Nhận thức được tầm quan trọng của đối thoại trên lĩnh vực QCN, ngày 12/7/1992 Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng. Chỉ thị nêu rõ: “Đối với những tổ chức và cá nhân, vì mục đích hoạt động thuần túy nhân đạo, từ thiện hoặc những người lâu nay có thiện chí với ta, nhưng vì thiếu thông tin chính xác hoặc ít nhiều bị sức ép của các thế lực phản động hoặc của nền chính trị nội bộ nước họ thì ta cần có thái độ chân thành, cởi mở, kiên trì giải thích, thuyết phục để tranh thủ họ đồng tình với ta...”
Như vậy, đối thoại trên lĩnh vực QCN được sử dụng với nhân dân, các tổ chức, cá nhân chưa hiểu đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về vấn đề này. Mục tiêu của đối thoại, trước tiên và chủ yếu là nhằm thực hiện, phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong toàn thể nhân dân, cảm hoá, gây dựng niềm tin trong nhân dân từ đó cô lập, làm thất bại hoàn toàn các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Cùng với đó, "thông qua đối thoại làm cho các nước hiểu đúng về quan điểm, thành tựu QCN ở Việt Nam, tăng cường sự đồng thuận, khắc phục và thu hẹp những vấn đề chưa đồng thuận, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế, nhân dân thế giới, và cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài,...”. Đối thoại trên lĩnh vực QCN phải được thực hiện trên cơ sở: Khoa học, dân chủ, xây dựng, thuyết phục lẫn nhau.
Đối với đấu tranh trên lĩnh vực QCN, Đảng xác định đối tượng là các phần tử phản động, “các lực lượng thù địch dùng vấn đề QCN với âm mưu chống phá ta”. Vì vậy, khác với đối thoại, mục tiêu của đấu tranh trên lĩnh vực QCN là làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn sử dụng QCN như một công cụ để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xoá bỏ chế độ chính trị - xã hội ở Việt Nam của những đối tượng cố tình xuyên tạc, bôi nhọ chủ trương, chính sách về QCN của Đảng, Nhà nước. Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra yêu cầu khi đấu tranh: “cần phải phê phán vạch trần luận điệu và thủ đoạn xấu” của các thế lực thù địch, “tỉnh táo theo dõi, phân tích và có dự báo về những âm mưu, thủ đoạn mới của địch để chủ động kịp thời đấu tranh; hết sức tránh những sai lầm, sơ hở có thể bị địch lợi dụng xuyên tạc, thổi phồng để tập hợp lực lượng chống ta”; “thường xuyên nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch sử dụng vấn đề dân chủ, dân quyền để can thiệp, gây sức ép, chống phá ta, từ đó chủ động có chủ trương, đối sách đấu tranh vô hiệu hoá các hoạt động của chúng...”.
Khi tiến hành ĐT&ĐT trên lĩnh vực QCN, Chỉ thị 12 khẳng định: Phải có sự phân tích, đánh giá từng loại đối tượng, phân biệt đối tượng nào thì đối thoại, đối tượng nào kiên quyết phải đấu tranh, từ đó lựa chọn được phương thức đúng đắn, hiệu quả. Đối với công tác ĐT&ĐT trên lĩnh vực này, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đặt ra yêu cầu: "các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân”. Đồng thời, phải "kiên quyết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của đất nước”. Theo đó có thể thấy, giữa ĐT&ĐT có mối quan hệ khăng khít: Kết quả của đối thoại góp phần "tạo thế chủ động trong đấu tranh về quyền con người”. Nhận thức rõ điều này, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: "Sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề nhân quyền. Kiên quyết làm thất bại các âm mưu, hành động xuyên tạc và lợi dụng các vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", "dân tộc", tôn giáo hòng can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định chính trị của Việt Nam”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét