Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác ĐT&ĐT trên lĩnh vực QCN ở Việt Nam thời gian vừa qua đã thể hiện sự chủ động, tích cực và được triển khai, thực hiện trên nhiều phương diện. Năm 2005, Việt Nam lần đầu tiên công bố Sách trắng về "Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam". Đến năm 2018, Sách trắng được gắn với chủ đề “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam” đã khẳng định: Trong thời gian qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật về QCN trên mọi khía cạnh; bảo đảm các quyền và tự do của người dân theo đúng các chuẩn mực quốc tế...
Đối với các nghĩa vụ quốc gia, Việt Nam thường xuyên chủ động xây dựng các báo cáo, trả lời đúng hạn các kháng thư của cơ chế Liên hợp quốc như Báo cáo định kỳ phổ quát (UPR), các báo cáo giữa kỳ tự nguyện... Một số báo, đài, tạp chí chủ lực ở Trung ương, địa phương đã xây dựng, duy trì chuyên trang, chuyên mục đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa nói chung và QCN nói riêng; viết, đăng tải hàng nghìn tin, bài, tập trung đấu tranh phản bác các thông tin bịa đặt, xuyên tạc về bảo đảm QCN ở Việt Nam.
Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các cuộc đối thoại song phương, đa phương, các hội nghị, diễn đàn và cơ chế quốc tế cũng như khu vực về nhân quyền, để vừa cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và thành tựu nhân quyền của Việt Nam, vừa vận động, bày tỏ thiện chí đối thoại, hợp tác, đồng thời kiên quyết đấu tranh nhằm vào từng đối tượng cụ thể để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế và phân hóa lực lượng. Với việc trúng cử vào các vị trí quan trọng trong Liên hợp quốc như Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng Kinh tế-Xã hội (nhiệm kỳ 2016-2018), Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2020-2021) Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với các thành viên khác tại các khóa họp, hội nghị cấp cao; phối hợp với một số nước và tổ chức quốc tế tổ chức sự kiện bên lề khóa họp hay hội nghị cấp cao nhằm thông tin, đối thoại về QCN (chẳng hạn, tại Khóa 31 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (tháng 3/2016), Việt Nam phối hợp với Australia tổ chức sự kiện bên lề Hội nghị cấp cao khóa 31 về bảo đảm quyền lao động của người khuyết tật. Tại khóa 32 (tháng 6/2016), phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức sự kiện bên lề về đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển; cùng với Bangladesh và Phillipines đồng tác giả Nghị quyết về tác động của Biến đổi khí hậu với quyền trẻ em (được thông qua bằng đồng thuận với hơn 110 nước đồng bảo trợ). Tại khóa 33 (tháng 9/2016), phối hợp với Mỹ, Australia, Phillipines, Trung Quốc và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức sự kiện bên lề về nâng cao giáo dục trong phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái[1]. Đặc biệt, việc lần thứ hai trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2023-2025) đã mở rộng các kênh ĐT&ĐT, nâng vị thế và uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền...
Tuy nhiên, bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin đang đặt ra một số vấn đề mới cho công tác ĐT&ĐT trên lĩnh vực QCN ở Việt Nam hiện nay:
Thứ nhất, vấn đề đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người trên không gian mạng
Do có tính mở, đa dạng, nhiều khi ranh giới giữa thực và ảo bị xoá mờ, không gian mạng đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng và Nhà nước. Chúng thường xuyên phát tán các thông tin xấu, độc trên nền tảng công nghệ thông tin, đăng nhiều bài viết xuyên tạc, bôi nhọ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QCN trên các trang mạng xã hội. Điều này càng khiến ĐT&ĐT về QCN trên không gian mạng trở thành mặt trận quan trọng.
Thứ hai, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế
Nhận thức, hiểu biết về quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, cũng như pháp luật quốc tế về QCN của một bộ phận cán bộ làm công tác này còn yếu, chưa sâu, chưa toàn diện. Phương pháp, cách thức, nội dung ĐT&ĐT đặc biệt là các kỹ năng đối thoại; kỹ năng khai thác, nắm bắt, phân tích thông tin để lập luận phản bác luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch còn thiếu tính khoa học, chưa được tập huấn, rèn luyện nhiều... Những hạn chế này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng ĐT&ĐT trên lĩnh vực QCN tại Việt Nam hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét