Nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề ở các chi bộ trong Đảng bộ Quân đội giai đoạn hiện nay
(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”(1). Quán triệt chỉ dạy của Người, các chi bộ trong Đảng bộ Quân đội đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trong những năm qua, Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo các cấp ủy, chi bộ trong toàn quân quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; các cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ chi ủy viên, bí thư chi bộ về kỹ năng, nghiệp vụ tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Theo đó, nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng được nâng lên. Công tác chuẩn bị sinh hoạt được quan tâm đúng mức. Trong sinh hoạt, các chi bộ thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Số đảng viên tham gia sinh hoạt tại chi bộ đạt tỷ lệ cao, nhiều đảng viên tự giác, gương mẫu, tích cực tham gia góp ý kiến xây dựng nghị quyết chi bộ…
Các cấp ủy, chi bộ trong Đảng bộ Quân đội thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai sinh hoạt chuyên đề, bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn của Đảng, sát yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn từng cơ quan, đơn vị. Kỹ năng, phương pháp chuẩn bị và tổ chức, điều hành sinh hoạt của bí thư chi bộ ngày càng được nâng lên. Sinh hoạt chuyên đề đã phát huy tác dụng trong thảo luận, phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của mỗi đảng viên trong quyết định những nội dung lãnh đạo của chi bộ. Các đồng chí cấp ủy viên được phân công theo dõi, dự sinh hoạt với các chi bộ; gợi mở cho các chi bộ lựa chọn nội dung sinh hoạt đúng định hướng. Cơ quan chính trị và cán bộ đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị đã phát huy tốt vai trò trong theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cấp ủy, chi bộ đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chuyên đề.
Nội dung sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ đa dạng, phong phú tập trung vào: Học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật Nhà nước và các quy định của đơn vị; các giải pháp phòng, chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chi bộ; đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; công tác tạo nguồn, bồi dưỡng và phát triển đảng viên...
Từ năm 2018 đến nay, 100% các chi bộ đã duy trì và thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt định kỳ; có 99,8% các chi bộ quan tâm tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề, trong đó, có 35% chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề từ ba đến bốn lần; 64,8% chi bộ tổ chức sinh hoạt từ một đến hai lần trong quý.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sinh hoạt chuyên đề của một số chi bộ còn có hạn chế, khuyết điểm nhất định, như: Nội dung sinh hoạt chuyên đề có thời điểm chất lượng còn hạn chế; thời gian sinh hoạt chi bộ ngắn; các ý kiến tham gia thảo luận còn biểu hiện xuôi chiều…
Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là nhận thức về yêu cầu, nội dung sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề của một số cấp ủy, chi bộ chưa đầy đủ. Việc xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề chưa được quan tâm đúng mức. Công tác chuẩn bị nội dung sinh hoạt có chi bộ chưa kỹ. Phân công cán bộ, đảng viên chuẩn bị nội dung chuyên đề chưa được chú trọng. Phương pháp điều hành sinh hoạt của một số bí thư chi bộ thiếu linh hoạt…
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ trong Đảng bộ Quân đội, các cấp ủy cần tập trung thực hiện một số nội dung, biện pháp cụ thể như sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chi ủy viên và bí thư chi bộ về nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề
Bí thư chi bộ là người chủ trì mọi mặt hoạt động của chi ủy, chi bộ. Chi ủy là hạt nhân đoàn kết, tiêu biểu về năng lực, trí tuệ của chi bộ, cơ quan lãnh đạo của chi bộ giữa hai kỳ đại hội. Đội ngũ bí thư, chi ủy viên là nhân tố rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng sinh hoạt chuyên đề của chi bộ. Do đó, chất lượng sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ trongĐảng bộ Quân đội được nâng cao khi đội ngũ chi ủy viên và bí thư chi bộ có nhận thức đúng, trách nhiệm cao về sinh hoạt chi bộ nói chung và sinh hoạtchuyên đề nói riêng.
Các cấp ủy, chi bộ trong Đảng bộ Quân đội cần tập trung lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ chi ủy viên và bí thư chi bộ nắm chắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sinh hoạt chuyên đề; đồng thời quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của cấp ủy các cấp, nhất là Quy định số 104-QU/TW ngày 16-2-2017 của Quân ủy Trung ương “Một số vấn đề cơ bản về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của các tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Hướng dẫn số 12- HD/BTCTW ngày 06-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Hướng dẫn số 1677/HD-CT ngày 28-9-2018 của Tổng cục Chính trị về “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ Quân đội”; Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28-9-2021 của Ban Bí thư “Một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng”… Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng cho đội ngũ bí thư, chi ủy viên nắm vững các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, quy trình, nội dung, hình thức, tính chất, yêu cầu của một buổi sinh hoạt chuyên đề có chất lượng; các kỹ năng cần thiết trong chuẩn bị, điều hành sinh hoạt chi bộ...
Công tác tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức, biện pháp linh hoạt, như: tổ chức học tập, sinh hoạt đảng; giao ban, hội ý; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thi v.v.. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ chi ủy viên, bí thư chi bộ, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề cho các chi bộ trong Đảng bộ Quân đội.
Hai là, cần quan tâm xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch sinh hoạt chuyên đề
Chi ủy mà trực tiếp là bí thư chi bộ chủ động nghiên cứu, quán triệt nắm vững các căn cứ và xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề của chi bộ, báo cáo cấp ủy cấp trên đúng quy định. Sau khi có kế hoạch, đồng chí bí thư chi bộ phải có trách nhiệm triển khai và tổ chức điều hành chi bộ sinh hoạt nghiêm túc, đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc.
Ngoài các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ theo quy định, mỗi quý, ít nhất một lần, chi bộ cần tổ chức một buổi riêng để sinh hoạt chuyên đề và lựa chọn một số nội dung cần thiết, hoặc khâu yếu, mặt yếu của cơ quan, đơn vị làm chủ đề sinh hoạt. Việc chọn chuyên đề cần được phổ biến, thảo luận, thông qua các kỳ sinh hoạt để đảng viên tham gia chuẩn bị và thảo luận sôi nổi, có chất lượng, hiệu quả.
Ba là, phân công cán bộ, đảng viên chuẩn bị chuyên đề phải cụ thể, tỷ mỷ.
Chi ủy hội ý, thống nhất phân công đồng chí bí thư chi bộ, chi ủy viên hoặc những đảng viên am hiểu nội dung liên quan đến chuyên đề để chuẩn bị bằng văn bản. Trường hợp không thể chuẩn bị bằng văn bản thì bí thư chi bộ báo cáo cấp ủy cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nội dung, hình thức, phương pháp sinh hoạt cụ thể, bảo đảm chất lượng. Nội dung chuyên đề nên gắn sát thực tiễn từng cơ quan, đơn vị, tập trung khắc phục khâu yếu, mặt yếu, hoặc kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thịsố05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87-CT/QUTW ngày 08-7-2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Bí thư chi bộ trao đổi với chi ủy viên hoặc đảng viên được phân công về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp thực hiện chuyên đề; đồng chí được phân công có trách nhiệm nghiên cứu kỹ đề cương chuyên đề, sưu tầm, thu thập số liệu, tài liệu có liên quan để xây dựng tham luận. Dự thảo chuyên đề phải được chi ủy (bí thư, phó bí thư) thông qua; báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp và gửi cho đảng viên trước khi sinh hoạt nếu có điều kiện.
Bốn là, tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề đúng quy định
Bí thư thông báo thời gian, nội dung sinh hoạt chuyên đề và cung cấp bản dự thảo chuyên đề cho đảng viên nghiên cứu trước. Từng đảng viên chủ động chuẩn bị để tham gia phát biểu, thảo luận trong cuộc họp. Trong sinh hoạt chuyên đề, bí thư chi bộ là người chủ trì hội nghị; người được phân công chuẩn bị trình bày dự thảo chuyên đề trước chi bộ, báo cáo chuyên đề phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ. Chủ trì hội nghị định hướng, gợi ý và điều hành thảo luận. Cần phát huy dân chủ trong thảo luận, các đảng viên trong chi bộ tích cực phát biểu nêu nhận thức của cá nhân đối với chuyên đề và tác dụng của chuyên đề đối với bản thân, đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo chuyên đề, đồng thời đề xuất các biện pháp trong công tác lãnh đạo của chi bộ; chi ủy viên hoặc đảng viên được phân công tiếp thu, hoàn thiện chuyên đề; thông qua bí thư; gửi chuyên đề tới tổ đảng (nếu có), đảng viên trong chi bộ để nghiên cứu, học tập và báo cáo cấp trên theo quy định.
Năm là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và cơ quan chính trị (trợ lý chính trị) đối với sinh hoạt chuyên đề
Đây là vấn đề thuộc về nguyên tắc, đồng thời là nhân tố bảo đảm cho sinh hoạt chuyên đề được tiến hành đúng hướng, chất lượng sinh hoạt chuyên đề ngày càng cao. Cấp ủy các cấp, trực tiếp, thường xuyên là bí thư đảng ủy, chính ủy, chính trị viên phải thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề; chủ động tham mưu cho đảng ủy đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng, giúp các chi ủy, chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên quán triệt, thực hiện đạt hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ; phân công các đồng chí ủy viên dự và trực tiếp chỉ đạo sinh hoạt chuyên đề; phát hiện những khuyết điểm, hạn chế để có biện pháp khắc phục kịp thời; đồng thời quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của cơ quan chính trị (trợ lý chính trị), ủy ban kiểm tra trong hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc chấp hành nền nếp, chế độ, nguyên tắc, nội dung, quy trình và việc thực hiện các chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề.
Cơ quan chính trị (trợ lý chính trị) phối hợp chặt chẽ với ủy ban kiểm tra nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, nhất là các quy định mới về sinh hoạt chuyên đề, chuẩn bị nội dung và tham mưu cho đảng ủy cụ thể hóa thành các văn bản hướng dẫn thực hiện; làm tốt công tác theo dõi, kiểm tra và thường xuyên nắm chắc chất lượng sinh hoạt chuyên đề; kịp thời phát hiện, giải đáp những bất cập, khó khăn, vướng mắc và đề xuất với đảng ủy xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng năng lực, phương pháp, kỹ năng chuẩn bị và chủ trì sinh hoạt chuyên đề cho các chi bộ.
__________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.113.
Nguồn : NGUYỄN THÀNH VINH
Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét