, lão thành cách mạng. Đồng thời, cần phải có cơ chế, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ viết bài, cộng tác viên tuyên truyền song song với các chính sách thu hút, tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực có năng lực và kinh nghiệm trong ĐT&ĐT trên lĩnh vực QCN.

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Thế Anh (2021), Đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người tại các diễn đàn của Liên hợp quốc, http://qcn.ciks.vn

[2] Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ, Văn phòng Thường trực (2012), Tài liệu tổng kết Chỉ thị số 12 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta", Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét