Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thực
hiện công việc người cán bộ, phải tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được
giao, ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công
tác, “có gan phụ trách”, dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo và đặc biệt phải
có khát vọng vươn lên để có kết quả cao nhất. Nói đến khát vọng là nói đến yếu
tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để đạt
cho được mục tiêu; là nguồn động lực có sức mạnh vô biên để thực hiện những
nhiệm vụ nặng nề nhằm đạt được ước mơ, không khuất phục trước mọi thử thách… là
động lực để cho mọi tầng lớp nhân dân đem hết sức mình thực hiện khát vọng, mà
cụ thể ở thời điểm này khát vọng của dân tộc Việt Nam là đưa đất nước đi tới
phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc
và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội
chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con
người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ
chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công
nghệ, nhất là những thành tựu của của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,
thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững
đất nước”.
Để góp phần nâng cao tinh thần trách
nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm thực hiện khát vọng xây dựng đất nước
phồn vinh, hùng cường, phải thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ
chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng
cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh
đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách
nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế, quy định cụ thể, rõ ràng và ràng buộc
trách nhiệm của cá nhân trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền.
Hai là, mỗi cán bộ lãnh đạo, người đứng
đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần thực sự tiên phong, gương mẫu về tinh thần
trách nhiệm trước công việc và nhân dân theo phương châm “nói đi đôi với làm”,
nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ
cấp dưới; đảng viên nêu gương cho quần chúng noi theo.
Ba là, từng cán bộ, đảng viên cần nêu cao tính chủ động,
sáng tạo trước công việc được giao. Khi thực hiện nhiệm vụ, công việc cần có
chương trình, kế hoạch, tránh để chậm trễ gây tồn đọng, ách tắc, cấp trên hoặc
lãnh đạo phải nhắc nhở hoặc nhân dân phải phàn nàn, chê trách, góp ý phê bình
về ý thức và tinh thần trách nhiệm. Trong thực hiện nhiệm vụ cần thực hiện
nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đúng
quy trình, thủ tục, đồng thời linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm
để hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất.
Bốn là, nâng cao tinh thần trách nhiệm của
cán bộ, viên chức phải gắn với trao đổi, tự phê bình và phê bình, đóng góp ý
kiến xây dựng cho cán bộ, đảng viên. Kịp thời khen thưởng, biểu dương những
việc làm tốt và uốn nắn những hạn chế, khuyết điểm, có biện pháp phù hợp để cán
bộ, đảng viên nhận thức được sai sót, hạn chế của mình, từ đó phấn đấu sửa
chữa. Nghiêm túc đấu tranh chống bệnh tranh công, đổ lỗi cho khách quan hoặc đổ
trách nhiệm cho người khác; những biểu hiện né tránh, bao biện hoặc kiểm điểm,
phê bình một cách hình thức, chiếu lệ, qua loa.
Hơn 70 năm đã qua đi, nhưng những lời
chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong tác phẩm Tinh thần trách nhiệm vẫn
còn nguyên giá trị để Đảng và Nhà nước Việt Nam “Khơi dậy tinh thần và ý chí,
quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường
tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” nhằm đưa đất
nước cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công
tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét