Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

Nghị quyết dài dòng,

Theo Quy định số 66-QĐ/TW ngày 6-2-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII “Về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng” có 25 loại văn bản của Đảng, bao gồm: Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chiến lược, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định, thông tri, hướng dẫn, thông báo, thông cáo, tuyên bố, lời kêu gọi, báo cáo, kế hoạch, quy hoạch, chương trình, đề án, phương án, dự án, tờ trình, công văn, biên bản.

Nghị quyết là văn bản ghi lại các quyết định được thông qua ở đại hội, hội nghị cơ quan lãnh đạo đảng các cấp, hội nghị đảng viên về đường lối, chủ trương, chính sách, kế hoạch hoặc các vấn đề cụ thể. Nói đến vị trí, vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng trước hết là nói đến việc xây dựng, ban hành nghị quyết. Kể từ khi Đảng lãnh đạo đất nước thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, phần lớn các nghị quyết của Đảng cơ bản được chuẩn bị công phu, chặt chẽ. Nhiều chiến lược, chủ trương, định hướng, chính sách lớn của Đảng được ban hành cơ bản bám sát thực tiễn cuộc sống, bám sát sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, xu hướng phát triển của thế giới và thời đại, từ đó góp phần tạo ra những cú hích, đòn bẩy, từng bước làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội.

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà trong một số hội nghị gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví von rằng: “Nghị quyết thì thật rằng hay/ Xem ra thực hiện còn gay trăm bề”!

“Nghị quyết hay” thường được hiểu là nghị quyết đúng về mặt văn phong, nội dung chỉn chu. Ở khía cạnh khác, “nghị quyết hay” còn bao hàm cả ý nghĩa chưa hẳn tích cực vì chứa đựng những từ ngữ “kêu như chuông”, mà khi đọc xong ai cũng cảm thấy nhiều câu từ “hay như chim hót”, “ngọt như mía lùi”,  nghe rất “bùi tai” nhưng mục tiêu lại xa rời thực tiễn cuộc sống.

Một trong những lĩnh vực được Đảng ta quan tâm trong khoảng 3 thập niên gần đây là lĩnh vực văn hóa. Trong đó, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ban hành năm 1998 được coi là “Cương lĩnh thứ hai” của Đảng về văn hóa (sau “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943” do đồng chí Trường Chinh khởi thảo). Tại nghị quyết này, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra những quan điểm rất mới mẻ, rất khoa học về văn hóa, trong đó có quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực vừa là mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội”.

Nếu “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943” gói gọn trong khoảng 1.500 chữ thì Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” dài khoảng 9.800 chữ (dung lượng gấp hơn 6,5 lần). Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, dù Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII có nhiều luận điểm thể hiện sự đổi mới tư duy lý luận về văn hóa của Đảng, nhưng nghị quyết này cũng bộc lộ tính ôm đồm, nội dung dàn trải khi coi văn hóa bao hàm cả 3 lĩnh vực là giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; hệ thống thông tin đại chúng.

So sánh nêu trên không nhằm mục đích khen-chê, nhưng soi chiếu vào thực tế gần đây cho thấy, tổ chức đảng các cấp ban hành nhiều nghị quyết mới, có ý nghĩa thiết thực với đời sống xã hội, thế nhưng các nghị quyết này có không ít nội dung được cho là trùng lắp, nhắc lại ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, nhiều nghị quyết có độ dài đến hàng chục trang A4, kết cấu cứng nhắc và tên gọi nghị quyết cũng na ná như nhau. Điều đó mang đến sự trăn trở, băn khoăn về tính khả thi, dễ dẫn đến chồng chéo về chủ trương, giải pháp lãnh đạo, gây khó cho việc triển khai thực hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét