Nêu cao tinh thần
trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là tư tưởng
xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Trách nhiệm đó
được thể hiện trong mọi hoạt động của Người: trong học tập, lao động, nghiên
cứu lý luận, hoạt động thực tiễn, cùng Đảng lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam
tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một đất
nước có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển...
Với thân phận của một
người dân sống trong một đất nước mất độc lập, dân nô lệ, lầm than, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã nhận rõ trách nhiệm của một người dân mất nước, quyết tâm đi tìm
đường cứu nước, giải phóng đồng bào. Trách nhiệm đó thấm sâu vào từng suy nghĩ
và hành động của Người, để rồi trong suốt 30 năm, chàng thanh niên yêu nước
Nguyễn Tất Thành đã tìm đến các nước tư bản phát triển, các nước thuộc địa, sẵn
sàng làm nhiều nghề để vừa nuôi sống bản thân, vừa hoạt động cách mạng. Người
đã thể hiện trách nhiệm và quyết tâm cháy bỏng tìm con đường cứu nước bằng cách
khám phá thế giới, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu “Tự do, Bình
đẳng, Bác ái” rồi trở về giúp đồng bào. Không lo cho bản thân mình, Người sẵn
sàng tranh luận, trao đổi các vấn đề lớn liên quan tới vận mệnh của nhân dân
Việt Nam cũng như các dân tộc thuộc địa. Bản lĩnh và trách nhiệm của một chiến
sĩ cách mạng dần hé lộ trong tư duy và hành động của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí
Minh.
Khi trở thành người
đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác vẫn thể hiện rõ trách nhiệm của một người đứng ở
vị trí cao nhất. Người khẳng định: “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải
hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có
lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ
có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
thực thi công vụ với ý thức trách nhiệm của một người lãnh đạo chủ chốt, đứng
đầu không phải bằng việc sử dụng hay lạm dụng quyền lực mà thuyết phục bằng cảm
hóa, bằng phong cách nói đi đôi với làm. Ý thức trách nhiệm của Người thể hiện
từ những việc lớn như hoạch định đường lối, chính sách đến những việc nhỏ như
lo tương cà, mắm muối cho dân. Người sống đời sống của dân, cùng nhịp đập với
trái tim của dân, lo toan, trăn trở khi dân ốm, dân đói, dân rét, dân bị bóc
lột, bị mù chữ, nghèo nàn… Theo Bác, người nấu bếp, lo làm cho luôn luôn cơm
lành canh ngon, bát đũa sạch sẽ. Không phí phạm của công. Tìm cách tăng gia
trồng rau, nuôi gà… Khi anh em ốm yếu, thì có bát canh bát cháo. Khi bộ đội
đang mải đánh giặc thì tìm cách đưa cơm đến nơi cho anh em ăn. Khi tiếp tế khó
khăn thì tìm cách vượt qua, không để anh em thiếu thốn. Như thế là có tinh thần
trách nhiệm.
Người cán bộ quân sự,
thì luôn luôn học hỏi chính trị và kỹ thuật, chiến thuật. Luôn luôn săn sóc đến
tinh thần và vật chất của đội viên. Đoàn kết nội bộ. Giúp đỡ nhân dân. Kiên
quyết chấp hành mệnh lệnh trên giao xuống. Khi đánh giặc thì làm cho toàn đội
thấm nhuần tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Gặp việc khó khăn thì cố tìm
cách giải quyết đúng. Như thế là có tinh thần trách nhiệm.
Đảng và Chính phủ đề
ra chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy.
Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, thấu hiểu hoàn cảnh thiết thực của
đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực để
giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu và ủng hộ
chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ
chính sách ấy. Như thế là làm trọn nhiệm vụ.
Để thực hiện chính
sách, làm tròn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên
truyền, cổ động mà còn phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt
chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân
hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoanh nghênh
nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình là gương mẫu cần,
kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với
Đảng, Chính phủ và đối với Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, mọi suy nghĩ
và hành động của cán bộ công chức phải đi đúng đường lối quần chúng. Đi đúng
đường lối quần chúng là một nét đặc sắc trong tư duy Hồ Chí Minh về đạo đức
công vụ. Người khẳng định: “Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi
đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”.
Ý thức trách nhiệm,
tinh thần trách nhiệm, hành động có trách nhiệm là nhân tố có tính quyết định
trong hoạt động thực tiễn của con người, là khía cạnh quan trọng nhất của đạo
đức nghề nghiệp. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ công chức phải đặt
lên hàng đầu ý thức và tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết sức phục sự Tổ quốc,
phục vụ Nhân dân.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét